Melita Norwood: Nữ điệp viên không bao giờ bị bắt - Kỳ 1

Từng nằm trong diện nghi vấn của Cơ quan tình báo đối nội Anh (MI5) từ năm 1945, thậm chí đã bị kẻ bội phản KGB, Vasily Mitrokhin, vạch mặt chỉ tên, nhưng rốt cuộc Melita Norwood vẫn thong dong ngoài vòng pháp luật, tận hưởng những năm tháng cuối đời lặng lẽ ở Bexleyhealth (quận Kent, Anh). Đã 3 năm trôi qua kể từ ngày Melita vĩnh viễn từ giã cõi đời ở tuổi 93 (2/6/2005), nhưng những bí ẩn về nữ điệp viên Liên Xô này vẫn là chủ đề bất tận bởi tới nay nó vẫn chưa có một lời giải xác đáng.


Kỳ 1: Tôi làm tình báo không phải vì tiền


Melita Norwood, tên khai sinh là Melita Sirnis, chào đời ngày 25/3/1912 ở Pokesdown (quận Dorset, Anh), trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố Norwood, ông Alexander Sirnis, gia nhập Đảng Lao động Xã hội-Dân chủ Nga từ năm 1911. Mẹ Norwood, bà Gertrude Stedman, cũng là một thành viên của Đảng Cộng sản Anh. Lý tưởng cộng sản sớm ăn sâu vào trong tiềm thức của cô gái mang hai dòng máu Látvia và Anh này. Ngay từ đầu những năm 1930, Norwood đã đứng trong hàng ngũ những người cộng sản ở Anh.


Melita Norwood - Tôi muốn Liên Xô có được cơ hội bình đẳng.


Năm 1932, Norwood được tuyển vào làm thư ký của Tổng Thư ký Hiệp hội khoa học nghiên cứu kim loại hiếm. Ba năm sau, thông qua sự giới thiệu của Andrew Rothstein, một trong những người sáng lập đảng Cộng sản Anh, KGB có buổi tiếp xúc đầu tiên với Norwood và tới năm 1937 chính thức tuyển dụng Norwood làm điệp viên. Người Nga đã hoàn toàn có lý khi nhắm vào Norwood, một đảng viên cộng sản bí mật, nằm trong mục tiêu tình báo: Hiệp hội khoa học nghiên cứu kim loại hiếm là một đơn vị quan trọng tham gia Dự án Tube Alloys nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử của Anh.


Nhờ đức tính siêng năng và cẩn trọng, Norwood nhanh chóng chiếm được cảm tình của Tổng Thư ký Hiệp hội khoa học nghiên cứu kim loại hiếm, nên có điều kiện tiếp xúc với các tài liệu nghiên cứu về nhiều hạng mục nghiên cứu thuộc Dự án Tube Alloys. Norwood âm thầm sao chụp và trao chúng cho Vladimir Barkovski, người phụ trách trực tiếp của Norwood. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, sự nghiệp hợp tác nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử giữa người Anh và người Mỹ đổ vỡ, Luân Đôn quyết định theo đuổi Dự án Tube Alloys một mình. Norwood vẫn đều đặn thu thập cho phía Liên Xô những tài liệu cực kỳ nhạy cảm liên quan đến chương trình nghiên cứu, chế tạo bom nguyên tử của Anh cho tới tận khi nghỉ hưu vào năm 1972.


Theo hồi ức của cựu điệp viên KGB, Oleg Gordievsky, năm 1980, một tài liệu chính thức của KGB, phổ biến cho những quan chức cấp cao nhân kỷ niệm 60 năm thành lập cơ quan tình báo Liên Xô này ghi rõ: trong lĩnh vực hạt nhân, các điệp viên người Anh hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt là Hola (mật danh của Norwood) đặc biệt hiệu quả. Những tài liệu mà kẻ đào tẩu KGB, Vasily Mitrokhin, cung cấp cho cơ quan đặc vụ Anh cũng cho thấy KGB đánh giá Norwood là một điệp viên đầy hứa hẹn, đáng tin cậy, có tính kỷ luật rất cao, đã thu thập và chuyển về trung tâm rất nhiều tài liệu khoa học kĩ thuật quý giá.


Những đóng góp của Norwood đối với sự nghiệp phát triển hạt nhân của Liên Xô là rất lớn. Thậm chí, nhiều nhà phân tích cho rằng các thông tin tình báo do Norwood cung cấp đã giúp nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin biết rõ về công trình chế tạo bom nguyên tử của Anh hơn cả Thủ tướng Anh Clement Attlee cùng các thành viên Nội các của ông ta. Đồng thời, việc làm của Norwood cũng góp phần ngăn chặn không cho cuộc chiến tranh hạt nhân bùng nổ trong thế kỷ 20. Bởi theo lập luận của các nhà phân tích, sau khi ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên nếu họ biết Liên Xô chưa sở hữu thứ vũ khí giết người khủng khiếp đó. Sự thật ra sao, có lẽ chỉ có những nhà lãnh đạo chóp bu của KGB biết rõ. Nhưng dù sao công lao của Norwood đã được KGB ghi nhận. Năm 1958, KGB quyết định tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ, huân chương cao nhất của ngành tình báo Liên Xô, cho Norwood. Tuy nhiên, phải tới năm 1979, trong một lần tới thăm Mátxcơva cùng chồng, Norwood mới có vinh dự nhận và đeo nó một lần duy nhất trong đời. Bởi những nguyên tắc bí mật và vì sự an toàn, bà vẫn chưa được phép lộ diện.


Năm 1999, khi sự thật được phơi bày, Norwood rất tự hào và cho rằng những gì mình làm là đúng. Norwood khẳng định việc bà hợp tác tới tình báo Liên Xô không phải vì tiền mà bởi bà tin rằng Liên bang Xô viết đem đến cho người dân những điều kiện sống, giáo dục, chăm sóc sức khỏe tốt hơn và sẽ là bất công khi Mỹ, Anh ra sức phát triển thứ vũ khí chết người mà Liên Xô lại không có cơ hội sở hữu nó. "Nói chung, tôi không khuyến khích việc hoạt động tình báo chống lại đất nước mình. Tôi đã làm việc này vì những động cơ trong sáng mà nhiều người khó có thể hiểu nổi", Norwood nhấn mạnh.


Minh Thành (Tổng hợp)


Đón đọc kỳ sau: Những sự may mắn đến kỳ lạ 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN