Siêu bão Rai có cường độ rất mạnh và hiếm gặp trong nhiều năm

Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, bão Rai là trường hợp hiếm gặp trong nhiều năm trở lại đây và có cường độ mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng.

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia) cho biết: Chiều 16/12, bão Rai tiếp tục mạnh lên thành cấp siêu bão, với sức gió mạnh nhất là cấp 16, giật trên cấp 17. Vị trí lúc 16 giờ ngay 16/12, bão hoạt động trên vùng biển Philippines, là một cơn bão rất mạnh và có bán kính gió mạnh trên cấp 6 rộng khoảng trên 300 km.

Đến chiều và tối 17/12  bão Rai sẽ vượt qua khu vực phía Bắc của đảo Palawan (Philippines) và đi vào Biển Đông, sẽ trở thành cơn bão số 9 trong năm 2021. 

Sau khi đi vào Biển Đông, cường độ bão giảm còn cấp 13 - 14, giật cấp 17, sau đó khi vào sát kinh tuyến 111 độ Kinh Đông, bão có xu hướng yếu thêm còn cấp 12 - 13 và đổi hướng dịch chuyển dần lên phía Bắc và tiếp tục suy yếu. 

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực phía Bắc của biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10, từ gần sáng và ngày 17/12 ở vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8 - 10, sau tăng lên cấp 11 - 12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 - 14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8 - 10m; biển động dữ dội. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) cấp 4.

Chú thích ảnh
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia).

Nhận định về sự khác biệt và bất thường của cơn bão này, ông Trần Quang Năng cho biết, thông thường tháng 12 bão đi vào khu vực phía Nam của biển Đông cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến các tình thành phía Nam, nhiên cơn bão Rai này lại có xu hướng đi ngược lên phía Bắc, đó là sự khác thường về đường đi so với trung bình nhiều năm.

“Tất cả các kịch bản chúng tôi đều đã tính toán, tuy nhiên khả năng đường đi bão Rai lệch lên phía Bắc là đang có xác xuất xảy ra cao nhất lên tới 80%, trong đó cũng có khả năng bão đi thẳng vào miền trung và lệch xuống phía Nam, tuy nhiên các khả năng này là không nhiều”, ông Trần Quang Năng cho hay.

Ông Trần Quang Năng nhận định đây là một siêu bão, hoạt động vào cuối mùa, khi vào Biển Đông vẫn còn có cường độ rất mạnh, lên tới cấp 13, kết hợp với không khí lạnh tăng cường sẽ gây ra gió rất mạnh cho khu vực vùng biển giữa Biển Đông, sóng biển rất cao nên rất nguy hiểm cho tàu thuyền, kể cả tàu có trọng tải lớn. Vì thế, tàu thuyền ngay từ lúc này cần thực hiện nghiêm túc việc tránh xa khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mạnh, nhất là khu vực có khả năng tâm bão đi qua. 

Ngoài ra, do có tương tác với không khí lạnh nên diễn biến của bão còn phức tạp, người dân cần thường xuyên cập nhật các dự báo mới nhất về diễn biến của bão trong những ngày tới trên website của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia và các phương tiện thông tin đại chúng.

“Theo thống kê của chúng tôi từ năm 1970 tới giờ chỉ có 8 cơn siêu bão xuất hiện trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương vào tháng 12. Trong đó gần đây nhất là cơn bão NOCTEN bão số 10 năm 2016 cường độ bão mạnh nhất cũng đạt cấp 16 ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, còn khi vào biển Đông bão NOCTEN mạnh cấp 10 - 11; cường độ của siêu bão Rai được đánh giá là gần bằng với siêu bão HAIYAN (cấp 17) tháng 11/2013”, ông Trần Quang Năng cho biết.

Thu Trang/Báo Tin tức
Bão Rai thành siêu bão, tiến sát biển Đông
Bão Rai thành siêu bão, tiến sát biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 16/12, bão Rai tiếp tục mạnh thêm, trở thành một cơn siêu bão với sức gió mạnh nhất đạt cấp 16, giật trên cấp 17.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN