Ngành chế biến gỗ trước khó khăn về nguyên liệu

Chế biến gỗ xuất khẩu là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, song do nguồn nguyên liệu trong nước hạn hẹp, phải nhập từ nước ngoài nên giá trị đạt được không cao. Trước sức ép của hội nhập kinh tế thế giới, ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam đang phải tìm một hướng phát triển bền vững hơn.


Thiếu nguyên liệu chế biến gỗ

Hiện gỗ rừng tự nhiên của cả nước mới cung cấp 10% nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, phần còn lại phải nhập khẩu và tận dụng gỗ cao su già.

Sản xuất các sản phẩm đồ gỗ tại Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu – TTXVN

Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến cuối năm 2014, diện tích rừng tự nhiên cả nước khoảng 13 triệu ha. Trong tổng diện tích này có 80% là diện tích rừng nghèo. Trữ lượng gỗ rừng tự nhiên khoảng 220 triệu m3/ha nhưng đa số là những cây gỗ nhỏ, chất lượng kém, không đạt chất lượng phục vụ chế biến xuất khẩu.

Diện tích rừng trồng hiện nay đạt 1,9 triệu ha; trong đó 170.000 ha rừng được cấp chứng nhận FSC (Hội đồng quản lý rừng) phục vụ nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu gỗ. Trong diện tích này chỉ áp dụng được 30% giống mới vào sản xuất, chủ yếu là 2 loại keo và bạch đàn. Tuy nhiên, khâu quản lý giống chưa tốt nên chưa trẻ hóa vùng nguyên liệu, không lưu giữ được giống gốc cho các vùng nguyên liệu khác. Mật độ trồng rừng hiện rất dày, chưa tuân thủ đúng quy trình trồng rừng nên các cây gỗ không đủ không gian phát triển lớn hơn. Đến năm thứ 4 hầu như cây phát triển chậm hoặc không tiếp tục phát triển, dẫn tới đường kính cây gỗ không đạt yêu cầu cho các doanh nghiệp thu mua - GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ.
Ngoài ra, quy mô sản xuất lâm nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, các hộ chưa tạo được mối liên kết chuỗi chặt chẽ với phía doanh nghiệp và nhà quản lý để gỗ đạt chất lượng cao, đầu ra đảm bảo hơn.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, nguồn nguyên liệu gỗ vốn kém nhưng cách sử dụng nguyên liệu kém hơn gây lãng phí lớn. Cụ thể, với 11 triệu m3 gỗ dăm chỉ mang lại kim ngạch 900 triệu USD, còn 4 triệu m3 gỗ chế biến có thể mang lại 6,3 tỷ USD, nhưng Việt Nam lại chú trọng vào lượng xuất khẩu gỗ dăm này. Trình độ quản trị kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp khiến năng suất của doanh nghiệp Việt Nam kém hơn doanh nghiệp nước ngoài 24 lần. Nguồn nhân lực của ngành gỗ cũng chưa được đào tạo bài bản.

Trồng rừng để tạo vùng nguyên liệu

Ông Nguyễn Bá Ngãi chia sẻ, để ngành trồng rừng phát triển cần điều chỉnh lại tổ chức sản xuất. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác giao đất lâm nghiệp cho dân, nhất là đồng bào các dân tộc để tham gia sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp trồng, chế biến, tiêu thụ lâm sản liên kết với hộ trồng rừng xây dựng mô hình thâm canh gỗ lớn cung cấp cho chế biến và xuất khẩu.

Mặt khác, điều chỉnh việc nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm theo yêu cầu định hướng của mỗi địa phương, tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp hóa ngành giống. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý chất lượng giống được tăng cường, phổ biến kỹ thuật thâm canh rừng trồng cho các địa phương, phát triển ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp và mở rộng diện tích rừng trồng được cấp chứng nhận FSC.

“Các viện, trường nghiên cứu giống gỗ ngắn ngày hơn để tăng cường nguyên liệu cho sản xuất trong nước, tạo sản phẩm tinh từ gỗ để từ đó xuất khẩu sản phẩm với giá trị cao hơn. Đồng thời, việc tăng thuế đối với xuất khẩu gỗ dăm cần tính đến để tránh tình trạng tranh mua nguyên liệu của các doanh nghiệp trong nước khi thiếu nguyên liệu sản xuất”, ông Nguyễn Đức Thành, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần giấy An Hòa đề xuất.

Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuổi rừng trồng của Việt Nam chỉ kéo dài 4 - 6 năm là khai thác. Vì vậy, Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng xuất khẩu gỗ dăm từ 10 - 15% hàng năm để phù hợp với cơ cấu trồng rừng hiện nay. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng điều chỉnh cơ chế chính sách để các doanh nghiệp chế biến đầu tư công nghệ sau dăm, sử dụng dăm làm bột giấy MDF, khuyến khích người trồng rừng kéo dài chu kì để tăng sản lượng gỗ lớn cho chế biến.

Gỗ Việt Nam xuất khẩu vào 120 quốc gia; trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản là 2 thị trường lớn trong 12 nước tham gia TPP. Trong 8 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ chiếm 39%, Nhật Bản 15%. Dự kiến đến năm 2020, giá trị xuất khẩu các sản phẩm gỗ Việt Nam đạt 10 tỷ USD.

Hồng Nhung
Triển lãm máy và thiết bị công nghiệp chế biến gỗ

Từ ngày 25-28/9, tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (TP.HCM) sẽ diễn ra Triển lãm Quốc tế lần thứ 10 về máy và thiết bị công nghiệp chế biến gỗ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN