Trung Quốc chính thức khởi động chiến tranh tiền tệ?

Công cụ tỉ giá của Trung Quốc không hẳn luôn nhằm mục tiêu hỗ trợ các nhà xuất khẩu. Động thái mới nhất của Bắc Kinh ẩn chứa nhiều mục tiêu chính sách khác.

Hôm 11/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PoCB) đã điều chỉnh giảm gần 2% tỷ giá tham chiếu của đồng NDT so với đồng USD, xuống mức thấp nhất trong ba năm qua. Cụ thể là PboC đã ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày của đồng NDT ở mức 6,2298 NDT/USD, giảm 1,86% so với 6,1162 NDT/USD của ngày 10/8. Nhiều người nhìn nhận, bước phá giá đồng NDT này là để cứu vãn xuất khẩu giảm sút mạnh giữa lúc xuất hiện những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Thực chất điều gì đang xảy ra?

Các nước đang theo dõi sát sao các diễn biến liên quan đến đồng NDT. Ảnh: Reuters


Cho đến gần đây, Bắc Kinh vẫn muốn duy trì đồng nội tệ mạnh vì những mục đích chính trị và giữ cho dòng vốn không chảy khỏi đại lục. Nhiều mục tiêu trong nước và quốc tế mà Trung Quốc theo đuổi đều gắn với đồng NDT mạnh. Quyết định phá giá đồng nội tệ hôm 11/8 của PoBC liên quan nhiều đến những chuyển động trên thị trường toàn cầu, không hẳn là xuất phát từ nhu cầu thúc đẩy xuất khẩu.

Dễ nhận thấy nhất là đà tăng giá của NDT có liên quan đến đồng USD. Trung Quốc vẫn duy trì cơ chế tỉ giá neo theo đồng USD, đặt tỷ giá tham chiếu với biên độ dao động 2%. Khi đồng bạc xanh tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới (một xu thế đã kéo dài suốt cả năm qua, với mức tăng 20% so với các đồng tiền chủ chốt), đương nhiên NDT sẽ tăng giá so với các đồng nội tệ của các nước có giao dịch thương mại lớn với Trung Quốc. Jonathan Anderson thuộc Nhóm tư vấn các thị trường mới nổi (EAG) nhìn nhận: Tất cả những gì PoCB vừa thực hiện là để duy trì sự kiểm soát trước các diễn biến trên thị trường tiền tệ của các đối tác thương mại lớn. Theo ông, mức phá giá 2% không phải là nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu, mà đơn giản chỉ là “phần bù” trước việc đồng USD mạnh lên. Trong suốt 12 tháng qua, NDT đã tăng giá tới 10% so với các đồng tiền khác ở châu Á, trong khi đồng euro mất giá 18% so với đồng USD, còn đồng yen Nhật thì bốc hơi tới 22% so với đồng bạc xanh.

Có nhiều lý do để Trung Quốc mong muốn có đồng nội tệ mạnh. Tháng 4 vừa qua, PoCB đã có bước can thiệp vào thị trường, khi quyết định bán ra một lượng lớn dự trữ ngoại tệ, một động thái được cho là để ngăn chặn dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường khi đồng nội tệ yếu đi. Trên bình diện quốc tế, đồng NDT mạnh cũng là công cụ quan trọng để tránh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Không những vậy, Bắc Kinh gần đây cũng rất muốn tăng thị phần của NDT trong giao dịch thương mại quốc tế, muốn NDT được công nhận chính thức và đưa vào giỏ tiền tệ thuộc Quyền rút tiền đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi Bắc Kinh có được một đồng nội tệ mạnh, cơ chế tỉ giá linh hoạt theo diễn biến thị trường và sức khỏe nền kinh tế.

Để thúc đẩy tăng trưởng, Trung Quốc có thể viện đến nhiều công cụ khác ngoài tỉ giá. (Ảnh: Người dân mua bán hoa quả ở Bắc Kinh - Nguồn: EPA)


Sau cùng, không nên nhìn nhận việc Trung Quốc phá giá NDT chỉ dưới góc độ thúc đẩy thương mại. Xuất khẩu - động lực chính của kinh tế Trung Quốc, trong tháng 7 vừa qua đã giảm 8,3% so với cùng kì năm ngoái. Thế nhưng đó cũng là xu thế chung mà các nhà xuất khẩu lớn ở châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan đang phải đối mặt, mà điểm mấu chốt nằm ở chỗ cầu hàng hóa toàn cầu yếu đi, do triển vọng kinh tế chưa thực sự sáng sủa, vững chắc tại Mỹ, châu Âu và nhiều khu vực khác. Vấn đề này không thể giải quyết chỉ bằng động thái phá giá đồng NDT.

Để thúc đẩy tăng trưởng, Trung Quốc có thể viện đến nhiều công cụ khác ngoài tỉ giá hỗ trợ xuất khẩu. Bắc Kinh hiện còn khá nhiều dư địa chính sách để giảm lãi suất, giảm dự trữ bắt buộc – một kịch bản được nhiều nhà phân tích dự đoán sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới. Tăng đầu tư công cũng là một lựa chọn khác: Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chuẩn bị cho phát hành một lượng trái phiếu trị giá 1.000 tỉ NDT để phục vụ cho các dự án hạ tầng.

Còn quá sớm để khẳng định Trung Quốc chính thức tham gia vào cuộc chiến tranh tiền tệ. Xu hướng chỉ trở nên rõ ràng sau khi các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đưa ra những phản ứng chính sách trước động thái mới của Bắc Kinh và liền sau đó là những vòng xoáy mới. Về mặt ngắn hạn, sức ép đang tăng lên đối với nền kinh tế mới nổi tại châu Á.

Hoài Thanh (Theo Fortune, BBC)
Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh tỷ giá đồng NDT
Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh tỷ giá đồng NDT

Ngày hôm nay là ngày thứ hai Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh giảm giá đồng nhân dân tệ (NDT). Tỷ giá tham chiếu của đồng nội tệ nước này so với USD bị cắt giảm 1,62%, sau khi đã giảm gần 2% một ngày trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN