Tình hình COVID-19 ngày 28/6: Siết phòng dịch tại chợ truyền thống; thêm 2 trường hợp tái dương tính SARS-CoV-2

Trong ngày 28/6, những thông tin về dịch COVID-19 trong nước được người dân quan tâm là: Thêm 391 ca mắc mới; Các địa phương tăng cường phòng dịch tại chợ truyền thống; ; Mở chiến dịch cao điểm truy vết, xét nghiệm rộng toàn TP Hồ Chí Minh; Hà Nội thêm 2 ca tái dương tính SARS-CoV-2…

Thêm 391 ca mắc mới trong lúc 200 bệnh nhân COVID-19 ra viện

Trong ngày 28/6, Việt Nam ghi nhận thêm 391 ca mắc mới. Như vậy, đến 18 giờ 30 ngày 28/6, Việt Nam có tổng cộng 14.263 ca ghi nhận trong nước và 1.778 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 12.693 ca, trong đó có 3.745 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax đợt 1, giai đoạn 3 cho tình nguyện viên tại Học viện Quân y. 

Hiện nay, có 13 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Có 10 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn. Từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.998.885 xét nghiệm cho 7.044.133 lượt người.

Ngày 28/6, có thêm 200 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số ca âm tính với SARS-CoV-2 là 620 ca. Đến nay, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 6.519 ca.

Nhiều địa phương siết hoạt động của các chợ truyền thống

Chiều 28/6, bà Châu Thị Lê, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, cho biết, tạo điều kiện Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh) hoàn chỉnh các phương án phòng, chống dịch COVID-19, Sở Công Thương thông báo đến tất cả các doanh nghiệp tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp, từ ngày 28/6 đến ngày 4/7/2021.

Chú thích ảnh
Người dân ra vào chợ Bình Thới (Quận 11, TP Hồ Chí Minh) sẽ được phát phiếu để kiểm soát tình hình dịch bệnh. Ảnh: M,L

Cũng trong ngày 28/6, sau khi ghi nhận 4 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Phường 10, chiều 28/6, Ủy ban nhân dân thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, đã ban hành văn bản số 2641/UBND-VP về việc tạm dừng hoạt động chợ Bảo Định (chợ Cầu Cống), Phường 10, từ 15 giờ ngày 28/6/2021.

Tại Phú Yên, trước việc xuất hiện thêm một số trường hợp dương tính do lây nhiễm từ chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Tuy Hòa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hòa Cao Đình Huy đã ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu các phường, xã khẩn trương khoanh vùng, truy vết các trường hợp liên quan đến các ca mắc có yếu tố dịch tễ đi đến các chợ truyền thống, áp dụng các biện pháp cách li theo quy định, lập các chốt kiểm soát dịch tại các lối ra vào chợ. Ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hòa yêu cầu các chợ chỉ cung cấp các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo thực hiện theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế. Trung tâm Y tế khẩn trương lấy mẫu cho toàn bộ tiểu thương chợ truyền thống trong đó ưu tiên tại chợ Tuy Hòa, Tân Hiệp, Phú Lâm, Hầm Nước và chợ Phường 7.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, đến nay đã khoảng 2 tháng, chợ Bình Thới là chợ đầu tiên áp dụng cấp phiếu ra vào để kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19. Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng BQL chợ Bình Thới cho biết: “Các tiểu thương, người dân đi chợ hay cán bộ BQL đều phải khai báo y tế điện tử hằng ngày khi vào chợ".

Chú thích ảnh
Nhân viên BQL chợ Bình Thới hỗ trợ người dân trước khi vào chợ.

Theo ông Tùng, để việc khai báo y tế được thuận tiện, đơn vị sẽ cấp phiếu ra vào chợ, trên thẻ có ghi toàn bộ thông tin cá nhân và mã QR định danh từng cá nhân. Mỗi người dân được cấp 1 thẻ và có thể đi chợ hàng ngày cho đến khi có thông báo mới của BQL chợ.

Trên phiếu đăng ký ra vào chợ sẽ có thông tin gồm tên tuổi, địa chỉ liên hệ và số điện thoại của người đi chợ. Toàn bộ thông tin trên được lưu vào hệ thống khai báo y tế của chợ. Người dân lần đầu đến chợ sẽ được khai báo thông tin y tế và xuất cấp thẻ; những lần tiếp theo chỉ cần xuất trình thẻ để nhân viên BQL quét mã QR xác định thời gian ra vào chợ nhằm giúp cơ quan y tế điều tra truy vết dịch tễ nhanh chóng khi có ca mắc COVID-19 đến chợ.

2 trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2

Ngày 28/6, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trên địa bàn đã ghi nhận 2 trường hợp mắc COVID-19 tái dương tính với SARS-CoV-2 là hai mẹ con, trú xã Đông Lạc, huyện Chương Mỹ, tiền sử liên quan Bệnh viện K Tân Triều. Hiện cả 2 mẹ con đã được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.

Liên quan đến 2 trường hợp trên, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, người mẹ 79 tuổi, người con dâu 43 tuổi, đều mắc COVID-19 và có liên quan đến Bệnh viện K Tân Triều từ tháng 5. Hai người này đã được điều trị khỏi và về địa phương tự cách ly tại nhà thời hạn 14 ngày. Trường hợp 2 mẹ con tái dương tính với SARS-CoV-2 này ít có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Bệnh nhân COVID-19 từng tổn thương gần như hoàn toàn 2 bên phổi đã hồi phục, ra viện

Bệnh nhân N.H.G là bệnh nhân COVID-19 từng trong tình trạng rất nguy kịch, 2 bên phổi tổn thương gần như hoàn toàn, phải chạy ECMO suốt 12 ngày, áp dụng nhiều kỹ thuật cao điều trị. Bệnh nhân đã được cứu khỏi "bàn tay tử thần", hồi phục, ra viện.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân N.H.G từng rất nguy kịch đã được cứu chữa thành công, hồi phục tốt và được ra viện. Ảnh: Đặng Thanh

Các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa cứu sống được ca bệnh COVID-19 từng trong tình trạng rất nguy kịch, điều trị vô cùng khó khăn.

Bệnh nhân là N.H.G (47 tuổi ở Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh), có tiền sử khỏe mạnh; được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 ngày 7/5/2021.

Sau quá trình điều trị 11 ngày ở tuyến dưới, bệnh nhân tiến triển nặng, tiên lượng xấu, bệnh nhân được chuyển tới khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 18/5/2021 trong tình trạng sốt cao, tức ngực, khó thở tăng dần, co kéo cơ hô hấp, mặc dù được thở oxy lưu lượng cao nhưng bệnh nhân vẫn không đảm bảo tình trạng oxy máu. Bệnh nhân suy hô hấp tiến triển nặng rất nhanh, đi vào tình trạng suy hô hấp nguy kịch, hệ thống tuần hoàn suy sụp, huyết áp thấp phải duy trì thuốc vận mạch, tình trạng toan máu hỗn hợp, tổn thương gần như hoàn toàn 2 cả hai bên phổi (vùng thông khí dưới 10% phổi). Bệnh nhân được theo dõi, đánh giá liên tục và sử dụng phối hợp các biện pháp hồi sức tích cực với kỹ thuật ECMO, thở máy bảo vệ phổi, lọc máu hấp phụ cytokines, chống đông phòng huyết khối, kháng sinh chống nhiễm khuẩn, dinh dưỡng và tập phục hồi chức năng.

Đến ngày 30/5, sau 12 ngày điều trị hồi sức tích cực với hệ thống ECMO, thở máy và 6 lần lọc máu hấp phụ Cytokines, chức năng phổi và toàn trạng bệnh nhân dần hồi phục, bệnh nhân được cai được ECMO. Tuy nhiên, chiều ngày 7/6 bệnh nhân lại đột ngột suy hô hấp, các bác sĩ đã điều trị huyết khối động mạch phổi cho người bệnh. Đến 28/6, sau 40 ngày hồi sức tích cực, trải qua 12 ngày phải chạy ECMO, 18 ngày thở máy, 15 ngày thở oxy, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, thể trạng tốt, xét nghiệm 3 lần liên tiếp âm tính với SARS-CoV-2.

Mở chiến dịch cao điểm truy vết, xét nghiệm rộng toàn TP Hồ Chí Minh

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chỉ đạo tại Cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố ngày 28/6 đã yêu cầu mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn Thành phố.

Chú thích ảnh
Các y bác sỹ Trung tâm y tế Quận 3 thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên cho cán bộ, người lao động Công ty TNHH MTV Itaxa. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá, ngay từ khi phát hiện ổ dịch Nhóm truyền giáo Phục Hưng mang chủng Delta, thành viên của nhóm lại có mặt ở cả 16 quận, huyện, Thành phố đã dự báo về khả năng dịch bệnh sẽ lây lan nghiêm trọng. Mặc dù Thành phố đã nhanh chóng áp dụng Chỉ thị 16 đối với quận Gò Vấp, một phường của Quận 12 và đạt được những hiệu quả nhất định, khống chế sự lây lan từ 2 ổ dịch lớn này. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó lại phát sinh nhiều ổ dịch mới, buộc lãnh đạo Thành phố phải nâng cao, tăng cường, siết chặt hơn nữa bằng Chỉ thị 10.

Sau hơn 1 tuần thực hiện Chị thỉ 10, các ca nhiễm và nghi nhiễm trên địa bàn vẫn tăng. Do đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chỉ đạo, ngành y tế đẩy nhanh tối đa tốc độ xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm; cần xem xét lại việc tổ chức thực hiện của công tác xét nghiệm, trả kết quả xét nghiệm để nâng cao hiệu quả và tốc độ truy vết. Việc sử dụng test nhanh kháng nguyên được coi là giải pháp quan trọng, góp phần hỗ trợ công tác truy vết, phát hiện trường hợp dương tính sớm; rà soát lại các khu cách ly tập trung, kiểm tra chặt chẽ trên tinh thần cảnh giác cao nhất. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy quyết định mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn Thành phố.

PV/Báo Tin tức
Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 7.807 tỷ đồng
Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 7.807 tỷ đồng

Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h00 ngày 28/6 quỹ đã tiếp nhận được 7.807 tỷ VND (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN