Phối hợp nhịp nhàng giữa các tuyến điều trị để giảm nguy cơ tử vong do COVID-19

Ngày 28/12, diễn ra hội thảo khoa học "Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp giảm tử vong do COVID-19" do Bộ Y tế tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Các cơ sở điều trị cũng như hệ thống theo dõi sức khoẻ người bệnh ban đầu cần theo dõi chặt chẽ tình trạng người bệnh để tiên lượng sớm, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tăng nặng. Cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tuyến điều trị, tuyệt đối tránh tình trạng chuyển tầng khi đã quá muộn”. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế đến theo dõi, điều trị F0 tại nhà xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nộ). Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Đánh giá về tình hình dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, về cơ bản chúng ta đã kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên khi bước vào thực hiện "thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng chống dịch hiệu quả", số ca mắc COVID-19 tại một số địa phương gia tăng, nhiều trường hợp phát hiện qua sàng lọc khi đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện. “Vì thế, việc giám sát vùng nguy cơ cao để đảm bảo phát hiện sớm các ca mắc là rất cần thiết, từ đó cách ly, điều trị và có giải pháp xử trí phù hợp, góp phần hạn chế trường hợp tử vong”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Việc quan trọng là phải kiểm soát ca mắc, tăng cường năng lực điều trị, sử dụng thuốc sớm, trong đó có nhiều thuốc mới, thuốc kháng thể đa dòng, kèm theo đó là đảm bảo oxy cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của hệ thống khám chữa bệnh.

 Vì thế, toàn hệ thống điều trị cần rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến. Cung ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân.

Song song đó tiếp tục đầu tư nguồn lực để mở rộng, tăng cường năng lực hồi sức tích cực. Huy động các cơ sở y tế của nhà nước và tư nhân tham gia điều trị COVID-19 và thực hiện mục tiêu kép vừa triển khai khám chữa bệnh thông thường, vừa tham gia điều trị, hồi sức tích cực COVID-19.

Đồng thời, thực hiện đầy đủ việc "Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị" theo Quyết định đã ban hành ngay từ trạm y tế, tổ COVID cộng đồng đến các cơ sở thu dung, điều trị. 

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị, các trạm y tế cần lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân loại theo các nhóm nguy cơ để quản lý. Các cơ sở thu dung, điều trị cần phân loại nguy cơ người bệnh COVID-19 ngay từ khi nhập viện, đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng người bệnh vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho việc theo dõi chăm sóc, điều trị và xử trí.

“Trong phân loại người bệnh cần tập trung vào nhóm người nguy cơ cao là những người trên 50 tuổi, có bệnh nền, đặc biệt người chưa tiêm, chưa tiêm đủ liều vacine phòng COVID-19 để giám sát chặt chẽ, điều trị kịp thời, phù hợp. Cùng đó, cần củng cố hệ thống cấp cứu, vận chuyển kịp thời người bệnh từ cộng đồng đến bệnh viện và giữa các bệnh viện”, Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19 phải rà soát lại công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường bề mặt; tăng cường thông khí của toàn bộ các buồng bệnh, khu điều trị người bệnh COVID-19. Đồng thời  xây dựng và và điều chỉnh kế hoạch nhân lực, ca kíp, hạn chế tối đa việc nhân viên y tế trực quá 8 tiếng một ngày...

Bên cạnh đó, cần tiếp tục huy động sự tham gia của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên, những người có tâm huyết, người bệnh COVID-19 đã bình phục… cùng tham gia vào tư vấn, điều trị, chăm sóc, quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà… Các địa phương phải đẩy mạnh tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ cao, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng này.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, trong số ca mắc COVID-19 tại nước ta chỉ có 6% là bệnh nhân nặng; 8,3% ở mức trung bình; tỷ lệ bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng chiếm tới 85,7%.

Qua phân tích số ca bệnh tử vong cho thấy: Người trên 65 tuổi chiếm 47,67%; 36,58% là người từ 50-56 tuổi; 18-49 là 15,34%; nhóm từ 0- 17 tuổi là 0,42%.

"Con số trên cho thấy tổng số ca tử vong từ 50 tuổi trở lên chiếm đến 84%, vì vậy việc triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ này là rất cần thiết", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhận định.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đề xuất các giải pháp giảm tử vong bao gồm: Tăng cường công tác hội chẩn, kiểm thảo tử vong, áp dụng tuân thủ các hướng dẫn về chẩn đoán điều trị người bệnh COVID-19 của Bộ Y tế; Tiếp tục rà soát và lên kế hoạch, làm việc với nhà cung ứng đảm bảo cung cấp đủ oxy.

Đồng thời đẩy nhanh tốc độ đào tạo nhân lực mới từ tuyến cơ sở; chủ động công tác đào tạo tại chỗ, Sở Y tế các tỉnh nghiên cứu, bổ sung nhân lực trong mọi lĩnh vực (chuyên môn, kiểm soát nhiễm khuẩn, dinh dưỡng) phân bổ tại các cơ sở điều trị phù hợp; Đảm bảo chế độ chính sách cho nhân viên. Thiết lập các tổ điều phối chuyển tầng, tổ giám sát và hỗ trợ công tác chuyển tuyến chuyển tầng hiệu quả, an toàn.

Lê Hảo (TTXVN)
Sơn La: Quản lý, theo dõi, khám và điều trị người mắc COVID-19 tại nhà
Sơn La: Quản lý, theo dõi, khám và điều trị người mắc COVID-19 tại nhà

Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La vừa ban hành Phương án số 299/PA-UBND quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người mắc COVID-19 (F0) trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất với dịch vụ y tế; đồng thời, chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cũng như vật chất cho người bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN