Thương mại điện tử tăng ‘nóng’, ngành thuế gặp thách thức

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, được đánh giá là nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đặt ra thách thức đối với việc quản lý thuế.

Chú thích ảnh
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trong nước và xuyên biên giới. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN

“Lọc” người bán online chưa kê khai thuế

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2023 - 2024, TMĐT tiếp tục là mảng sáng trong bức tranh kinh tế còn nhiều gam trầm. Chẳng hạn năm 2023, TMĐT có tốc độ tăng trưởng 25% so với năm 2022, đạt 25 tỷ USD với quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD, cao hơn nhiều so với bức tranh tổng thể của kinh tế. 

Cùng với những nỗ lực trong chuyển đổi cách thức bán hàng, một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, vấn đề thuế, pháp lý TMĐT cũng cần được đẩy mạnh.

Ông Trần Minh Hiệp, chuyên gia tư vấn cao cấp Trung tâm tư vấn pháp luật (Hiệp hội TMĐT Việt Nam) chia sẻ: “Cách đây vài ngày, một nhà bán lẻ đã lên sàn TMĐT được 4 năm, ngỡ ngàng khi bị truy thu thuế hàng trăm triệu đồng. Nhận thức của nhiều người kinh doanh online phải nộp thuế chưa cao, chỉ nghĩ đơn giản lên sàn TMĐT, ra đơn là đủ...”.

Hiện, một cá nhân, tổ chức có thể mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng nhằm thuận tiện giao dịch. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hết năm 2023, Việt Nam có gần 183 triệu tài khoản thanh toán cá nhân.

Từ dữ liệu ngân hàng cung cấp, cơ quan thuế đã và đang lọc danh sách những người kinh doanh online nhưng chưa kê khai, nộp thuế. Thời gian qua, nhiều người bán hàng online đã bị truy thu số tiền khá lớn, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng tiền thuế.

“Ngành Thuế đang nắm dữ liệu ngân hàng của hơn 120 triệu tài khoản cá nhân. Như vậy, lượng dữ liệu cá nhân ngành Thuế nắm chiếm gần 2/3 tổng tài khoản thanh toán cá nhân tại các ngân hàng, tính từ cuối năm ngoái”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (TCT) Mai Sơn cho biết. 

Việc cung cấp dữ liệu tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế được thực hiện theo Nghị định 126/2020 và Luật Quản lý thuế 2019. Theo đó, các thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch được ngân hàng cung cấp theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan thuế để phục vụ công tác kiểm tra nghĩa vụ thuế. Phía ngành Thuế có trách nhiệm bảo mật khai thác, lưu trữ thông tin tài khoản của người nộp.

Theo ông Mai Sơn, ngoài dữ liệu tài khoản ngân hàng, ngành Thuế cũng nắm thông tin của 929 website cung cấp dịch vụ TMĐT và 130 tổ chức trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình.

Về quản lý thuế, ngành Thuế đã tiếp cận hoạt động TMĐT theo các nền tảng có hoạt động TMĐT để áp dụng các biện pháp quản lý thuế  phù hợp bao gồm 8 nhóm: Nền tảng sàn giao dịch TMĐT (Shopee, Lazada, Tiki, Amazon, Alibaba...); website/ứng dụng TMĐT (Abay.vn, Ahamove, Amway.com.vn, Bachhoaxanh.com, Đienmayxanh.com…); nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…); nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận (Grab, Be, Foody, Giaohangtietkiem, Giaohangnhanh…); nền tảng đại lý (Booking, Agoda, Airbnb…); nền tảng thuê bao (Netflix, Spotify...); nền tảng quảng cáo (Facebook, Google, Youtube...); nền tảng kho ứng dụng (Apple Store, CH Play…).

Số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT như sau: Năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (gần 130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng (gần 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.

Tổng cục Thuế đã thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế theo quy định. 

Kết quả lũy kế trong 3 năm (2021, 2022 và 2023) có 31.570 tổ chức, cá nhân đưa vào diện rà soát. Trong tổng số các trường hợp đưa vào diện rà soát, đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm đối với 22.159 cơ sở kinh doanh với số thuế tăng thêm là 2.917,9 tỷ đồng, trong đó xử lý kê khai, truy thu, xử lý vi phạm là 1.818 tỷ đồng, giảm lỗ là 986 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng là 113,9 tỷ đồng.

Hoàn thành rà soát trên 90% cơ sở dữ liệu về mã số thuế

Ông Mai Sơn cho biết, thời gian tới, để quản lý thuế hiệu quả hoạt động TMĐT, chính sách pháp luật thuế và chính sách pháp luật chuyên ngành cần tiếp tục được củng cố, sửa đổi, bổ sung nhằm bao quát toàn bộ các hoạt động TMĐT; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT.

“Cùng với đó, ngành Thuế tiếp tục rà soát và làm giàu cơ sở dữ liệu TMĐT từ các nguồn thông tin từ các Bộ, ngành; từ các tổ chức kinh doanh trong hệ sinh thái TMĐT. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, ngành Thuế tiếp tục tổ chức dữ liệu, phân tích rủi ro trong đó có sử dụng phương pháp học máy - áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo và triển khai các biện pháp quản lý thuế phù hợp theo từng đối tượng có hoạt động kinh doanh TMĐT theo nguyên tắc quản lý rủi ro”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.

Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan ký kết các văn bản thỏa thuận phối hợp công tác, tham mưu trình Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Theo Tổng cục Thuế, nếu tính trên số lượng mã số thuế không bao gồm người phụ thuộc và các mã số thuế không có nghĩa vụ thuế hoặc không có thông tin giấy tờ, đã hoàn thành trên 90% việc rà soát, đồng bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) của Bộ Công an với CSDL về mã số thuế để chuyển đổi sử dụng căn cước công dân làm mã số thuế.

Cùng đó, Bộ Tài chính đã tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử (VneID) với các nền tảng quản lý thuế. Đến nay, có 663.157 lượt kết nối, tổng số công dân truy cập là 400.791 lượt; đến nay 53.424 cơ sở kinh doanh đã áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền sử dụng là 320 triệu hóa đơn.

Minh Phương/Báo Tin tức
‘Xanh hóa’ thương mại điện tử để phát triển kinh tế bền vững
‘Xanh hóa’ thương mại điện tử để phát triển kinh tế bền vững

Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển nhanh chóng với mức tăng trường trung bình 25% mỗi năm tiến tới 2025, điều này đã đặt ra nhiều thách thức đối với môi trường, đặc biệt là loại hình bán lẻ trực tuyến. Chính vì vậy, cần có giải pháp đẩy mạnh, tối ưu hóa hoạt động logistics, kinh tế tuần hoàn, chiến lược phát triển bưu chính xanh, góp phần phát triển thương mại điện tử bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN