Bình Phước chủ động ứng phó với sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập

UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do lún, nứt, gãy địa chất, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Một địa điểm sạt lở taly dương trên tuyến ĐT 755B qua địa bàn xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ảnh: TTXVN phát

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trước mắt các đơn vị, địa phương cần khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, sụt lún.

Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, sụt lún, các đơn vị, địa phương phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ; tổ chức hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị ảnh hưởng do sạt lở, sụt lún hoặc phải di dời để phòng tránh sạt lở, sụt lún, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.

Các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún; chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún để huy động sức mạnh của nhân dân trong việc phát hiện, thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún; hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại; đặc biệt cần chú ý có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời đối với người dân ở từng khu vực khác nhau.

Về lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng; nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng; tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất, quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng trái phép; khai thác, tập kết khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, sụt lún, lũ, ngập úng. Các đơn vị, địa phương nghiên cứu xây dựng, báo cáo và đề xuất giải pháp mang tính căn cơ, bài bản, bền vững nhằm phòng, chống sạt lở, chủ động di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, sụt lún.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai gây ra về tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn quản lý.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước, những ngày đầu tháng 8/2023, địa bàn tỉnh liên tục có mưa trên diện rộng. Các huyện, thị xã, thành phố có mưa vừa, mưa to, cục bộ mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50 - 100mm, có nơi trên 100mm, thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm đã gây ngập lụt cục bộ, sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Đặc biệt, tại huyện Bù Đăng, mưa lớn gây ngập cục bộ khu vực thị trấn Đức Phong, xã Đoàn Kết, xã Bình Minh; sạt lở 400m tuyến đường Dốc Khỉ, đường ĐT753B, xã Đăng Hà, khiến đất trên mái taluy dương sạt lở khoảng 10.000 m3, làm vùi lấp lòng đường. Tuyến đường từ thôn 9 vào sóc Ông La, xã Thống Nhất bị sạt lở mương, sụt lún, gãy nứt đường bê tông.

TTXVN/Báo Tin tức
Nghệ An: Tuyên truyền, tạo đồng thuận để sớm triển khai dự án chống sạt lở núi
Nghệ An: Tuyên truyền, tạo đồng thuận để sớm triển khai dự án chống sạt lở núi

Mỗi năm khi mùa mưa bão đến, hàng chục hộ dân sống sát dưới chân hai ngọn núi Rày và núi Rậm (xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) lại bất an, lo sợ trước nguy cơ sạt lở núi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN