Trung Quốc vắt óc vừa lo đối phó THAAD Hàn Quốc, vừa xử lý Triều Tiên

Trong khi Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường áp lực với Hàn Quốc xung quanh việc nước này triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ thì quan hệ với Triều Tiên cũng không êm đẹp.

Ồ ạt trút giận vào Hàn Quốc


Trong khi giới truyền thông Trung Quốc kêu gọi người dân tẩy chay hàng Hàn Quốc, dọa trả đũa quân sự, ngoại giao thì chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm công dân du lịch Hàn Quốc.

Trung Quốc một lúc phải lo cả hai vấn đề Hàn Quốc, Triều Tiên.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh hôm 2/3, Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu đàm phán ở Seoul để chốt các chi tiết triển khai THAAD. Cả hai nước tuyên bố mục đích của THAAD là để bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa ngày càng tăng từ hạt nhân, tên lửa Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối THAAD mạnh mẽ và cho rằng đây là nỗ lực của Mỹ nhằm bao vây Trung Quốc.


Từ khi Hàn Quốc mới chỉ đồng ý cho Mỹ đặt hệ thống THAAD trên lãnh thổ hồi tháng 7/2016, Trung Quốc đã phản ứng giận dữ và ngày càng thể hiện rõ thái độ khi kế hoạch triển khai THAAD đang ở giai đoạn cuối trong mấy ngày qua.


Tướng Trung Quốc nghỉ hưu Luo Yuan đã đề xuất một loạt biện pháp trả đũa cứng rắn trong một bài báo đăng ngày 2/3 trên Thời báo Hoàn cầu, thậm chí có cả đề xuất tấn công quân sự vào hệ thống tên lửa này, làm hệ thống tê liệt và không thể đáp trả.


Bài viết có đoạn: “Vì Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc chọn cách không tôn trọng quan ngại an ninh lớn của Trung Quốc, chúng ta không cần phải là quý ông trong mọi chuyện. Chúng ta không được làm suy yếu lợi ích an ninh vì tôn trọng lợi ích an ninh của người khác”.


Tờ Nhân dân nhật báo tuần này còn gợi ý Trung Quốc tạm thời cắt quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, cân nhắc phối hợp với Nga để đối phó với “mạng lưới chống tên lửa Mỹ-Nhật-Hàn”.


Trung Quốc từng cho rằng THAAD sẽ đe dọa năng lực răn đe hạt nhân của mình và hệ thống radar mạnh của THAAD sẽ khiến Mỹ dễ dàng hơn nhiều trong phát hiện ra tên lửa Trung Quốc và sẽ giúp quân đội Mỹ có thêm nhiều thời gian đánh chặn.


Báo chí Trung Quốc cũng “xúi” người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm Hàn Quốc. Nếu vậy thì tập đoàn Lotte của Hàn Quốc sẽ là bên chịu trận đầu tiên vì chính tập đoàn này đã đổi đất cho chính phủ để đặt hệ thống THAAD. Lotte có cửa hàng, siêu thị khắp Trung Quốc. Nhiều nhóm đã tổ chức phản đối bên ngoài các chuỗi cửa hàng Lotte ở một số thành phố hôm 2/3.


Trang web phục vụ khách hàng Trung Quốc của Lotte đã bị tin tặc tấn công hôm 1/3. Hôm 2/3, một vụ tấn công mạng nữa đã đánh sập trang web của cửa hàng miễn thuế trong vài giờ. Một số công trình xây dựng của Lotte ở Trung Quốc cũng bị ngăn chặn với lý do chưa được kiểm tra phòng cháy.


Trong những tháng gần đây, các ngôi sao Hàn Quốc nổi tiếng đã không xin được thị thực để vào biểu diễn ở Trung Quốc. Các chương trình truyền hình Hàn Quốc đã bị chặn trên các trang web video Trung Quốc. Nhiều người ở Hàn Quốc cho rằng những hành động này là để trả đũa vụ THAAD, mặc dù Trung Quốc bác bỏ.


Theo các chuyên gia thương mại, Trung Quốc có thể ngần ngại khi áp đặt thêm các biện pháp kinh tế cực đoan hơn. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc nhưng Hàn Quốc cũng là đối tác lớn thứ tư của Trung Quốc. Trong bối cảnh kinh tế trì trệ hiện nay, làm tổn hại các quan hệ này không phải là điều Trung Quốc muốn.


Toan tính của các bên


Hiện chưa có ngày cụ thể triển khai THAAD nhưng Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis muốn hệ thống được triển khai càng nhanh càng tốt.

Binh lính Hàn Quốc gác ở khu vực sẽ được triển khai THAAD.

Các chuyên gia quân sự cho biết Mỹ có thể sử dụng máy bay vận tải C-17 để nhanh chóng di chuyển các bộ phận THAAD tới Hàn Quốc như bệ phóng, bộ phận chắn, radar, bộ phận kiểm soát phóng, thiết bị phụ trợ…


Các chính trị gia Hàn Quốc Mỹ muốn hệ thống THAAD được triển khai vào giữa tháng 5 – thời điểm bầu cử tổng thống có thể được tổ chức ở Hàn Quốc. Tổng thống Park Geun-hye đang bị luận tội và chờ phán quyết của tòa xem có phải từ chức tổng thống hay không.


Phe đối lập cấp tiến Hàn Quốc được xem là có cơ hội lớn để giành chức tổng thống nếu bà Park buộc phải từ chức. Các chính trị gia đối lập thường hoài nghi về hệ thống THAAD. Một số người đã cáo buộc Mỹ muốn mau chóng triển khai THAAD để đảm bảo hoàn thành trước khi Hàn Quốc có tổng thống mới.


Các thành viên của đảng đối lập lớn nhất Hàn Quốc, đảng Dân chủ, đã thăm Trung Quốc hai lần từ tháng 8 năm ngoái. Tháng 1, trong một diễn biến bất thường, một phái đoàn từ đảng này đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.


Theo phó giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Cheng Xiaohe, Trung Quốc hi vọng có thể thuyết phục tổng thống kế tiếp của Hàn Quốc từ chối THAAD. Ông nói: “Giờ Trung Quốc sợ THAAD sẽ được triển khai trước khi Hàn Quốc có tổng thống mới”.


Cơn đau đầu thứ hai


Trong khi Trung Quốc đang trút mọi cơn giận lên đầu Hàn Quốc, nước này cũng đang ở thế kẹt với Triều Tiên. Một nhà ngoại giao Triều Tiên tên là Ri Kil-song đã tới Bắc Kinh từ 28/2 để đàm phán 5 ngày. Đây là nỗ lực của Triều Tiên nhằm hướng tới Trung Quốc – một nhân tố quan trọng với chính trị và kinh tế Triều Tiên.


Ông Ri và Ngoại trưởng Vương Nghị đã đưa ra những tuyên bố “xoa dịu” nhau về quan hệ hữu hảo truyền thống giữa hai nước. Tuy nhiên, mọi thứ đằng sau dường như không "xuôi chèo mát mái" như thế.


Tháng trước, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than của Triều Tiên trong cả năm. Đây là một động thái bất ngờ và dường như là phản ứng của Trung Quốc sau vụ công dân Triều Tiên Kim Chol, bị nghi là ông Kim Jong-nam (anh trai lãnh đạo Triều Tiên) bị sát hại ở Malaysia.


Phía Triều Tiên đã có phản ứng ngầm với Trung Quốc. Bản tin hãng thông tấn Triều Tiên KCNA phát ngày 23/2 đã ngầm chỉ trích “láng giềng thân thiện”. Triều Tiên cho rằng việc "láng giềng" này lên án vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên và đình chỉ nhập khẩu than đá của Triều Tiên là những hành động tương ứng với một nhà nước thù địch có cùng giọng điệu với Mỹ.


Theo hãng tin AP, mặc dù không trực tiếp nhắc đến tên "Trung Quốc", nhưng bản tin này đã ám chỉ đến một quốc gia láng giềng, vốn thường tự coi là nước láng giềng thân thiện của Bình Nhưỡng.


Về những sự kiện liên quan tới cả Hàn Quốc và Triều Tiên mà Trung Quốc phải đau đầu đối phó, giáo sư Cheng nhận định: “Hết việc này đến việc khác xảy ra. Không phải là chuyện tốt, toàn chuyện xấu”.


Thùy Dương (Tin Tức/TTXVN)
Du lịch Hàn Quốc hứng sao 'quả tạ' vì lệnh cấm của Trung Quốc
Du lịch Hàn Quốc hứng sao 'quả tạ' vì lệnh cấm của Trung Quốc

Ngành du lịch Hàn Quốc dự kiến chịu tác động mạnh vì lệnh cấm của Trung Quốc do phụ thuộc nhiều vào lượng du khách đến từ Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN