Phía sau “cơn sốt vàng” Ấn Độ

Sau chặng đường dài chạy dọc theo đường biên giới Trung Quốc, chiếc xe tải màu trắng vào đến thủ đô Kathmandu của Nepal lúc trời rạng sáng. Trên xe chở đủ loại quần áo giá rẻ, nhưng giấu kín bên trong một đoạn ống phần động cơ trước lại là 35 kg vàng lậu từ Tây Tạng, trị giá hàng triệu đôla ngoài chợ đen.


Trang điểm cho cô dâu ngày cưới không thể thiếu những chuỗi trang sức bằng vàng cầu kỳ, tinh xảo.


Qua nhiều ngày theo dấu, cảnh sát Nepal đã mai phục chiếc xe buôn lậu vàng cùng tên lái xe 24 tuổi vào đến Kathmandu rồi tóm gọn. Nếu trót lọt, 35 kg vàng sẽ được vận chuyển từ thị trấn Khasa của Tây Tạng đến Ấn Độ, nơi người dân có sở thích đặc biệt với thứ kim loại quý này.


Nepal là quốc gia nằm giữa “cung đường nóng” Tây Tạng - Ấn Độ với đường biên giới mở cửa tự do sang Ấn Độ. Trong 6 tháng đầu năm nay, số vàng lậu bắt giữ được tại Nepal lên tới 69 kg, nhiều hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số đó chỉ chiếm gần 10% trên tổng số vàng lậu được tuồn trót lọt qua quốc gia này. Kể từ khi an ninh tại sân bay Kathmandu được thắt chặt, những kẻ buôn lậu chỉ còn cách giấu vàng trong xe tải chở hàng chạy theo tuyến đường biên giới từ Tây Tạng tới đây.


Có một thực tế rằng, khi các chính sách nhập khẩu càng bị kiểm soát chặt chẽ khiến thị trường vàng trở nên khan hiếm thì các băng nhóm buôn lậu lại càng có cơ hội để kiếm chác. Một kẻ buôn lậu vàng bị bắt giữ hồi tháng 12 năm ngoái đã khai với cơ quan điều tra rằng trong 3 tháng hắn đã 4 lần vận chuyển vàng từ Tây Tạng đến Nepal, mỗi lần giấu khoảng 9 kg. Trong báo cáo mới nhất vào tháng 8, cơ quan chức năng ước tính trong năm 2013 sẽ có khoảng 200 tấn vàng lậu vào đến Ấn Độ, gấp đôi năm 2012.


Người Ấn Độ luôn có nhu cầu sở hữu vàng. Họ thường đến những ngôi làng giáp ranh Nepal, Pakistan và Bangladesh để mua vàng trang sức, vàng thỏi với giá rẻ hơn trong nước. Cứ đến gần mùa cưới hoặc các dịp lễ hội của người Hindu như Dashain và Tihar là hàng triệu người lại ráo riết tìm mua thứ kim loại quý này để làm của hồi môn cho cô dâu và làm của để dành. Đó chính là nguyên nhân đưa Ấn Độ trở thành thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, vượt cả quốc gia có dân số đông như Trung Quốc.


Phần lớn vàng tại Ấn Độ được nhập khẩu từ nước ngoài. Theo ước tính của Hội đồng vàng thế giới trong năm 2012, Ấn Độ đã nhập khẩu 864 tấn vàng, tương đương 1/5 lượng vàng bán ra trên thế giới. Nếu tình trạng nhập lậu vàng tiếp tục diễn ra ồ ạt như thời gian gần đây thì Ấn Độ sẽ bị thất thoát một khoản thuế lớn đồng thời khiến đồng rupee rớt giá trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng rất khó để hạ nhiệt “cơn sốt vàng” trong lòng dân chúng khi mà thói quen tích trữ vàng đã đi sâu vào văn hóa quốc gia.


Trong tháng 8 vừa qua, chính phủ Ấn Độ quyết định tăng thuế nhập khẩu vàng nén lần thứ ba trong năm, lên mức cao kỷ lục là 10%. Bước đi này được các chuyên gia kinh tế đánh giá là “đổ thêm dầu vào lửa” bởi sẽ tạo thêm lý do để người dân đến với vàng chợ đen, thay vì thị trường vàng hợp pháp vừa đắt lại vừa hiếm. “Ba tháng cuối năm với hàng loạt sự kiện và lễ hội truyền thống sẽ đẩy nhu cầu mua vàng lên tới đỉnh điểm. Nếu chính phủ không nới lỏng giá vàng kịp thời, chắc chắn, những kẻ buôn bán vàng lậu sẽ bội thu”, ông Harish Soni, chủ tịch Hội trang sức và đá quý Ấn Độ nhận định.

 
Hoàng Trang (theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN