Người thầy của ngành mắt Việt Nam

Tên tuổi của GS Nguyễn Xuân Nguyên gắn với sự ra đời và phát tiển của ngành Nhãn khoa Việt Nam. Giáo sư là một thày thuốc tận tụy, một nhà giáo mẫu mực, đức độ, một nhà hoạt động xã hội tích cực…

Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện cùng GS. Nguyễn Xuân Nguyên và các trí thức tại Hội nghị Chính trị hiệp thương chống Mỹ cứu nước năm 1964.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên (21/1/1907-2017)


Người thầy thuốc tận tụy

Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho, có nghề bốc thuốc cứu người ở xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Từ nhỏ Nguyễn Xuân Nguyên đã là người thông minh. Khi học ở trường thuốc Đông Dương, ông là người ham học hỏi, say mê nghiên cứu khoa học.

Lĩnh vực nào ông cũng có công trình nghiên cứu: từ nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, giải phẫu học, nhân chủng học cho đến nhãn khoa - là ngành ông chuyên sâu và có nhiều cống hiến to lớn nhất.

Trong giai đoạn trước năm 1945, tỉ lệ người dân Việt Nam mắc bệnh về mắt rất cao, đặc biệt là bệnh đau mắt hột ở các vùng nông thôn do trình độ vệ sinh quá thấp. Trên cương vị một nhà khoa học, sớm đi vào đời sống nhân dân, nhất là người dân nghèo ở những làng quê còn phong tục lạc hậu, Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên đã đưa ánh sáng khoa học, khuyên người dân giữ gìn vệ sinh, chữa bệnh đau mắt hột bằng thuốc.

Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên đã xây dựng được chương trình chiến lược phòng chống bệnh mắt hột, phổ cập đến tận mạng lưới y tế xã, phường, nhà trường, mẫu giáo, khắp vùng nông thôn đến vùng cao, vùng sâu...

Qua hơn 100 công trình và tài liệu, bài viết nghiên cứu của ông đã được công bố thể hiện một quá trình làm việc nghiêm túc và nghiên cứu khoa học không mệt mỏi... Những nỗ lực vượt bậc ấy nói lên phần nào những cống hiến của ông. Các công trình nghiên cứu của Giáo sư Nguyên được các đồng nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá rất cao, thể hiện tính khoa học, trung thực, sáng tạo, độc đáo và đặc biệt, những công trình đó có tính ứng dụng cao, tạo ra hiệu quả thực tiễn to lớn.

Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên còn coi trọng lĩnh vực khoa học kỹ thuật, sáng kiến cải tiến.Với công trình "Cải tiến kỹ thuật trong phẫu thuật đục thể thủy tinh" của giáo sư bước đầu đã đơn giản hóa, cải tiến kỹ thuật và tổ chức mổ tuyến dưới thành công.

Ông đã ứng dụng thành công liệu pháp của Viện sĩ V.P.Filatov (Liên Xô cũ) để chữa hầu như tất cả các bệnh về mắt từ chắp lẹo, viêm kết mạc, loét giác mạc, màng máu cho đến các bệnh đáy mắt, bệnh cận thị tiến triển, viêm hắc - võng mạc...

Báo cáo đầu tiên về kết quả điều trị bằng Filatov có kết hợp với các thuốc khác của giáo sư trong hội nghị ở Viện Nhãn khoa Filatov tại Odessa được các đồng nghiệp nước bạn hoan nghênh nhiệt liệt.

Một nhà giáo mẫu mực

Bên cạnh những hoạt động chuyên môn và xây dựng Viện Mắt hột - ngành mắt Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên là một thầy giáo có phương pháp sư phạm tốt và dày dạn kinh nghiệm; lại có quan điểm khoa học tiên tiến, một lãnh đạo sắc sảo nắm vững đường lối chính trị cách mạng, bởi vậy những quyết sách, những đóng góp và đường lối của ông đã ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển của Viện Mắt - ngành mắt trong mỗi giai đoạn cách mạng.

Hàng nghìn bác sĩ nhãn khoa khắp mọi miền Tổ quốc đã được đào tạo từ Viện Mắt, các thế hệ học trò vẫn nhớ mãi người “Thầy của các thầy”.

Giáo sư đã từng kêu gọi ngành mắt: “Hãy tiến lên, mổ nhiều, mổ tốt hơn nữa đục thể thuỷ tinh để mang lại ánh sáng và hạnh phúc cho nhân dân!”.

Toàn ngành và nhân dân hưởng ứng tích cực, những “đội quân” mổ đục thể thuỷ tinh tới tuyến huyện, liên tục “tấn công” vào những “điểm nóng”, ở vùng xa, vùng nông thôn, mang lại ánh sáng cho hàng vạn người, góp phần giải phóng sức sản xuất cùng các lợi ích kinh tế cũng như ý nghĩa chính trị - văn hoá.

Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên là một thầy giáo có phương pháp sư phạm tốt và dày dạn kinh nghiệm. Thầy rất tích cực và nhiệt tình đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành. Thầy thường lặn lội về tận các Đội mắt hột để xem anh em mổ quặm, về các đơn vị mổ đục thể thuỷ tinh rút kinh nghiệm để về tổ chức lớp tập huấn.

Các thế hệ học trò của Giáo sư kể lại: “Khi lên lớp thầy đem đủ tài liệu, giáo trình nhưng trong lúc giảng bài thầy không nhìn vào sách. Tất cả đã như sắp xếp trong đầu, thầy giảng bài ngọt ngào tuôn chảy. Các sinh viên, học viên như uống từng lời thầy trên lớp”.

Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên rất quan tâm và ưu tiên đào tạo cán bộ phục vụ miền Nam chống Mỹ. Thầy gọi anh chị em lên gặp để động viên và chỉ thị “Phải học cho ra trò” có nghĩa là phải học hết sức mình.

Trong đợt đi công tác miền Nam để xây dựng Trung tâm chữa mắt tại TP Hồ Chí Minh, Giáo sư. Nguyễn Xuân Nguyên lâm bệnh đột ngột, đã từ trần ngày 1/10/1975, thọ 69 tuổi.

Những đóng góp lớn lao của giáo sư cho ngành mắt và y tế Việt Nam đã được Nhà nước và nhân dân trân trọng ghi nhận. Năm 1996, Chủ tịch nước đã truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật.

Tượng đài Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên được đúc bằng đồng và đặt trong Khuôn viên của Bệnh viện Mắt Trung ương Thành phố Hà Nội.

Hồng Quảng (TTXVN)
Võ Thị Sáu - con người và huyền thoại
Võ Thị Sáu - con người và huyền thoại

Có một người con gái tuổi vừa trăng tròn đã đi theo tiếng gọi của tổ quốc. Cuộc đời chị đã trở lên bất diệt với những huyện thoại để đời sau ghi nhớ. Chị là Võ Thị Sáu – người con gái Đất Đỏ anh hùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN