Đắk Lắk tập trung triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia

Các Chương trình mục tiêu quốc gia là những chương trình “hợp lòng dân”, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sinh kế cho nhân dân và khởi sắc diện mạo nông thôn.

 Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Đắk Lắk, ông Phạm Ngọc Nghị, khẳng định: Ba chương trình mục tiêu quốc gia, gồm chương trình Xây dựng nông thôn mới, chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2030, là những chương trình “hợp lòng dân”, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sinh kế cho nhân dân và khởi sắc diện mạo nông thôn. 

Chú thích ảnh
Diện mạo buôn Jiê Yuk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách đã giao để thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là hơn 2.319 tỷ đồng, chiếm 50,91% tổng vốn cả giai đoạn 5 năm.

Trong đó, với Chương trình Phát triển kinh - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), tỉnh đã giao hơn 1.008 tỷ đồng để thực hiện 106 dự án đầu tư; Chương trình Giảm nghèo bền vững đã giao hơn 382,6 tỷ đồng, triển khai đầu tư 16 dự án; Chương trình Xây dựng nông thôn mới đã giao hơn 927,8 tỷ đồng, triển khai đầu tư 289 dự án thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, văn hóa thể thao, cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Năm 2023, tỉnh đã cơ bản hoàn thành phân bổ 1.086 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho các chương trình mục tiêu quốc gia; trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân được hơn 643 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 103,8 tỷ đồng vốn sự nghiệp năm 2022 kéo dài. Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, địa phương đã huy động, vận động được khoảng 1.542 tỷ đồng trong ba năm 2021 - 2023 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

Đánh giá chung, công tác thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt được những kết quả quan trọng. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 54.689 hộ nghèo, giảm từ 1,5 - 2%/năm; trong đó có 35.982 hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm 3 - 4%/năm. Lũy kế đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 15,72 tiêu chí/xã; 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo, sở, ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung triển khai các chương trình theo trách nhiệm và thẩm quyền, đảm bảo nguyên tắc “Không tiêu cực, không lãng phí và công khai, minh bạch”; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo các chương trình, dự án được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đối tượng, phát huy hiệu quả đầu tư. Toàn tỉnh tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện các chương trình.

Hoài Thu
Đông Triều phấn đấu là điển hình nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh
Đông Triều phấn đấu là điển hình nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh

Cùng với mục tiêu trở thành điển hình nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của Quảng Ninh, thị xã Đông Triều phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 85 triệu đồng/người/năm; duy trì các xã không có hộ nghèo. Đặc biệt, thị xã hướng đến mục tiêu xây dựng người nông dân văn minh, nông thôn thông minh, hiện đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN