'Phòng khám tin đồn' ở Mỹ thời Thế chiến II

Cách đây 80 năm, nhiều tờ báo và tạp chí trên khắp nước Mỹ mở chuyên mục hàng tuần để bóc trần các tin đồn gây bất lợi cho nỗ lực chiến tranh. Các chuyên mục này có tên gọi chung là “phòng khám tin đồn”.

Chú thích ảnh
Các áp phích tuyên truyền về chống tin đồn trong những năm 1940 tại Mỹ. Ảnh: Wikimedia Commons 

Khi Mỹ tham gia Thế chiến thứ hai vào tháng 12/1941, đối thủ của Washington không chỉ dừng lại ở phe Trục theo chủ nghĩa phát xít gồm Đức, Italy và Nhật Bản. Mỹ còn phải đối phó với một kẻ thù trong nước là những tin đồn làm giảm tinh thần, gieo rắc ngờ vực về luật pháp và lãnh đạo Mỹ, khiến người Mỹ chống lại nhau vì khác biệt về chủng tộc và tôn giáo.

Ở thời kỳ chưa có internet, mạng xã hội, trí thông minh nhân tạo (AI)…, các tin đồn thất thiệt chỉ lan truyền theo cách truyền miệng từ người này sang người khác, từ khu vực này sang khu vực khác. Nhiều tin giả xuất phát từ các nhà tuyên truyền của phe Trục, nhưng nhiều trường hợp khác lại bắt nguồn từ chính người dân Mỹ. Tin đồn nảy sinh từ lo lắng, nghi ngờ, định kiến và hiểu nhầm.

Dù có nguồn gốc khác nhau nhưng các tin đồn thường gây bất lợi cho quân Đồng minh và trong trường hợp xấu nhất, tin đồn còn gây hậu quả chết người. Văn phòng Thông tin Chiến tranh của chính phủ Mỹ đã tiến hành cuộc chiến chống tin đồn. Bên cạnh đó, một phong trào cấp cơ sở đã diễn ra trên khắp nước Mỹ nhằm ngăn chặn tin đồn ngay từ giai đoạn khởi điểm. Trong suốt Thế chiến thứ hai, hơn 40 tờ báo và tạp chí ở Mỹ và Canada đã thành lập “phòng khám tin đồn” để vạch trần những lời dối trá.

Lấy tên dựa trên các phòng khám y tế được thành lập để chống bệnh lao và nhiều căn bệnh khác, “phòng khám tin đồn” tập trung vào tin đồn thất thiệt về chiến tranh lan truyền trong cộng đồng người dân địa phương. “Phòng khám tin đồn” chọn lọc tin đồn và giao cho các phóng viên chuyên nghiệp hoặc tình nguyện trong cộng đồng xác minh. Kết quả của những cuộc điều tra này sẽ xuất hiện trong chuyên mục “phòng khám tin đồn” của các tờ báo, tạp chí.

Nhiều nguồn tin thời đó cho rằng nhà hoạt động tại Boston Frances Sweeney là động lực thúc đẩy phong trào chống tin đồn. Một bài viết đăng trên tạp chí Reader's Digest có đoạn: “Cô gái Ireland mắt xanh, tóc vàng từ lâu đã trăn trở trước những tin đồn bài Do Thái, chống Anh trong một số bộ phận người Ireland ở Boston”. Vào tháng 2/1942, Sweeney nói về những quan ngại của mình với tờ Boston Herald. Sau đó, tờ báo này đã đề xuất một cuộc họp với các lãnh đạo để đưa ra kế hoạch.

Dưới sự thúc giục của nhà tâm lý học Gordon W. Allport ở Đại học Harvard, nhóm người tham dự cuộc họp đã chia sẻ về những tin đồn mà họ đã nghe được về tàu viễn dương Queen Mary của Anh có chuyến thăm bất ngờ tới cảng Boston. Một tin đồn cho rằng Lục quân Mỹ đã đưa các binh sĩ da màu lên Queen Mary để đến châu Âu làm nhiệm vụ cảm tử. Một tin đồn khác xoay quanh cuộc binh biến trên tàu Queen Mary. Thêm tin đồn khác cho rằng không có binh sĩ Do Thái nào ở trên tàu Queen Mary vì tất cả họ đều được miễn nghĩa vụ ở nước ngoài. Một người đàn ông nghe được tin đồn rằng tàu Queen Mary chìm ngoài khơi Boston và chịu tổn thất lớn về nhân mạng. Tất nhiên, tất cả những câu chuyện này đều không có thật.

Chú thích ảnh
Tàu Queen Mary đến Mỹ ngày 20/6/1945. Ảnh: Wikimedia Commons

Tờ Boston Herald ra mắt phần đầu tiên của chuyên mục “phòng khám tin đồn” vào tháng 3/1942. Tạp chí Life nhanh chóng giới thiệu về chuyên mục của Boston Herald và Sweeney vào tháng 10/1942. Life đã lưu ý về điểm khác biệt chính giữa tin đồn thời điểm đó và những tin đồn lan truyền trong Thế chiến thứ nhất: “Trong khi những tin đồn trước đó thường tập trung vào sự tàn bạo của kẻ thù, thì phần lớn những câu chuyện căm thù và kinh dị hiện nay đều nhắm vào chính nước Mỹ”.

Life lập luận lý do là phe Trục đã lợi dụng dòng suy nghĩ bất mãn ở thời điểm đó. Do vậy, người dân Mỹ bị kéo vào vòng xoáy lan truyền những lời dối trá nguy hiểm về người Do Thái, người da màu, các đồng minh, các nhà lãnh đạo Mỹ. Life đánh giá đây là chiến thuật "chia để trị" của Đức Quốc xã.

Chỉ trong vài tháng, “phòng khám tin đồn” xuất hiện ở Miami, Philadelphia, Pittsburgh, Milwaukee, Atlanta và nhiều thành phố khác. Họ làm việc độc lập, mỗi “phòng khám tin đồn” có những quy tắc riêng. Nhiều tin đồn họ mổ xẻ chỉ mang tính chất địa phương, nhưng những tin đồn khác lại xuất hiện đồng thời trên khắp đất nước.

Một số tin đồn dường nhắm đến phá hoại hậu phương. Ví dụ như tin đồn rằng những người trồng rau để cung cấp cho binh sĩ được khuyên tiêu hủy số rau thừa thay vì chia sẻ với bạn bè và hàng xóm. Còn tin đồn khác nhấn mạnh việc vận chuyển phế liệu kim loại không giúp ích gì nhiều cho nỗ lực chiến tranh mà chỉ làm giàu cho những người bán phế liệu cho chính phủ để thu lợi.

Nhiều tin đồn chê bai trái phiếu chiến tranh được bán cho người dân để giúp tài trợ cho cuộc chiến, huyễn hoặc rằng chính phủ không có ý định trả lại tiền cho các nhà đầu tư.

Tin đồn khác chĩa mũi dùi tấn công các đợt hiến máu, tung tin không căn cứ rằng Hội Chữ thập đỏ đã không khử trùng kim tiêm, lãng phí phần lớn lượng máu thu được và bắt thương binh phải trả tiền truyền máu.

Một số tin đồn lại khá nhảm nhí như những người lính trở về từ Alaska với bộ não bị đông lạnh, đầu của một phụ nữ nổ tung khi người này đến nhà máy làm việc sau khi đi uốn tóc, Bờ Tây đang được sơ tán để đề phòng cuộc xâm lược của Nhật Bản, cuộc bầu cử tổng thống năm 1944 sẽ hoãn lại vì chiến tranh…

Chú thích ảnh
Một chuyên mục "phòng khám tin đồn" trên tạp chí Daily Nevada State năm 1944. Ảnh: Newspapers.com

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khi đó J. Edgar Hoover và Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt ca ngợi công việc của các “phòng khám tin đồn”. Bản thân đệ nhất phu nhân Roosevelt cũng là chủ đề của vô số tin đồn. Trong số đó, tin đồn phổ biết nhất liên quan đến “Câu lạc bộ Eleanor”. Những tin đồn này, chủ yếu lan truyền ở miền Nam nước Mỹ, cho rằng theo lời bà Eleanor, người giúp việc, đầu bếp da màu đã nghỉ việc để những người chủ da trắng tự làm việc nhà. Tin đồn thu hút chú ý đến mức FBI được kêu gọi điều tra và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ phải công khai bác bỏ tin đồn.

Nhưng không phải ai cũng ủng hộ “phòng khám tin đồn”. Một số người cho rằng chúng giúp tin đồn lan xa hơn. Tất nhiên, tin đồn không chỉ là vấn đề ở hậu phương. Chúng cũng có thể gây ra thiệt hại trên tiền tuyến. Một cuốn sách xuất bản năm 1943 có tựa đề “Psychology for the Fighting Man” đã đề xuất các chỉ huy quân đội thành lập "phòng khám tin đồn" riêng dựa trên mô hình của Boston Herald.

Các tờ báo trên khắp nước Mỹ kêu gọi người dân gửi bất kỳ tin đồn nào họ nghe được, do đó, các “phòng khám tin đồn” đã sớm thu thập được hàng nghìn ví dụ. Dòng chảy đó cho phép các nhà khoa học xã hội thực hiện nghiên cứu nghiêm túc. Các học giả nhận thấy khuôn mẫu trong dữ liệu, và tin đồn được chia thành các loại khác nhau.

Trong cuốn sách “Psychology of Rumor” xuất bản năm 1947, Allport và đồng tác giả Leo Postman đã chia tin đồn thành ba loại chính: tin đồn gây sợ hãi; những tin đồn về mong muốn (hoặc mơ tưởng); và tin đồn gây chia rẽ. Phân tích 1.000 tin đồn được thu thập trong mùa hè năm 1942, các nhà nghiên cứu đánh giá rằng 65,9% thuộc loại gây chia rẽ, 25,4% là loại gây sợ hãi và chỉ 2% thuộc loại mong muốn. Họ phân loại 6,7% còn lại là “linh tinh”.

Theo hai tác giả, để tin đồn có được sức hút, cần có hai điều là chủ đề của tin đồn phải có tầm quan trọng nào đó đối với người nói và người nghe; sự thật phải được che giấu.

Về việc liệu các “phòng khám tin đồn” có hiệu quả hay không, các nhà nghiên cứu nhận định rất khó để đo lường liệu chúng có giảm bớt lan truyền tin đồn hay không, nhưng dường như ít nhất chúng cũng khiến mọi người có ý thức về tin đồn hơn, tạo ra một lượng “miễn dịch tin đồn” nhất định đối với công chúng Mỹ. Nhiều công dân Mỹ sẽ suy nghĩ kỹ trước khi tin vào một tin đồn hoặc truyền nó cho người khác.

Chú thích ảnh
Chuyên mục "phòng khám tin đồn" trên tờ Philadelphia Inquirer năm 1942. Ảnh: Newspapers.com

Các “phòng khám tin đồn” dưới nhiều hình thức khác nhau thỉnh thoảng xuất hiện trở lại trong những năm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Bắt đầu từ cuối những năm 1940, tổ chức phi chính phủ Liên đoàn Chống phỉ báng B'Nai B'rith đã thuyết trình tại các cuộc họp nhóm dân sự trên khắp nước Mỹ, giải thích cách tin đồn độc hại lan truyền và cách chống tin oồn.

Trong giai đoạn căng thẳng về chủng tộc vào cuối những năm 1960, hàng chục thành phố đã thiết lập các đường dây nóng điện thoại có chức năng như “trung tâm kiểm soát tin đồn”. Một trung tâm như vậy ở Chicago đã thực hiện hơn 35.000 cuộc gọi trong tuần sau vụ ám sát mục sư da màu Martin Luther King Jr.

Vậy liệu các “phòng khám tin đồn” có thể giúp người Mỹ ngày nay không? Câu trả lời là có lẽ không như thời cách đây 80 năm.

Nhà khoa học chính trị Dannagal Goldthwaite Young tại Đại học Delaware nói rằng các tờ báo in không còn đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống của mọi người nữa. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, chỉ có 5% người Mỹ thích đọc tin tức trên báo in. Ít nhất một nửa số người được hỏi cho biết họ tiếp cận tin tức ít nhất một phần từ mạng xã hội.

Bà Young cũng nhấn mạnh rằng có một số thứ không bao giờ thay đổi, một trong số đó là bản chất con người. Bà phân tích: “Luôn luôn có những người sẵn sàng tin vào những điều không có thật. Thách thức là tìm cách ngăn chặn những kẻ tung tin đồn trong tương lai nhằm chia rẽ người Mỹ hơn nữa. Tôi nghĩ chỉ riêng phương tiện truyền thông có thể khắc phục được điều đó”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Smithsonian)
Thảm kịch với máy bay Nga khi phi công cho con cầm lái
Thảm kịch với máy bay Nga khi phi công cho con cầm lái

Sai lầm và sự bất cẩn chết người khi phi công Nga cho cậu con trai thiếu niên thử cầm lái đã dẫn đến mất kiểm soát phi cơ, gây ra thảm kịch làm toàn bộ phi hành đoàn và hành khách thiệt mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN