Định hướng xây dựng khu công nghệ cao tỉnh Bình Thuận

Sáng 17/11, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Thuận tổ chức hội thảo “Định hướng xây dựng khu công nghệ cao tỉnh Bình Thuận”.

Hội thảo nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để làm rõ các điều kiện cần và đủ phục vụ cho định hướng hình thành, phát triển các lĩnh vực hoạt động của khu công nghệ cao dự kiến hình thành trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo. 

Ông Lương Thanh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: Khu công nghệ cao có vai trò quan trọng đối với quá trình phổ biến, lan tỏa, đưa các tri thức và công nghệ trở thành hàng hóa có giá trị cao, góp phần đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các khu công nghệ cao được thành lập với mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, là nơi đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao nhằm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận về một số chủ đề về định hướng xây dựng khu công nghệ cao như: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển các khu công nghệ cao trong và ngoài nước; làm rõ điểm xuất phát của tỉnh, điều kiện kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiềm năng, lợi thế, bất lợi và thách thức trong việc xây dựng Khu công nghệ cao của tỉnh; cần xác định lộ trình hình thành Khu công nghệ cao của tỉnh một cách phù hợp; các hướng dẫn về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập khu công nghệ cao…

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phát biểu tại Hội thảo.

Theo ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Bình Thuận có 9 khu công nghiệp được Chính phủ đồng ý chủ trương quy hoạch phát triển với tổng diện tích hơn 3.000 ha. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.617 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 460 nghìn tỷ đồng, trong đó có 120 dự án FDI còn hiệu lực, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực du lịch - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Bình Thuận hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển một nền kinh tế tổng hợp gồm nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, du lịch. Tỉnh cũng hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển một nền kinh tế tổng hợp, gồm nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, du lịch. Do đó, việc thành lập Khu công nghệ cao Bình Thuận là rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận,

Ông Nguyễn Lê Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, điều kiện cần thiết để thành lập khu công nghệ cao gồm nhiều yếu tố như: Phù hợp quy hoạch, khả thi về sử dụng đất; phù hợp về chính sách, chủ trương về phát triển công nghệ cao; đáp ứng các điều kiện để triển khai các nhiệm vụ tại khoản 2 Điều 31 Luật Công nghệ cao, hạ tầng đảm bảo phục vụ ứng dụng công nghệ cao; khả năng liên kết với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo có trình độ cao, thuận lợi hạ tầng, giao thông…

Bình Thuận nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung) và vùng Đông Nam Bộ, có thể coi là cửa ngõ phía Nam của tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ kết nối các vùng, tỉnh phía Nam với khoảng cách không quá xa đến trung tâm phát triển lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Toàn tỉnh hiện có 1.174 dự án đã hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án lớn như: Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I với tổng vốn đăng ký hơn 47,4 nghìn tỷ đồng; Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II với tổng vốn đăng ký hơn 49,5 nghìn tỷ đồng; Kho cảng LNG Sơn Mỹ với tổng vốn hơn 31,4 nghìn tỷ đồng…  Đó là những cơ sở quan trọng để tỉnh có thể thu hút phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, nhất là các lĩnh vực mà tỉnh có nhiều tiềm năng như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao; tạo tiền đề thúc đẩy lĩnh vực khoa học công nghệ trở thành một động lực phát triển của địa phương trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Nguyễn Thanh (TTXVN)
Chuyển giao Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về UBND thành phố Hà Nội
Chuyển giao Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về UBND thành phố Hà Nội

Ngày 10/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 1168/QĐ-TTg về việc chuyển giao Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN