Việt Nam ‘khát’ nhân lực ngành nhà hàng, khách sạn và ẩm thực

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lĩnh vực nhà hàng khách sạn ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh nhưng nguồn lao động lại chưa đáp ứng kịp, thậm chí rất khan hiếm, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo.

Cơ hội nghề nghiệp lớn

Trong nhưng năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh. Đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch, hàng loạt nhà hàng khách sạn từ trung cấp đến cao cấp được đưa vào hoạt động.

Theo số liệu thống kê gần đây của Bộ kế hoạch và Đầu tư, cả nước có khoảng 540.000 cửa hàng ăn uống, trong đó có 430.000 cửa hàng nhỏ, hơn 7.000 nhà hàng thức ăn nhanh, 22.000 nhà hàng cà phê, bar và hơn 80.000 nhà hàng phát triển bài bản. 

Còn theo thống kê của Tổng cục Du lịch, mức thù lao của ngành nhà hàng, khách sạn vượt trội hơn hẳn so với mặt bằng lao động nói chung. Cụ thể, thu nhập của người quản lý khách sạn từ 10-18 triệu/tháng đối với những khách sạn, nhà hàng phân khúc tầm trung và từ 2000 USD/tháng trở lên với những khách sạn, nhà hàng từ 3-5 sao. Đối với bếp trưởng và bếp trưởng điều hành, mức lương trung bình khoảng 14 – 22 triệu/tháng, chưa kể các khoản hoa hồng, phụ cấp hậu hĩnh khác…

Đánh giá về cơ hội phát triển ở lĩnh vực nhà hàng khách sạn và ẩm thực, bà Tống Thị Nhị Hà, giám đốc phòng nhân sự khách sạn New World cho biết, triển vọng ở ngành nghề nhà hàng khách sạn và ẩm thực rất lớn và có cơ hội thăng tiến nhanh, mức độ đào thải ngành nghề thấp, thu nhập tương đối cao và nhận được rất nhiều phúc lợi xã hội.

Còn theo ông Tạ Quang Tùng, Tổng Giám đốc Hướng nghiệp Á Âu, ngành nhà hàng, khách sạn và ẩm thực có tuổi thọ nghề nghiệp cao hơn so với những ngành nghề khác. Mỗi một độ tuổi có một vị trí công việc phụ hợp và có lộ trình thăng tiến trong công việc nhanh. Thu nhập tính theo vị trí công việc và tăng theo thời gian.

"Những năm trước, đa số nhà hàng, khách sạn chú ý đến nhân sự ở nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian gần đây các nhà hàng, khách sạn đều đang hướng tới việc tạo ra nguồn nhân lực địa phương. Theo đó, người Việt sẽ có cơ hội nắm các vị trí cấp cao thay vì người nước ngoài như trước kia", bà Lê Thị Thanh Vân, Giám đốc nhân sự JSC Việt Nam chia sẻ thêm.

Khó tuyển dụng lao động

Chú thích ảnh
Lao động có trình độ chuyên môn làm việc trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và ẩm thực hiện đang rất khan hiếm. Ảnh: ĐP.

Theo dự báo của Tổng cục Du lịch, mỗi năm thị trường dịch vụ ngành nhà hàng khách sạn ở Việt Nam cần thêm 40.000 lao động, nhưng hiện tại chỉ mới đáp ứng được khoảng 15.000 lao động. Đại diện công ty tuyển dụng chuyên về khối nhà hàng, khách sạn và ẩm thực Chefjob.vn cho biết, hiện nhân lực trong lĩnh vực này chưa thể đáp ứng kịp nhu cầu của ngành. Bên cạnh đó, những ứng viên đang làm việc ở lĩnh vực này có đến 53% chưa qua đào tạo, làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

Chia sẻ về khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự, bà Tống Thị Nhị Hà cho biết thêm:"Để tuyển được nhân sự ở lĩnh vực này rất khó, đặc biệt là những lao động có kỹ năng nghề và ngoại ngữ. Chẳng hạn, khách sạn muốn tuyển 10 lao động thì chỉ tuyển được 2 lao động đáp ứng được yêu cầu. Do đó, các khách sạn 4 -5 sao buộc phải tuyển những lao động chưa có kinh nghiệm hoặc chưa qua đào tạo để đào tạo lại, nếu không thì sẽ rất khó tuyển được lao động có chất lượng. Vì vậy, hầu hết các khách sạn này đều có một bộ phận chuyên đào tạo lại ứng viên từ đầu bếp, lễ tân…”.

Trong công tác đào tạo và tuyển sinh ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và ẩm thực, ông Tạ Quang Tùng cho hay: Hiện vấn đề tuyển sinh của các trường nghề gặp một số khó khăn vì việc trúng tuyển vào đại học khá dễ dàng, cùng với đó học nghề chưa được xã hội ủng hộ. Bên cạnh đó, suy nghĩ của nhiều bạn trẻ và nhiều gia đình vẫn coi ngành phục vụ nhà hàng, khách sạn và ẩm thực là  công việc nhất thời, không cần phải qua đào tạo.

“Trong quá trình tuyển sinh, đơn vị gặp rất nhiều ý kiến, đặc biệt là của bậc phụ huynh khi cho rằng để pha một ly nước chanh, làm một ly sinh tố… cần gì phải đi học. Chính vì không được qua đào tạo bài bản và không có suy nghĩ làm việc nghiêm túc nên khả năng phát triển, thăng tiến trong nghề nghiệp thấp, dẫn đến nhiều lao động bỏ nghề”, ông Tùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng dù cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và ẩm thực là rất lớn nhưng vẫn chưa thu hút được thí sinh đăng ký học nghề bởi trong quá trình tư vấn hướng nghiệp, nhà trường chưa định hướng được cho sinh viên.

Để giải bài toán “khát” nhân lực ngành nhà hàng, khách sạn và ẩm thực, đặc biệt là nhân lực đã qua đào tạo, các chuyên gia cho rằng cần phải có sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp tuyển dụng, đào tạo theo đặt hàng và giảm lý thuyết, tăng thời lượng thực hành để sinh viên ra trường đủ kỹ năng làm nghề. Bên cạnh đó, cần phải xóa bỏ tư duy của xã hội về trọng học đại học hơn học nghề và tuyên truyền cơ hội thăng tiến, cơ hội việc làm trong lĩnh vực này.

Đan Phương/Báo Tin tức
Kết nối cơ hội việc làm cho sinh viên với thị trường lao động
Kết nối cơ hội việc làm cho sinh viên với thị trường lao động

Ngày hội hướng nghiệp và việc làm năm 2019 “Khơi nguồn lực, đón thành công” đã thu hút sự 70 doanh nghiệp, 65 gian hàng tham gia, với nhu cầu tuyển dụng gần 2.000 vị trí lao động và xuất khẩu lao động ở mọi trình độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN