Bản cáo trạng tiết lộ gì về các nỗ lực đảo ngược bầu cử 2020 của ông Donald Trump?

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị cáo buộc hình sự liên quan đến những nỗ lực nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử 2020.

Chú thích ảnh
Người ủng hộ ông Donald Trump gây rối tại Điện Capitol ngày 6/1/2021. Ảnh: AP

Theo kênh RT (Nga), đại bồi thẩm đoàn liên bang ngày 1/8 theo giờ địa phương đã ra phán quyết buộc tội ông Trump về những nỗ lực nhằm lật ngược cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 trước đối thủ của đảng Dân chủ Joe Biden, trong đó có vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ vào tháng 1 năm đó.

Bản cáo trạng cũng liệt kê sáu đồng phạm giấu tên, bao gồm bốn luật sư, một quan chức bộ tư pháp và một nhà cố vấn chính trị.

Bản cáo trạng do công tố viên đặc biệt Jack Smith đưa ra đã buộc tội ông Trump rằng, bằng cách phổ biến những tuyên bố sai sự thật về chiến thắng của mình, chính trị gia này đã tạo ra” bầu không khí ngờ vực và tức giận dữ dội trên toàn quốc, đồng thời làm xói mòn niềm tin của công chúng vào việc điều hành cuộc bầu cử”.  

Trong vài giờ trước khi xảy ra vụ tấn công Điện Capitol, ông Trump đã lặp lại tuyên bố sai sự thật rằng đã có hơn 200.000 phiếu bầu bất hợp pháp ở Pennsylvania, mặc dù các quan chức Bộ Tư pháp khẳng định điều đó là thông tin sai lệch. 

Tại Michigan, ông Trump tuyên bố đã có một cuộc bỏ phiếu bất hợp pháp ở Detroit vào lúc nửa đêm trong cuộc bầu cử năm 2020, mặc dù Chủ tịch Hạ viện và Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện vào thời điểm đó đã bác bỏ điều này. 

Theo cáo trạng, trong một cuộc điện thoại vào buổi tối xảy ra cuộc bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ, Tổng thống Donald Trump khi đó đã từ chối yêu cầu của Cố vấn Nhà Trắng lúc bấy giờ là Pat Cipollone nhằm rút lại những phản đối của ông và cho phép Quốc hội chứng nhận kết quả bầu cử năm 2020.

Ngoài ra, các công tố viên còn cáo buộc ông Trump đã nhiều lần trì hoãn và từ chối đưa ra lời yêu cầu những kẻ bạo loạn ủng hộ ông rời Điện Capitol. Cuối cùng, chính trị gia này đã lên tiếng kêu gọi người biểu tình rút lui qua một video được phát vào 4h17 chiều ngày hôm đó. 

Bản cáo trạng cũng nhấn mạnh về việc cựu Tổng thống Donald Trump đặt cựu Phó Tổng thống Mike Pence vào tình thế nguy hiểm như thế nào trong ngày 6/1/2021. Trong một dòng tweet đăng lúc 2h24 chiều cùng ngày, ông Trump chỉ trích ông Pence vì đã từ chối can thiệp vào chứng nhận của Cử tri đoàn đối với ông Joe Biden. Ông Pence và các cố vấn của ông xác định điều đó là vi hiến nên không ủng hộ ông Trump. Sự việc đã khiến người biểu tình tìm cách tấn công phó tổng thống khi đó. Một phút sau khi ông Trump đăng tweet, Cơ quan Mật vụ Mỹ buộc phải sơ tán ông Pence đến nơi an toàn. 

Về phần mình, phát biểu sau thông tin ông Trump bị cáo buộc hình sự về nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử, ông Mike Pence nói: “Bản cáo trạng hôm nay là một lời nhắc nhở quan trọng: bất kỳ ai đặt mình lên trên Hiến pháp không bao giờ được làm Tổng thống mỹ. Vào ngày 6/1, cựu Tổng thống Trump đã yêu cầu tôi chọn giữa ông ấy và Hiến pháp. Tôi đã chọn Hiến pháp và tôi sẽ luôn như vậy". 

Mới đây, hôm 28/7, ông Trump đã bị truy tố về tội cố gắng “thay đổi, phá hủy, cắt xén hoặc che giấu bằng chứng”, xúi giục người khác và cố tình cất giữ tài liệu quốc phòng. Ông hiện đối mặt với 37 tội danh với cáo buộc sở hữu bất hợp pháp các tài liệu mật tại khu bất động sản Mar-a-Lago ở Florida.

Ông cũng bị truy tố tại tòa án quận Manhattan vào tháng 4 với 34 tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh liên quan đến cáo buộc trả tiền bịt miệng cho ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels.

Ông Trump đã không nhận tội đối với tất cả các cáo buộc trên cho đến nay. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo RT/CNN)
Niềm đam mê với món chân ếch tại châu Âu gây vấn đề nhức nhối ở Indonesia
Niềm đam mê với món chân ếch tại châu Âu gây vấn đề nhức nhối ở Indonesia

Món chân ếch khá phổ biến tại Pháp và Bỉ. Điều này khiến số lượng ếch tại Indonesia giảm nhanh chóng bởi giới kinh doanh chạy đua đáp ứng nhu cầu ở châu Âu, gây ra tác động tiềm tàng về môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN