Chiến lược ba mũi nhọn của Anh em Hồi giáo Ai Cập

Theo mạng "Tin Trung Đông", tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) ở Ai Cập đang theo đuổi chiến lược ba mũi nhọn với các cuộc biểu tình ngồi đã bước sang tuần thứ ba song chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và các cuộc xung đột bắt đầu leo thang trên các đường phố.


 

Biểu tình ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo và Tổng thống bị phế truất Morsi tại Cairô ngày 17/7/2013. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Mũi nhọn thứ nhất là tiếp tục duy trì cuộc biểu tình ngồi tại Quảng trường Rabaa Al - Adawia ở thủ đô Cairô nhằm cho công chúng thấy một hình ảnh kiên cường, đầy quyết tâm của MB trong việc đòi phục chức cho Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi và khôi phục hiến pháp. Ngoài ra, cuộc biểu tình còn nhằm bảo vệ các thủ lĩnh và thành viên của tổ chức này trước các lệnh điều tra và bắt giữ của các cơ quan công tố, đồng thời cảnh báo rằng các động thái này của chính quyền mới có thể kéo theo những hậu quả đau đớn về mặt chính trị.


Mũi nhọn thứ hai là dần leo thang trong các tuyên bố, đồng thời đặt cược vào các hoạt động đấu tranh trên thực địa, ví dụ như việc những người ủng hộ ông Morsi phong tỏa tuyến cầu vượt "6/10" huyết mạch ở Cairô vào ngày 15/7 vừa qua. Cả hai chiến lược trên nhằm mục đích giúp MB (và cả việc giam giữ ông Morsi) tiếp tục xuất hiện trên các bản tin thời sự quốc tế.


Mũi nhọn thứ ba là thay đổi thông điệp và khẩu hiệu của cuộc biểu tình ngồi từ "ủng hộ Morsi" sang "phản đối cuộc đảo chính quân sự" và "ủng hộ dân chủ". Thay vì lôi kéo sự ủng hộ của người dân trong nước (trên thực tế, hành động của quân đội Ai Cập và việc phế truất ông Morsi đã được đông đảo người dân đồng tình), các thông điệp mới mẻ này chủ yếu nhằm vào công chúng và chính phủ các nước phương Tây. Mục đích nhằm cải thiện hình ảnh của ông Morsi và MB, đồng thời gia tăng áp lực quốc tế lên chính quyền mới ở Ai Cập nhằm đạt được một sự thỏa hiệp hay phục hồi chức vụ cho nhà lãnh đạo dân bầu này.


Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng ở đây là việc phục chức cho ông Morsi có khả năng diễn ra hay không?


Về mặt lý thuyết, hiện có 2 kịch bản về sự quay lại của ông Morsi. Trước hết là thông qua áp lực quốc tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, khả năng này ít có khả năng xảy ra khi cộng đồng quốc tế dường như đã chấp nhận thực tế mới và đang có lối tiếp cận thực dụng đối với vấn đề Ai Cập.


Cách thứ hai là thông qua các cuộc biểu tình rầm rộ có quy mô vượt xa cuộc biểu tình ngày 30/6 vừa qua của phe đối lập, cộng với đó là sự chia rẽ hoặc áp lực nội bộ trong lực lượng quân đội đòi phục chức cho nhà lãnh đạo Hồi giáo này. Tuy nhiên, cả hai khả năng này dường như rất khó xảy ra. Sự chia rẽ này có thể kéo theo những biến động quy mô lớn, tạo điều kiện cho quân đội Ai Cập tăng cường quyền lực.


Kịch bản tốt nhất là tổ chức một cuộc trưng cầu về việc phục chức cho ông Morsi hoặc tiến hành bầu cử tổng thống ngay lập tức. Tuy nhiên, ông Morsi gần như chắc chắn sẽ thua cuộc, khiến nhà lãnh đạo này và MB càng thiệt hại nặng hơn.


Nhưng ngay cả khi quay lại nắm quyền bằng vũ lực, ông Morsi hầu như không có cơ hội lãnh đạo đất nước thành công khi phải đối mặt với các "ổ kháng cự" từ giới tướng lĩnh quân đội và cảnh sát, từ các cơ quan tư pháp, giới truyền thông, các cơ quan hành chính nhà nước, phe đối lập mạnh mẽ hơn, cộng với đó là sự bùng nổ các cuộc nổi dậy có quy mô lớn hơn so với làn sóng biểu tình chống chính phủ ngày 30/6 vừa qua.


Xuất phát từ các nguyên nhân trên, MB chỉ còn 2 lựa chọn. Thứ nhất là tổ chức này có thể đột ngột thông báo sẽ tham gia lộ trình hiện nay dưới hình thức này hay hình thức khác. Lựa chọn thứ hai là tiếp tục duy trì áp lực (một cách khôn khéo và hòa bình) cho tới khi nào MB giành được chiến thắng nào đó (ví dụ ông Morsi được phóng thích, những đảm bảo quan trọng...).


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Ai Cập)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN