Vạch trần và xử lý nghiêm nạn quấy rối tình dục công sở - Bài cuối: Thay đổi nhận thức song hành với chế tài xử lý

Để hạn chế, tiến tới loại bỏ tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, cần có những chế tài đủ mạnh, song song với những chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tệ nạn này, đồng thời khích lệ cộng đồng và các nạn nhân đấu tranh với những biểu hiện quấy rối.

Cần chế tài mạnh hơn và các quy định đầy đủ

Ở Việt Nam, từ năm 2012, Luật Lao động đã chính thức quy định về việc cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Để triển khai quy định này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Tổng Liên đoàn lao động, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã công bố “Bộ quy tắc ứng xử về phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc”. Bộ quy tắc xác định các hình thức quấy rối tình dục bao gồm: quấy rối thể chất (cố tình đụng chạm…); quấy rối lời nói (nhận xét không phù hợp, có ngụ ý về tình dục); quấy rối phi lời nói (nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm)…

Chú thích ảnh
Lao động nữ tại một dây chuyền sản xuất. Ảnh: ĐMD

Như vậy, các hành vi quấy rối tình dục đã đã được xác định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, Luật Lao động 2012 và Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục mới dừng lại giới hạn hành vi quấy rối tình dục tại “nơi làm việc”. Còn do không có định nghĩa thế nào là “nơi làm việc” nên có thể hiểu theo nghĩa “địa điểm làm việc”. Tại Điều 30 của Luật Lao động chỉ quy định chung chung “Địa điểm làm việc được thực hiện theo hợp đồng lao động hoặc theo thỏa thuận khác giữa hai bên”. Như vậy, Điều 30 có đề cập đến việc xác định địa điểm làm việc “theo thỏa thuận khác giữa hai bên” nhưng không rõ ràng liệu những thỏa thuận này được thực hiện một cách linh hoạt hay trên cơ sở từng vụ việc cụ thể. Và quan trọng hơn, liệu cách hiểu những địa điểm này chỉ là những địa điểm thực tế hay còn bao gồm cả các không gian phi vật chất khác, như qua email, mạng xã hội hoặc tin nhắn mà không nhất thiết phải ngồi ở nơi làm việc?

Từ phân tích này có thể thấy nếu có trường hợp quấy rối tình dục xảy ra như câu chuyện của cô gái bị người lãnh đạo của cơ quan quấy rối đã nêu ở phần đầu loạt bài, thì các bên liên quan chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi xác định hành vi quấy rối nếu nó không xảy ra trong khuôn viên thực tế của doanh nghiệp (ví dụ như khách sạn khi đi công tác, tiệc tổng kết cuối năm, làm việc với khách hàng ngoài khuôn viên doanh nghiệp...) và liên quan đến những không gian phi vật chất (ví dụ như qua email, tin nhắn, mạng xã hội...).

TS Đỗ Ngân Bình (giảng viên Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ: Nhiều năm tư vấn về luật Lao động và  trực tiếp xử lý một vài vụ liên quan đến quấy rối tình dục, tôi thấy duy nhất mới đây có một vụ đưa ra tòa xử liên quan đến một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Dù tòa xác định là có quấy rối tình dục nhưng không thể đuổi việc do Luật Lao động 2012 không quy định điều này. Người trưởng phòng có hành vi quấy rối tình dục chỉ bị xử lý hành chính và Công ty vẫn phải để người trưởng phòng có hành vi quấy rối đó làm việc tại vị trí hiện tại. “Để tránh tái diễn tình trạng quấy rối xảy ra, công ty đã áp dụng một số quy tắc ứng xử như không cho hai người cùng làm cùng phân xưởng, đi làm 2 chuyến xe khác nhau… Và chỉ như vậy mà thôi”.

Do đó, theo TS Đỗ Ngân Bình, khái niệm quấy rối nơi làm việc nên chuyển sang khái niệm quấy rối tình dục trong quan hệ lao động. Điều này sẽ khắc phục được những bất cập hiện nay và bất kể việc quấy rối ngoài nơi làm việc, gửi tin nhắn ngoài giờ…nào cũng sẽ đều xác định là hành vi quấy rối.

Các chuyên gia về luật cũng thừa nhận bên cạnh sự lên án của xã hội thì tại Việt Nam, hành vi quấy rối tình dục hiện chưa có từng mức chế tài để có thể răn đe, xử phạt đối với từng trường hợp cụ thể. Hành vi chứng minh là quấy rối tình dục có mức phạt cao nhất là bị xử lý vi phạm hành chính và nộp 300.000 đồng. Quấy rối tình dục thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, nhất là những hành vi đơn giản như: chớp mắt, đụng chạm, lời nói… thường khó có thể chứng minh được những tổn thất về sức khỏe, tinh thần, mặc dù thực tế đã gây áp lực tâm lý cho nạn nhân.

Thêm vào đó, theo TS Đỗ Ngân Bình, khi xảy ra vụ việc quấy rối, biện pháp xử lý “mạnh mẽ” nhất là đưa ra tòa phân xử thường chỉ dừng lại xử lý vi phạm hành chính. Điều này thường không đủ sức răn đe. “Thông tin trên truyền thông về quấy rối tình dục thì dễ nhưng để thể hiện trên hồ sơ đưa ra xét xử là cả một quá trình và càng khó khăn hơn khi không quy định rõ trong luật. Nếu không xét xử nghiêm minh mà chỉ dừng xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao nhất là 300.000 đồng như hiện nay thì vấn đề quấy rối còn là câu chuyện dài không hồi kết”, TS Đỗ Ngân Bình chia sẻ.

Truyền thông thay đổi nhận thức

“Tại cô ta mặc váy ngắn nên mới bị sàm sỡ”, “Xinh thì mới bị trêu chọc chứ”, “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”, “Đáng đời, ai bảo...”... Trên mạng xã hội và cả đời thực, không hiếm những lời bình luận như vậy dành cho nạn nhân các vụ quấy rối, thậm chí các vụ xâm hại tình dục.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Đỗ Ngân Bình chia sẻ những vụ việc liên quan đến quấy rối tình dục nhưng không xử lý được do không có quy định trong luật. Ảnh: ĐMD

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên cho biết: Sau các vụ quấy rối tình dục, không ít trường hợp cộng đồng vẫn còn tâm lý đổ lỗi cho chính nạn nhân, kiểu như có cái nhìn không thiện cảm khiến họ chỉ biết im lặng, không dám tìm kiếm sự hỗ trợ.

Theo Trung tâm nghiên cứu Lao động nữ và giới (Viện Khoa học Lao động Xã hội, Bộ LĐTBXH), từ tài liệu của UN Women có thể thấy vấn nạn quấy rối tình dục diễn ra nhiều nơi trên thế giới. Tình trạng này cũng không phải là ít ở Việt Nam dù chưa có nghiên cứu và số liệu thống kê chính thức về thực trạng bạo lực giới và quấy rối tại nơi làm việc và ít có nạn nhân lên tiếng. Nguyên nhân của tình trạng này là những sai lầm từ quan niệm vấn đề giới “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”; hay những trở ngại do ở vị trí yếu thế, phụ thuộc nên dù đây là hiện tượng phổ biến tại nơi làm việc nhưng nhiều nạn nhân còn chưa lên tiếng. Bên cạnh đó, vấn đề bạo lực giới, quấy rối tình dục chưa được xem xét một cách nghiêm túc về mức độ ảnh hưởng.

Như vậy, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, thay đổi tư duy, văn hóa ở cấp độ cá nhân, cộng đồng cũng có tầm quan trọng tương đương việc điều chỉnh, hoàn thiện luật pháp, chính sách, nhằm tạo ra môi trường lao động an toàn, không có quấy rối tình dục.

Để nâng cao nhận thức của cộng đồng và xây dựng một nền tảng văn hóa ứng xử nhằm bảo đảm loại bỏ các hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc, tổ chức CARE Quốc tế đã phát động chiến dịch #March4Women để cùng chung tay với các đối tác và tổ chức trên khắp thế giới nhằm tôn vinh và cổ động phụ nữ đấu tranh cho quyền của chính mình. Tại Việt Nam, tổ chức CARE đã mở đợt truyền thông nâng cao nhận thức xung quanh vấn đề bạo lực giới với trọng tâm là vấn đề quấy rối tình dục nơi làm việc và ảnh hưởng của nó đối với lực lượng lao động nữ thông qua chiến dịch truyền thông #March4Women trong năm 2018. Đồng thời trong năm 2019, tổ chức CARE tại Việt nam đang phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức các buổi tọa đàm về giới trong công nhân lao động.

Cũng trong năm 2018, tại Việt Nam, phong trào #metoo nổi tiếng trên thế giới (khởi nguồn từ xì- căng- đan quấy rối tình dục của đạo diễn Harvey Weinstein tại Hollywood), đã được biết đến và kêu gọi thông qua truyền thông và mạng xã hội. Qua chiến dịch này, một số lượng khá lớn các vụ việc quấy rối tình dục đã bộc lộ, nhờ sự dũng cảm của chính những nạn nhân đã đứng ra tố cáo các thủ phạm quấy rối. Nhiều người đã lên tiếng bảo vệ nạn nhân quấy rối tình dục, nhất là trong giới nghệ sĩ.

Để tăng cường hơn nữa nhận thức của cộng đồng, theo đại diện ILO tại Việt Nam, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức để không còn coi chủ đề quấy rối tình dục là vùng cấm, qua đó xác định rõ hơn ranh giới giữa các hành vi được và không được chấp nhận trong mối quan hệ lao động. Cần tăng cường thảo luận về việc xây dựng và thực thi các quy định, chính sách một cách hiệu quả để có thể bảo vệ cá nhân bị quấy rối thay vì lờ đi hành vi của kẻ quấy rối.

Bên cạnh đó, các cam kết cụ thể cần được xây dựng và ký kết tại các cơ quan, công sở, để đảm bảo loại bỏ các hành vi quấy rối tình dục, dù vô tình hay cố ý trong môi trường này.

Và quan trọng nhất, là bản thân mỗi một người lao động cần được cung cấp thông tin đầy đủ để ý thức được quyền của mình trong việc ngăn chặn các hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc dù ở mức độ nào. Có như vậy, họ mới có thể tự tin và mạnh mẽ tự bảo vệ mình hay tố cáo các thủ phạm trước pháp luật. Đây cũng là biện pháp hiệu quả và lâu dài, nhằm triệt tiêu hoàn toàn các biểu hiện và thủ phạm có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm viêc, xây dựng môi trường lao động và quan hệ lao động lành mạnh, văn minh.

Do chưa có chế tài và thiếu thông tin nên các nạn nhân của quấy rối tình dục thường chọn cách im lặng vì sợ hãi, lo lắng thay vì lên tiếng để bảo vệ bản thân.
Diệu Linh/Báo Tin tức
Vạch trần và xử lý nghiêm nạn quấy rối tình dục công sở
Vạch trần và xử lý nghiêm nạn quấy rối tình dục công sở

Cùng với việc nhận thức của xã hội ngày càng được nâng lên thì ngày càng nhiều vụ việc quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, vẫn còn đó những kẽ hở của quy định luật pháp cũng như định kiến của xã hội khiến các nạn nhân chưa đủ dũng cảm lên tiếng đòi sự công bằng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN