Nhân Kỷ niệm ngày Quốc tế trẻ em 1/6:

Thể chế hóa việc thực thi quyền trẻ em

Luật Trẻ em đã được nước ta công bố từ cuối tháng 4/2016, quy định 25 nhóm quyền của trẻ em với một số quyền được bổ sung hoặc quy định cụ thể.Để việc thực thi quyền trẻ em trong các văn bản luật được triển khai sâu rộng, cần có những quy định cụ thể hơn nữa về cơ chế thực thi.

Có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em gồm 7 chương, 106 điều. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 và Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Luật quy định 25 nhóm quyền của trẻ em với một số quyền được bổ sung hoặc quy định cụ thể hơn.

Nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, ngày 24/5/2016, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ Đạo Tây Nguyên cùng các nhà hảo tâm đến thăm và tặng quà cho trẻ em Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Kế thừa Luật năm 2004, các bổn phận của trẻ em được quy định cụ thể trong Luật, phù hợp với chế định về nghĩa vụ công dân của Hiến pháp năm 2013, Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng và phù hợp với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng con người Việt Nam trong bối cảnh mới. Trẻ em có bổn phận đối với gia đình, nhà trường, cộng đồng, đất nước và chính bản thân các em. Trẻ được chăm sóc, giáo dục, bảo vệ (ở các cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp) và được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

Quan trọng là thực thi ra sao

Trên diễn đàn Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11, quốc hội khóa XII, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) từng nêu quan điểm: Quan trọng không phải là việc chúng ta liệt kê được bao nhiêu quyền, mà cơ chế pháp lý thực hiện quyền đó như thế nào để quyền trẻ em được tôn trọng và được thực thi trong cuộc sống mới là điều quan trọng. Đại biểu cho rằng, nếu chúng ta cứ liệt kê đầy đủ các quyền trẻ em, nhưng không có cơ chế bảo vệ và thực hiện quyền, thì trẻ em vẫn là đối tượng dễ bị xâm hại nhất.

Quả thực, các em nhỏ không thể tự bảo vệ các quyền cơ bản của mình được vì trẻ em chưa có nhiều kỹ năng để tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị tổn hại. Do đó,”trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em phải thuộc về cha mẹ, người nuôi dưỡng, người giám hộ, sau đó là nhà trường, các cơ sở nuôi dưỡng, giáo dục và cả hệ thống chính trị” - bà Hiền khẳng định.

Ở một khía cạnh khác, là việc giám sát thực thi luật. Ths.Bs Nguyễn Trọng An, chuyên gia cao cấp về bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí đã khẳng định: Hiện nay chúng ta thiếu hẳn một đội ngũ cộng tác viên giám sát việc bảo vệ chăm sóc trẻ em. Phải có đội ngũ này thì mới có “tai, mắt” để lắng nghe, để biết được nhà này, cơ sở kia đang hoặc chuẩn bị có nguy cơ gì xảy ra với trẻ em mà ngăn chặn. Nhưng chúng ta đã giải tán đội ngũ này ở cộng đồng từ tháng 8/2007. Nay mới hồi phục lại, nhưng đang thiếu hụt, và cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới một số vụ việc xâm phạm quyền của trẻ em.

Quy định cụ thể hơn về cơ chế thực hiện

Để giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em khả thi và có hiệu quả, Luật Trẻ em vừa được công bố đã quy định rõ nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Khi thảo luận về nội dung này trong Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XII, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông), Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) đồng tình bởi, theo các đại biểu, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có chức năng giám sát, phản biện xã hội. Tuy nhiên, để cơ chế giám sát quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em được khả thi, hiệu quả, các đại biểu kiến nghị cần quy định rõ trách nhiệm của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em. Đại biểu Trần Hồng Thắm nêu quan điểm: Cần phân công rõ các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, nhằm đáp ứng chuẩn mực quốc tế và vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Như vậy, Đoàn thanh niên các cấp sẽ có đủ cơ chế được quy định rõ ràng, chủ động trong thực hiện trách nhiệm đại diện.

Trong Luật Trẻ em vừa công bố, Chương VI, về Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, có nhắc tới nhiều bộ, ngành, cá nhân và tổ chức xã hội. Tuy nhiên, để đảm bảo thực thi hiệu quả hơn quyền của trẻ em, một cơ chế giám sát độc lập về nội dung này cũng rất cần được tính đến
Phương Hà (tổng hợp)
Kỷ niệm 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước LHQ về quyền trẻ em
Kỷ niệm 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước LHQ về quyền trẻ em

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại Hà Nội ngày 20/12 đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN