Những hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất thế giới - Kỳ cuối

Hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo Aegis

Hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo Aegis (ACS) là hệ thống vũ khí hải quân được triển khai di động trên biển, do Cơ quan Radar mặt đất và tên lửa của Mỹ phát triển và hiện Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Aegis được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa bằng tên lửa đánh chặn SM-3 và đánh chặn tên lửa tầm ngắn bằng tên lửa đánh chặn SM-2. Thế hệ tên lửa SM-3 được thiết kế dựa trên phiên bản SM-2, có tầm bắn khoảng 500 km với độ cao khoảng 160 km, sử dụng các radar, hệ thống máy tính hiện đại cùng với hệ thống định vị vệ tinh (GPS) để điều chỉnh và định hướng tiếp cận mục tiêu.


Trong biên chế hải quân Mỹ, hệ thống chiến đấu Aegis đã được trang bị trên các tàu tuần dương lớp Ticonderoga và tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Hơn 100 tàu chiến có trang bị hệ thống đánh chặn Aegis đã được triển khai cho hải quân của các quốc gia đồng minh là Hàn Quốc, Nhật Bản, Na Uy, Tây Ban Nha. Hải quân Australia cũng đã lựa chọn hệ thống này trang bị cho các tàu khu trục mới của mình.

Hệ thống điều khiển (AWS) – “trái tim” của ACS – bao gồm radar AN/SPY-1, hệ thống kiểm soát hỏa lực MK 99, hệ thống tên lửa chuẩn SM-2… ACS được điều khiển bởi một radar quét điện tử đa năng 3 chiều tự động phát hiện và định hướng, nó có thể theo dõi hơn 100 mục tiêu cùng một lúc ở cách xa 190km.

Hệ thống đánh chặn tên lửa Arrow


Hệ thống đánh chặn tên lửa Arrow do Tập đoàn hàng không vũ trụ Israel và hãng Boeing của Mỹ hợp tác sản xuất. Dự án Arrow ra đời vào năm 1986 và hiện nay chi phí phát triển được đồng minh thân cận của Israel là Mỹ tài trợ 50%. Hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow được thiết kế để đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật, đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và cả tên lửa đạn đạo liên lục địa ở độ cao lên tới 100 km.


Arrow đang được thiết kế với 3 cấu hình khác nhau, trong đó Arrow I được thiết kế để tiêu diệt các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật trong phạm vi 50km. Biến thể Arrow II được thiết kế để tiêu diệt các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa đạn đạo tầm trung trong phạm vi 100km. Còn Arrow III được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Sức mạnh của hệ thống đánh chặn Arrow là radar cảnh báo sớm EL/M-2080 AESA “Green Pine” Elta EL/M-2080. Đây là một loại radar quét mạng pha điện tử chủ động hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay. Radar này có thể phát hiện mục tiêu cỡ quả bóng goft ở khoảng cách 500km. Hệ thống kiểm soát chiến đấu Tree Citron giúp cho Arrow có thể kiểm soát việc đánh cùng lúc 14 mục tiêu khác nhau. Thành phần thứ 3 của hệ thống là trung tâm kiểm soát khởi động Brown Hazelnut được đặt tại các vị trí phóng. Trung tâm này có thể đặt cách hệ thống điều khiển hỏa lực Tree Citron tới 300km, nó được trang bị hệ thống liên lạc vô tuyến cùng hệ thống liên kết dữ liệu tốc độ cao với trung tâm điều khiển và radar. Thiết kế này cho phép thiết lập một khu vực phòng thủ tên lửa trên quy mô lớn mà không cần phải đầu tư quá nhiều những hệ thống điều khiển riêng biệt.

Bệ phóng tên lửa đánh chặn Arrow được đặt trên khung gầm xe kéo chuyên dụng, mỗi bệ phóng được trang bị 6 tên lửa đánh chặn. Tên lửa được phóng ở vị trí thẳng đứng bằng phương pháp khởi động nóng. Bộ Quốc phòng Israel cho biết, hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow được thiết kế để bảo vệ Israel khỏi các tên lửa tầm xa mà Iran có thể sử dụng để tấn công nước này.

MEADS


Hệ thống tên lửa phòng không MEADS do các Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ cùng Tập đoàn MBDA của Đức và Italy hợp tác phát triển, trong đó Mỹ đóng góp 4,2 tỷ USD, chiếm 58% giá trị dự án. Còn lại, Đức đóng góp 25% và Italy góp 17%. Dự án chính thức được khởi động từ năm 2005.


Hệ thống MEADS cung cấp khả năng tác chiến vượt ra ngoài bầu khí quyển. Kết hợp các hệ thống radar, thông tin liên lạc đa quốc gia tạo nên một mạng lưới phòng không trên diện rộng, giúp các quốc gia trong chương trình đối phó hiệu quả với các mối đe dọa từ trên không như tên lửa chiến dịch - chiến thuật và tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của đối phương.

Cấu hình của hệ thống MEADS bao gồm xe phóng cơ động, trung tâm chỉ huy và kiểm soát hỏa lực thông minh BMC4I TOC, với cấu trúc kiểu trung tâm kết nối mạng dạng mở, cho phép kết nối nhiều hệ thống cảm biến khác nhau để tạo thành một hệ thống thống nhất. BMC4I TOC hoạt động theo nguyên tắc “plug-and-fight” (kết nối và chiến đấu) với các radar tìm kiếm mục tiêu đường biển, radar tìm kiếm mục tiêu đường không, radar điều khiển hỏa lực đa chức năng MFCR.

Tổng giám đốc của chương trình Gregory Kee cho biết “MEADS sẽ cung cấp khả năng vượt trội với sự linh hoạt chưa từng có so với các hệ thống hiện hành. Tầm bao quát 360 độ sẽ mang lại khả năng đối phó hiệu quả với máy bay chiến đấu, cách nhận thức tình huống và giải quyết các mối đe dọa từ mọi hướng”.

MEADS cho phép bảo vệ trên một diện tích rất rộng lớn mà không cần sử dụng nhiều nhân sự và trang thiết bị phòng không trong khi vẫn đảm bảo và duy trì năng lực tác chiến.

Hệ thống MEADS sẽ bổ sung và thay thế dần các hệ thống tên lửa đối không Patriot PAC-2/3 của Mỹ, hệ thống phòng không Nice Hercules của Italy, hệ thống phòng không Hawk của Đức. Về tổng kinh phí chi cho toàn bộ kế hoạch nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm và sản xuất, dự án này trị giá khoảng 19 tỷ USD.

Pantsir-S


Tổ hợp phòng không tầm ngắn Pantsir-S do Viện nghiên cứu thiết bị kỹ thuật KBP Tula của Nga nghiên cứu, chế tạo. Đây là tổ hợp phòng không tầm ngắn được đặt trên xe cơ động, tích hợp pháo và tên lửa phòng không.


Mỗi tổ hợp Pantsir-S bao gồm các bộ phận cấu thành chủ yếu là: Hệ thống cảm biến quang học - điện tử và hệ thống điều khiển hỏa lực; 2 bệ pháo phòng không tự động 30mm 2A72 tầm bắn 5km và 12 ống phóng tên lửa đối không 57E6-1, có thể phóng đồng loạt 12 quả hoặc phóng lần lượt.

Loại tên lửa phòng không này có vận tốc 1300m/s (tương đương Mach 4), tầm bắn 20km, trần bắn tối đa 15km. Tên lửa được dẫn đường bằng vô tuyến, cùng lúc có thể theo dõi và ngắm bắn đồng thời nhiều mục tiêu. Mỗi tổ hợp Pantsir-S còn có 2 loạt tên lửa dự trữ, ngoài ra còn có thể sử dụng xe vận tải tên lửa đi kèm các tổ hợp.

Hệ thống Pantsir-S được triển khai trên khung gầm xe tác chiến kiểu bánh lốp, còn phiên bản xuất khẩu của nó là Pantsir-S1 có thể được lắp đặt trên khung gầm xe bánh xích. Hệ thống có khả năng tự hành rất cao, khả năng tích hợp các hệ thống trên một khung gầm đã nâng cao rất mạnh khả năng cơ động, tính năng việt dã, dễ triển khai, thu hồi và thao tác.


KBP Tula khẳng định đây là hệ thống phòng không được nghiên cứu, chế tạo với mục đích bảo vệ các mục tiêu trọng điểm như hệ thống phòng không S-400, các công trình quan trọng…, chuyên dùng đối phó với các mục tiêu bay tầm thấp, có thể bắn hạ máy bay phản lực bay thấp, máy bay trực thăng, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và các loại tên lửa chiến thuật.

Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định trong vài năm tới sẽ trang bị 100 tổ hợp Pantsir-S cho lực lượng phòng thủ không gian vũ trụ (ASD) của mình, phiên bản xuất khẩu của nó là Pantsir-S1 cũng đã được bán cho Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE), Syria và Algeria. Nga cũng đã ký hợp đồng bán 50 tổ hợp phòng không tầm ngắn này cho Iraq với giá 4,2 tỷ USD.

S-500

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 là phiên bản chất lượng cao của hệ thống S-400. S-500 có khả năng cùng lúc đánh chặn 10 quả tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 3500 km. Riêng về độ cao và vận tốc đánh chặn thì S-500 đứng đầu thế giới. S-500 có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay cao tới 200km, với vận tốc 7km/s. Ngoài ra S-500 còn có khả năng đánh chặn tất cả các loại tên lửa đạn đạo tầm trung, tầm ngắn cấp chiến dịch, chiến thuật, tên lửa hành trình siêu âm.


Thời gian triển khai chiến đấu của hệ thống S-500 chỉ mất thời gian 3-4 giây để bắn tiếp mục tiêu khác. Hệ thống radar sục sạo và điều khiển hỏa lực của radar S-500 được xây dựng trên nòng cốt là radar mạng pha chủ động X-Band, có phạm vi phủ sóng và sục sạo đạt tới 800-1000km.

Với tính năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm cao, tầm xa siêu việt của mình, S-500 đã làm lu mờ cả 3 hệ thống tên lửa lưỡng dụng phòng không và phòng thủ tên lửa Patriot-3, hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất là THAAD và hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis (bao gồm cả SM-3 và SM-2). 3 hệ thống này chính là cái ô 3 tầng, phòng thủ tên lửa tầm thấp, trung, cao cho Mỹ.

Như vậy, tính năng của S-500 tích hợp được tất cả những ưu điểm mà cả PAC-3, Aegis, THAAD của Mỹ và cả hệ thống Arrow của Israel chưa thể đạt được. Tuy nhiên, S-500 tiếp tục phải trì hoãn kế hoạch phát triển. Hệ thống này sẽ phải hoãn lại 2 năm so với dự kiến ban đầu, và việc thử nghiệm phiên bản mới này có thể diễn ra vào năm 2017 thay vì 2015 như dự kiến. Phần lớn lý do của sự chậm chễ này là do hệ thống sử dụng quá nhiều công nghệ mới.

Boeing YAL -1

Việc phát minh và chế tạo YAL-1 nhằm đáp ứng theo yêu cầu của chương trình hiện đại hóa các hệ thống vũ khí của quân đội Mỹ trong thế kỷ 21. Sự ra đời của YAL-1 đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của ngành khoa học quân sự tiên tiến, có khả năng tiêu diệt mục tiêu một cách nhanh chóng và có độ chính xác gần như tuyệt đối, YAL-1 sẵn sàng bám theo tên lửa của đối phương và phá hủy chúng ngay trên không. Với khả năng này, Mỹ có thể tiết kiệm một khoản ngân sách cực lớn, thay vì phải mua sắm hàng loạt các tên lửa đánh chặn.


YAL-1 là loại vũ khí laser năng lượng cao hay còn được gọi là hệ thống vũ khí laser đường không (Airborne Laser-ABL). YAL-1 do Tập đoàn Boeing của Mỹ nghiên cứu và chế tạo với tư cách là nhà thầu chính, còn Lockheed Martin và Northrop Grumman làm các nhà thầu phụ.

Bắt đầu từ năm 1992, quân đội Mỹ đã giao cho Tập đoàn Boeing và Lockheed Martin nghiên cứu và thử nghiệm về việc lắp đặt hệ thống YAL-1 trên loại máy bay nào cho phù hợp. Sau khi thử nghiệm và lựa chọn, YAL-1 được lắp đặt chuyên dụng trên chiếc Boeing 747-400F. Máy phóng ra tia laser được gắn trên một tháp pháo ở đầu máy bay, các thiết bị hồng ngoại và thiết bị laser hỗ trợ bắn được gắn trên lưng của máy bay.

YAL-1 có khả năng tiêu diệt các tên lửa đạn đạo chiến thuật, như loại tên lửa Scud ngay sau khi chúng rời bệ phóng. YAL-1 phóng ra một luồng ánh sáng có năng lượng cao (laser) chiếu vào tên lửa đang bay trên không trung, tia sáng này sẽ đốt nóng tên lửa và khiến tên lửa phát nổ trước khi chúng lao vào mục tiêu. Toàn bộ quá trình tiêu diệt một tên lửa chỉ mất khoảng từ 10-12 giây.

YAL-1 sử dụng nhiên liệu hóa học để tạo ra tia laser năng lượng cao. Mỗi máy bay Boeing 747-400F có thể mang đủ nhiên liệu phục vụ cho 20 phát bắn năng lượng cao hoặc 40 phát bắn năng lượng thấp chống lại các tên lửa đạn đạo chiến thuật với lớp vỏ mỏng và yếu hơn.

Hệ thống quét hồng ngoại bằng các sensor của YAL-1 liên tục phát ra các tia tìm kiếm và cảnh báo mục tiêu. Khi các sensor phát hiện dấu hiệu mục tiêu tên lửa, một hệ thống chùm tia laser năng lượng yếu được phát ra để theo dõi hành trình của tên lửa, đo các số liệu về tên lửa, tốc độ di chuyển và tình trạng chuyển động của không khí.

Sau khi thu được các số liệu về mục tiêu, hệ thống máy tính của YAL-1 sẽ có chức năng xử lý và ra chỉ thị cho thiết bị bắn chuẩn bị các số liệu chuẩn để phát ra một chùm tia laser hướng tới mục tiêu, quá trình bắn tia laser năng lượng cao được kéo dài trong khoảng 5 giây. Toàn bộ quá trình từ khi các sensor phát hiện mục tiêu đến khi tiêu diệt mục tiêu mất khoảng 12 giây.  “YAL-1” được đánh giá là loại vũ khí laser năng lượng cao có khả năng tấn công vào một mục tiêu một cách nhanh chóng, chính xác, mạnh mẽ, tiết kiệm và hạn chế sự tiếp xúc của con người.


CT (Theo Realitypod)

Những hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất thế giới - Kỳ 1
Những hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất thế giới - Kỳ 1

Các cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ diễn ra chớp nhoáng và được quyết định bởi các loại vũ khí hiện đại trong đó có các tên lửa với sức hủy diệt lớn. Do vậy, sự thiếu vắng một hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả sẽ gây ra những tổn thất nặng nề đối với một quốc gia nếu bị tấn công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN