Khả năng Thổ Nhĩ Kỳ và Saudia Arabia triển khai bộ binh ở Syria

Hồi cuối tuần trước, Ngoại trưởng Syria đã cảnh báo về những "chiếc quan tài gỗ” với bất cứ quân đội nước nào vào Syria trái phép. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia gần đây lại cho hay có thể đưa quân tới quốc gia Trung Đông này.

Quân nổi dậy Syria tại mặt trận gần làng Ratyan ngày 19/2/2015. Ảnh: AFP- TTXVN

Những phát biểu gần đây về việc Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia có thể đưa quân tới Syria đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Giới phân tích cho rằng khả năng các nước bên ngoài tiến hành chiến tranh trên thực địa ở Syria sẽ làm mất đi viễn cảnh có được một sự dàn xếp hòa bình cho tình hình khó khăn hiện tại ở đất nước đã chìm trong chiến tranh suốt 5 năm qua.

Theo Tân Hoa Xã, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 12/2 đã nói rằng Ankara và Riyadh có thể cân nhắc điều động bộ binh đến Syria để chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) “nếu đến lúc cần phải tiến hành một chiến dịch trên bộ”. Tuyên bố này, rõ ràng để tăng cường ảnh hưởng của hai nước ở Syria, được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry xác nhận rằng có khả năng Mỹ cũng sẽ triển khai bộ binh đến Syria nếu các nỗ lực hòa bình hiện tại kết thúc mà không đạt được kết quả gì.

Kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào Syria hồi tháng 9/2015, quân đội chính phủ Syria đã giành lợi thế đáng kể trong cuộc chiến chống phe nổi dậy, làm dấy lên nhiều lo ngại tại Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, những nước từ lâu đã ủng hộ các nhóm nổi dậy tại Syria lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Theo ông Tang Zhichao, người đứng đầu Chương trình Nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, thứ nhất, do lo ngại những thay đổi trong cục diện cuộc chiến sẽ làm phe đối lập mất phần trong tiến trình đàm phán hòa bình hiện nay, Ankara và Riyadh đã đề cập tới khả năng triển khai các chiến dịch trên bộ tại quốc gia láng giềng chung, với mục tiêu như họ nói là để tấn công IS, song giới phân tích lại cho rằng là nhằm thúc ép chính phủ Syria phải nhượng bộ thực sự trên bàn đàm phán.

Thứ hai, bên cạnh việc cùng có thái độ thù địch với Syria, Ankara và Riyadh cũng có nhiều bất hòa với hai nước ủng hộ Damascus, là Nga và Iran. Sự thù địch lâu nay đã lộ ra khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga hồi tháng 11/2015, và Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran hồi đầu năm 2016. Do đó, có thể nói rằng các lợi ích chung và các quan điểm tương đồng về vấn đề ở Syria đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia xích lại gần nhau nhằm gây sức ép cho chính quyền Tổng thống al-Assad, Nga và Iran.

Thứ ba, việc hai quốc gia này đe dọa can thiệp quân sự sâu hơn vào Syria là một biện pháp trả đũa đối với Mỹ, nước đang hối thúc một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria mà rõ ràng là đổ “gáo nước lạnh” vào những nước đang có ý định hỗ trợ quân sự cho các nhóm nổi dậy ở Syria.

Bekir Gunay, Giám đốc Viện Nghiên cứu Eurasia thuộc ĐH Istanbul, cũng cho rằng sự bất đồng của Ankara với Washington về tính hợp pháp của nhóm người Kurd ở Syria cũng đã lộ rõ hơn, khi mà Mỹ, vốn coi nhóm người này là nhóm chiến đấu chống IS hiệu quả, đã từ chối ủng hộ Ankara cũng như không nhất trí đưa nhóm này vào “danh sách đen” các nhóm khủng bố.

Xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ bắn pháo từ các tiền đồn ở cửa khẩu Oncupinar, thị trấn Kilis, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ về các mục tiêu của lực lượng Kurd ở phía biên giới Syria ngày 17/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Vụ nã pháo gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng chính phủ Syria và người Kurd, cùng lời đe dọa triển khai hoạt động bộ binh chung với Saudi Arabia tại Syria đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Moskva. Ám chỉ tới chiến dịch trên bộ do Mỹ dẫn đầu tại Syria, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev phát biểu trên đài truyền hình Euronews rằng “đừng cố đe dọa bất cứ ai” vì động thái này có thể dẫn đến một “cuộc chiến toàn diện và lâu dài”.

Bộ Ngoại giao Nga cũng lên án vụ nã pháo của Thổ Nhĩ Kỳ là không có gì khác ngoài “xâm lược”, và đe dọa sẽ đưa vụ này lên HĐBA LHQ. Tuần trước, Nga đã cử tàu tuần tra “Zelyony Dol” có trang bị tên lửa hành trình Kalibr đến Địa Trung Hải. Tin tức cho rằng con tàu này hướng đến Syria và có thể tham gia vào chiến dịch của Nga hỗ trợ cho quân đội Syria. Với sự tham gia của Zelyony Dol, các tàu chiến của Nga tại Địa Trung Hải đã lên đến 20 tàu, đều trang bị tên lửa tầm xa có độ chính xác cao có thể hỗ trợ cho các hoạt động quân sự của quân đội chính phủ Syria.
 
Ngoại trưởng Syria Walid al-Moal cũng phát biểu hồi cuối tuần trước rằng bất cứ quân đội nước nào vào Syria mà không được sự đồng thuận của chính phủ “sẽ phải về nhà trong những chiếc quan tài gỗ”.

Trước sự thất vọng của Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, Mỹ vẫn chưa lên tiếng bày tỏ bất cứ sự ủng hộ rõ ràng nào cho kế hoạch điều động bộ binh của họ. Trái lại, Washington đã yêu cầu Ankara ngừng đánh bom lực lượng người Kurd ở Syria.

Các chuyên gia dự đoán rằng không có sự ủng hộ của Mỹ và NATO, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia không giành được mấy lợi thế khi tiến hành các cuộc tấn công riêng lẻ ở Syria. Theo Li Wei, chuyên gia phân tích thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, Saudi Arabia còn can dự vào các hoạt động quân sự ở Yemen, khiến sức mạnh tấn công của nước này bị hạn chế. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang kẹt giữa lực lượng người Kurd và phía Nga, vốn đang tức giận sau vụ bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay.

Trong cuộc họp báo tại Riyadh ngày 14/2, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã nói rằng bất cứ động thái triển khai lực lượng đặc nhiệm của nước này sang Syria cũng phải phụ thuộc vào quyết định của liên quân do Mỹ đứng đầu. Ông nói thêm rằng vương quốc này sẵn sàng đóng góp lực lượng bộ binh cho liên quân, song "thời điểm thực hiện nhiệm vụ này không tùy thuộc vào chúng tôi".

Còn về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Ismet Yilmaz đã bác bỏ khả năng đưa quân sang nước láng giềng Syria. Giới phân tích cảnh báo rằng nhiều khả năng Nga sẽ khởi động một sự đối đầu trực diện với Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia nếu hai nước này quyết định đưa quân tới Syria. Sự đối đầu này chắc chắn sẽ đẩy tình hình phức tạp hiện tại ở Syria đến mức trầm trọng không thể chấp nhận được.

TTXVN/Tin Tức
Nga cam kết bảo vệ người Kurd ở Syria
Nga cam kết bảo vệ người Kurd ở Syria

Nga cam kết bảo vệ người Kurd tại Syria nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tiến hành chiến dịch trên bộ ở Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN