Sốt xuất huyết biến chứng nặng do chủ quan

Chủ quan, nhầm lẫn với các bệnh khác, nhiều người mắc sốt xuất huyết đến bệnh viện khi đã biến chứng nặng.

Chú thích ảnh
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Mai Thanh

Nằm điều trị được 4 ngày tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Đỗ Thị V. (83 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) bị sốt xuất huyết biến chứng nặng vừa qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang phải theo dõi.

Trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao kèm đau đầu nhiều, mệt mỏi. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và ung thư vú đã phẫu thuật nên chủ động đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Qua kết quả xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue, đã kèm theo các biểu hiện như: Tràn dịch màng phổi trên tình trạng tràn dịch màng bụng. Được nhập viên theo dõi, điều trị kịp thời, bệnh nhân đã ổn định.

Cũng mắc sốt xuất huyết nhưng không nghĩ đến sốt xuất huyết, bệnh nhân Trần Thị M. (60 tuổi, ở Hải Hậu - Nam Định) xuất hiện dấu hiệu bệnh: Nôn và đau thượng vị, sau đó sốt cao, đau đầu... Sau 5 ngày, bệnh nhân mới đi khám và nội soi dạ dày. Khi làm kèm xét nghiệm, bệnh nhân được phát hiện dương tính với sốt xuất huyết Dengue nên được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới với các dấu hiệu cảnh báo, lúc này bệnh nhân đã trong tình trạng hạ tiểu cầu chỉ còn 10 G/L, có tình trạng cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương… Bệnh nhân vẫn đang được theo dõi, điều trị.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Trung tâm đang điều trị cho 6 ca sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo nặng. Năm nay, dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn mọi năm, ngay từ đầu tháng 5, tháng 6, tại Trung tâm đã rải rác tiếp nhận bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết".

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, mới vào đầu vụ dịch, nên nhiều người khi bị sốt chưa nghĩ ngay đến sốt xuất huyết, thường nghĩ do mắc COVID-19, cúm hoặc một số bệnh khác nên có thể chủ quan. Chỉ đến giai đoạn ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, lúc đó bệnh nhân dễ bị máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, hoặc trên các bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý nền, cơ địa phụ nữ có thai... thì mới đến viện. Lúc đó bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử, một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…

Để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết, cũng như mức độ giảm tiểu cầu, người bệnh cần làm xét nghiệm máu; xét nghiệm khá đơn giản và cho kết quả nhanh chỉ trong vòng 1 vài giờ. Người dân cần có sự đề phòng, và nên đi thăm khám xét nghiệm khi có biểu hiện nghi ngờ, để tránh biến chứng nặng.

Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 - 450 G/L. Khi bị sốt xuất huyết, kết quả xét nghiệm công thức máu của bệnh nhân sẽ thấy số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu giảm và hematocrit tăng (máu cô đặc). Nếu tiểu cầu giảm dưới 50 G/L là đã ở mức độ nặng.

"Theo khuyến cáo, nếu người bệnh xuất hiện tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh - rong huyết (ở nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu như: Chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao, tràn dịch màng bụng - màng phổi… cần phải đi khám ngay để được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5 G/L hoặc có biểu hiện chảy máu. Sau khi hết sốt vài ngày, tiểu cầu sẽ tăng trở lại bình thường” PGS.TS. Đỗ Duy Cường cảnh báo.

Bác sĩ cũng lưu ý, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1Ag để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu đúng sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện.

Để phòng sốt xuất huyết, chủ yếu người dân cần thực hiện việc phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường, nhà ở, không cho muỗi đẻ trứng, kết hợp các biện pháp diệt loăng quăng bọ gậy. Hiện nay bước vào đầu mùa mưa, cần tiến hành phun muỗi tại những nơi có phát hiện ca bệnh tránh dịch bệnh lan rộng.  

Tạ Nguyên- Mai Thanh
Bác sĩ cảnh báo những dấu hiệu trẻ bị sốt xuất huyết cần phải đến bệnh viện gấp
Bác sĩ cảnh báo những dấu hiệu trẻ bị sốt xuất huyết cần phải đến bệnh viện gấp

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm và COVID-19 bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh sốt xuất huyết có thể có những biến chứng sốc, xuất huyết nặng, suy đa tạng dẫn đến tử vong. Bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng, chống được bằng những cách rất đơn giản mà hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN