Quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản ở địa phương: Bắt đầu từ quy hoạch

Nhằm hướng tới quản lý, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa carbon, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 866/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chú thích ảnh
Mỏ khai thác cát dưới lòng sông Đăk Bla của Công ty TNHH Thanh Tuấn (Kon Tum). Ảnh tư liệu: Dư Toán/TXVN

Đây cũng là một trong những mục tiêu tổng quát của công tác quy hoạch tài nguyên khoáng sản, đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt quy hoạch tài nguyên khoáng sản, tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên.

Thiếu chiến lược trong quy hoạch

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, có 199 điểm quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; trong đó, có 89 điểm cát làm vật liệu xây dựng, 60 điểm đá xây dựng, 32 điểm đất san lấp và 18 điểm đất sét.

Hiện nay, UBND các huyện, thành phố đang phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản trong thời gian tới; dự kiến bổ sung quy hoạch 15 điểm, gồm 11 điểm đất san lấp, 3 điểm cát làm vật liệu xây dựng, 1 điểm đất sét làm gạch ngói. Tuy nhiên, công tác lập và thực hiện quy hoạch, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập. Đó là, tỷ lệ điểm quy hoạch khoáng sản được cấp phép khai thác còn thấp (51/199 điểm; chiếm 25,6%), nhất là số điểm đất san lấp chưa đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay.

Bên cạnh đó, vị trí quy hoạch một số điểm khoáng sản, bến bãi tập kết chưa đồng bộ, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Việc tổ chức triển khai thực hiện công tác đấu giá, cấp phép quyền khai thác khoáng sản các điểm quy hoạch khoáng sản còn chậm. Việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại các điểm mỏ khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp còn mang tính hình thức. Các trạm cân, camera giám sát hầu như không hoạt động do thiếu nguồn điện, vị trí lắp đặt chưa phù hợp, gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát khối lượng khoáng sản khai thác.

Vướng mắc này cũng xảy ra tại tỉnh Lào Cai. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép và hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản thiếu chiến lược và quy hoạch. Quá trình quản lý thực tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai cho thấy còn có một số khó khăn, thách thức gặp phải trong khai thác khoáng sản như: Cán bộ làm công tác quản lý môi trường, đặc biệt là cán bộ cấp xã, phường, thị trấn còn mỏng, cơ bản không được đào tạo chuyên môn về khoáng sản, môi trường chủ yếu là kiêm nhiệm, vì vậy, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đôi lúc còn lúng túng, chưa kịp thời. Một số doanh nghiệp trong quá trình hoạt động thường quan tâm hơn đến vấn đề lợi nhuận mà không đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường như: Đầu tư các công trình xử lý chất thải như chất thải rắn, nước thải... hoặc có đầu tư nhưng việc vận hành còn hạn chế.

Một số dự án khai thác khoáng sản nằm tại các khu vực vùng cao, địa hình phức tạp, giao thông không thuận lợi hoặc giáp ranh các tỉnh khác, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp lợi dụng địa hình, ban đêm xả nước thải trực tiếp ra ngoài môi trường.

Gần đây, các hoạt động khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép tại một số địa phương đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự, đời sống và sản xuất của nhân dân địa phương. Đáng kể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam thêm ba trường hợp là nguyên lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Apatit Việt Nam do có liên quan trong việc tận thu, thu gom quặng Apatit của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thương mại Lilama khi thực hiện dự án khách sạn, nhà hàng tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai.

Theo ông Hồ Cao Khải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là do quy hoạch khoáng sản tại Lào Cai chưa được lập và phê duyệt kịp thời. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức và còn yếu kém, bất cập. Sự phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan và UBND các địa phương trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Tại một số địa phương, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản bị buông lỏng, thậm chí UBND cấp xã, phường một số nơi còn để nhân dân tại địa phương khai thác khoáng sản tự do, cho phép các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép đến tạm trú…

Tình trạng quy hoạch khoáng sản tại địa phương chưa được lập và phê duyệt kịp thời cũng diễn ra tại một số nơi, chứ không chỉ ở hai địa phương nêu trên. Điều này dẫn đến việc khai thác, quản lý, chế biến tài nguyên khoáng sản hợp pháp còn nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến hệ lụy của việc khai thác tài nguyên trái phép, gây thất thoát, lãng phí nguồn khoáng sản, vi phạm pháp luật về tài nguyên.

Chậm phê duyệt quy hoạch

Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Lê Trường Giang cho biết, theo quy định của pháp luật về quy hoạch tài nguyên khoáng sản, các Bộ, ngành, địa phương phải tổ chức lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch; đây là cơ sở để thực hiện việc quy hoạch tài nguyên khoáng sản tại địa phương.

“Tuy nhiên, đến nay, mới có trên 10 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản tỉnh. Nhìn chung là chậm so với yêu cầu”, ông Lê Trường Giang nhận định.

Thời gian qua, việc xây dựng, trình ban hành và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch tài nguyên khoáng sản còn chậm so với kế hoạch được phê duyệt. Hoạt động rà soát, sửa đổi, bổ sung một số văn bản chưa kịp thời; chất lượng, nội dung một số văn bản còn hạn chế, chưa rõ ràng, chưa đồng bộ, chưa phù hợp với Luật hiện hành. 

Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ vấn đề này. Theo đó, Quốc hội có Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Theo đó, khoản 1 Điều 2 quy định: "Cho phép Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch được thực hiện ngay các giải pháp sau để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch và đảm bảo chất lượng công tác quy hoạch”.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có các Quyết định số 680/QĐ-TTg ngày 10/6/2023 phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định 866/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã có những nội dung cụ thể về giải pháp về đáp ứng nguồn nhân lực. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Công Thương và UBND cấp tỉnh có liên quan trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy hoạch khoáng sản, đảm bảo dự án khai thác khoáng sản sử dụng công nghệ tiên tiến, an toàn lao động, bảo vệ môi trường và phải gắn với dự án chế biến sâu. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư trong quản lý hoạt động khoáng sản; chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, tình hình hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp, dự án sau khi cấp phép.

Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai để tăng hiệu quả kinh tế - xã hội các dự án khai thác khoáng sản như: Chính sách giải phóng mặt bằng, chính sách sử dụng đất sau khai thác khoáng sản. Quy hoạch nêu rõ việc chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các dự án khai thác, chế biến các loại khoáng sản xử lý nghiêm theo quy định đối với các dự án không tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình lập quy hoạch, Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Lê Trường Giang đề xuất, các địa phương chưa được phê duyệt quy hoạch cần tích cực, chủ động trong việc lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch liên quan theo quy định. Song song với đó, cần nghiên cứu các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ để xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh nội dung, kéo dài thời kỳ các quy hoạch theo thẩm quyền để kịp thời huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Diệu Thúy (TTXVN)
Thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản tại khu mỏ trên sông Tiền
Thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản tại khu mỏ trên sông Tiền

Sáng 1/8, thông tin từ UBND tỉnh An Giang cho biết: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đã ký Quyết định số 1225/QĐ-UBND thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Dịch vụ Thương mại Hải Toàn (Công ty Hải Toàn) tại khu mỏ trên sông Tiền thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN