Lý do Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách mua chiến đấu cơ cũ của châu Âu

Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang đàm phán để mua hàng chục chiếc Eurofighter Typhoon đã qua sử dụng của châu Âu.

Chú thích ảnh
Một máy bay chiến đấu Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh cất cánh từ Akrotiri, CH Síp. Ảnh: The Drive

Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi lên trở thành khách hàng tiềm năng mới nhất của Eurofighter Typhoon trong một động thái bất ngờ khi quốc gia NATO này đang tìm cách giải quyết sự chậm trễ trong việc mua lô máy bay chiến đấu F-16 trị giá hàng tỉ USD từ Mỹ.

Tuy vậy, nỗ lực có được 40 chiếc Typhoon của Ankara có thể sẽ sớm gặp trở ngại. Bản chất hợp tác của chương trình máy bay này có thể khiến bất kỳ thỏa thuận nào như vậy bị chặn lại, đặc biệt là Đức nhiều khả năng ​​sẽ từ chối bán cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Gular ngày 16/11 thông báo rằng nước này đang đàm phán với Tây Ban Nha và Anh để mua Typhoon, mặc dù Đức được cho là đã phản đối ý tưởng này. Trong khi đó, quan điểm của Italy, quốc gia đối tác thứ tư của chương trình Eurofighter, thì vẫn chưa rõ.

Bộ trưởng Gular cho biết tại phiên điều trần quốc hội ở Ankara: “Chúng ta đang tiến hành mua sắm. Hiện tại Anh và Tây Ban Nha đang nỗ lực thuyết phục Đức, (mặc dù) chúng ta không đàm phán với Đức… Nếu có thể, chúng ta dự định mua 40 máy bay Eurofighter Typhoon”.

Một số báo cáo cho hay 40 máy bay này có thể được mua thành hai đợt, mỗi đợt 20 chiếc, nếu thỏa thuận được tiến hành.

Những trở ngại

Mặc dù chương trình Eurofighter vẫn tiếp tục sản xuất những chiếc Typhoon mới, nhưng một số trong bốn quốc gia đối tác đã thực hiện những nỗ lực để loại bỏ các phiên bản Tranche 1 kém năng lực hơn. Tranche 1 có khả năng không đối đất cực kỳ hạn chế, nhưng chúng có thể sẵn sàng để cung cấp nhanh hơn nhiều.

Thỏa thuận của Ankara có thể sẽ được Tây Ban Nha và Anh hoan nghênh, khi các nước này sẽ loại bỏ những chiếc máy bay cũ phiên bản Tranche 1 và giải phóng nguồn tiền thu được cho việc hiện đại hóa phi đội.

Chú thích ảnh
Máy bay F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images

Tuy nhiên, việc chuyển nhượng sẽ cần có sự chấp thuận của Đức. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể yêu cầu mức độ năng lực cao hơn với những chiếc Typhoon cũ, bao gồm radar có năng lực mạnh hơn, tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn MBDA Meteor và các loại tên lửa không đối đất tiên tiến.

Dẫn lời “các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ quen thuộc với vấn đề này”, kênh Al Arabiya TV đưa tin rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan có thể sẽ yêu cầu Thủ tướng Olaf Scholz dỡ bỏ lệnh cấm bán Typhoon trong chuyến thăm Đức từ ngày 17/11.

Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy ông Scholz khó có thể bị lung lay. Trong khi Đức vốn đã có chính sách xuất khẩu vũ khí đặc biệt nghiêm ngặt, môi trường chính trị hiện tại còn mang đến cho Berlin thêm lý do để không chuyển giao vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng với những lo ngại lâu nay về vấn đề nhân quyền, hay việc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất và các hoạt động gây tranh cãi của nước này chống lại lực lượng người Kurd ở Syria, việc Thổ Nhĩ Kỳ gần đây lên án gay gắt hơn phản ứng của Israel với Hamas, cũng vấp phải chỉ trích ở Berlin.

Một yếu tố khác có thể cản trở việc Đức chấp thuận bán chiến đấu cơ Typhoon là việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phản đối việc phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.

Lý do Ankara xoay sang châu Âu

Với tất cả những yếu tố phức tạp trên, thì tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại tìm cách mua Typhoon vào thời điểm này?

Câu trả lời là nhu cầu bổ sung máy bay chiến đấu ngay lập tức xuất hiện khi Ankara phải đối mặt với sự chậm trễ trong kế hoạch mua thêm F-16.

Không quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nước sử dụng F-16 lớn thứ ba thế giới, với tổng số 270 chiếc máy bay này được cung cấp với các cấu hình Block 30, Block 50 và Block 50+.

Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu một thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD để mua thêm 40 chiếc F-16 mới, cũng như khoảng 80 bộ công cụ hiện đại hóa cho các máy bay hiện có, kể từ tháng 10/2021, nhưng thỏa thuận này đã bị Quốc hội Mỹ từ chối trong bối cảnh quan hệ giữa Ankara và Washington xấu đi.

Chú thích ảnh
Bất chấp phản đối từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết tâm mua hệ thống S-400 của Nga. Trong ảnh, xe tải chở S-400 đến Căn cứ Không quân Murted, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2019. Ảnh: Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ

Vào tháng 7 năm nay, dường như đã có một số tiến bộ, với việc Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan xác nhận rằng Washington hiện sẽ tìm cách phê duyệt thỏa thuận F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn còn trong tình trạng lấp lửng khi Washington tuyên bố rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển là điều kiện tiên quyết để họ đồng ý bán F-16 hoặc bất kỳ máy bay chiến đấu nào khác cho nước này.

Đối mặt với mối quan hệ ngày càng xấu đi với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã bắt đầu dự trữ phụ tùng thay thế cho phi đội F-16 hiện có của mình vào năm 2019. Một chương trình cải tiến cơ cấu cũng đã được tiến hành để kéo dài thời gian phục vụ của một số chiếc F-16 cổ nhất.

Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ đang quan sát Hy Lạp, đối thủ chính trong khu vực và cũng là thành viên NATO, đang phiên chế máy bay chiến đấu Dassault Rafale do Pháp sản xuất cho lực lượng không quân của mình. Theo truyền thống, nếu Hy Lạp mua máy bay chiến đấu mới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đáp trả bằng việc cũng trang bị chiến đấu cơ để theo kịp tốc độ.

Ngoài ra còn có những lý do khác khiến Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm máy bay chiến đấu mới. Nước này đã bị loại khỏi chương trình Chiến đấu cơ tấn công hỗ hợp F-35 sau khi không chịu từ bỏ kế hoạch mua S-400 từ Nga. Ankara đã lên kế hoạch mua ít nhất 100 chiếc F-35. Những chiếc này sẽ thay thế phi đội F-4 Phantom II kỳ cựu của họ

Chú thích ảnh
Lễ ra mắt chiếc F-35A đầu tiên, được lên kế hoạch dành cho Thổ Nhĩ Kỳ, vào tháng 6/2018. Ảnh: Anadolu

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nghiên cứu một loại máy bay chiến đấu được thiết kế và chế tạo nội địa, chiếc TF-X của Công ty Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ - một loại máy bay tàng hình còn được gọi là Kaan. Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi về tính khả thi của dự án này, đặc biệt là việc tìm nguồn cung ứng động cơ và ngay cả khi mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, sớm nhất nó cũng không thể bắt đầu đi vào hoạt động trước năm 2030.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo The Drive)
130 máy bay chiến đấu của Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung
130 máy bay chiến đấu của Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung

Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu các cuộc tập trận lớn trong ngày 30/10 với sự tham gia của 130 máy bay chiến đấu của cả hai nước để mô phỏng các hoạt động thời chiến kéo dài 24 giờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN