Sửa Luật Thủ đô: Cần chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường kéo dài

Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 7 tới (tháng 5/2024), Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã bổ sung nhiều quy định mới để tăng cường bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Chú thích ảnh
Thủ đô Hà Nội phát triển hài hòa truyền thống và hiện đại. Ảnh (tư liệu): Đinh Thuận/TTXVN

Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội được cho là đáng lo ngại mà nguyên nhân gây ô nhiễm do khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm...

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, toàn thành phố hiện có 17 khu công nghiệp; khoảng 800 làng có nghề, trong đó 318 làng được công nhận làng nghề; hơn 770.000 xe ô tô, gần 6 triệu xe máy lưu thông hằng ngày. Đây chính là nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, trực tiếp khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Bên cạnh đó, hoạt động đốt rơm rạ, rác thải sinh hoạt của người dân không được kiểm soát cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí.

Để giải quyết vấn đề trên, Điều 28 dự thảo Luật đã quy định về vấn đề bảo vệ môi trường. Theo đó, quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch. Trên địa bàn thành phố, nghiêm cấm lấn, chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường. Việc san, lấp, cải tạo, phục hồi sông, hồ, ao, suối, đầm bị suy thoái, ô nhiễm môi trường phải phù hợp với quy hoạch đô thị, các quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô.

Đồng thời, dự thảo Luật (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Qua nghiên cứu, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) nhận thấy, vấn đề nổi cộm trong chính sách đặc thù hiện nay là chưa có chế tài đủ mạnh xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường và những phạm vi từ đạo luật khác tác động đến môi trường, như quy hoạch, giao thông, chất thải. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có thể ra quy định về chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường ở mọi nơi, mọi lúc, kéo dài, thiếu ý thức, xem nhẹ vấn đề môi trường, nhất là ở Thủ đô. "Nếu không có chế tài nghiêm khắc, kịp thời thì khó thực hiện được việc dịch chuyển cơ sở sản xuất lớn, nhỏ gây ô nhiễm môi trường ra ngoại vi trung tâm thành phố", đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.

Theo đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau), vấn đề của thành phố Hà Nội hiện nay là ô nhiễm môi trường, không khí, ùn tắc giao thông đang gây khó khăn cho phát triển Thủ đô và người dân cả nước đến học tập, công tác.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ yêu cầu tỷ lệ đất dành cho giao thông khoảng từ 16 - 26%, tỷ lệ đất cho cây xanh khoảng 10m2/người vào năm 2030. "Tỷ lệ đất dành cho giao thông và tỷ lệ đất cho cây xanh của Hà Nội hiện nay là bao nhiêu? Khi sửa đổi Luật Thủ đô lần này hướng các chỉ tiêu như thế nào? Việc sửa đổi Luật có giải quyết được các vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông hay không?", đại biểu băn khoăn.

Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cơ chế để giải quyết các vấn đề này tại Điều 28 về bảo vệ môi trường và Điều 30 về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông của dự thảo Luật.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, nội dung quy định trong dự thảo Luật còn mang tính chất chung chung. Điển hình là quy định tại Điều 17 của dự thảo Luật về quy hoạch, theo đó yêu cầu quy hoạch phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước; sông Hồng là trục xanh cảnh quan trung tâm, phát triển hài hòa đô thị hai bên sông. "Những vấn đề này đưa vào Luật có thực hiện được không? Nếu quy định chung chung như vậy thì chỉ mang tính ước vọng, không có căn cứ để thực hiện", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Để khắc phục, đại biểu đề nghị cần quy định các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng trong quy hoạch phải là những quy chuẩn, tiêu chuẩn tiên tiến hơn các quy chuẩn thông thường và phải tương đương với các đô thị văn minh trên thế giới. Cùng với đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định rõ về khai thác không gian trên cao, không gian ngầm, không gian công cộng trong phát triển đô thị. Đồng thời, dự thảo Luật cần quy định việc cấm san lấp, bảo vệ những cảnh quan tự nhiên, sông, hồ bởi đây là những nét đặc trưng của thành phố Hà Nội.

Phan Phương (TTXVN)
Nhiều điểm mới về thu hút, trọng dụng nhân tài trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Nhiều điểm mới về thu hút, trọng dụng nhân tài trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện nhiều điểm mới, khắc phục nhiều hạn chế, bất cập của Luật năm 2012, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời gian tới; đặc biệt trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN