Các vườn nho ở Australia chật vật tồn tại trong bối cảnh dư thừa rượu vang

Với 2 tỷ lít rượu vang bị tồn kho, nhiều nhà sản xuất rượu vang ở Australia hy vọng việc giải quyết thuế quan với Trung Quốc sẽ thúc đẩy thương mại. Đồng thời, “xứ sở chuột túi” cũng đang tìm kiếm thêm các thị trường tiềm năng sinh lời khác như Ấn Độ để không bị phụ thuộc quá nhiều Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Getty Images

Số lượng rượu vang trên khắp Australia hiện tại có thể đổ đầy 859 bể bơi có kích thước chuẩn Olympic. Chưa bao giờ, những người trồng nho tại quốc gia này lại chứng kiến một giai đoạn tàn khốc đến như thế!

Theo một báo cáo của ngân hàng đầu tư, 2 tỷ lít rượu Shiraz, Cabernet Sauvignon và các loại khác không bán được. Tình trạng này xuất hiện kể từ khi Trung Quốc -  nước mua rượu vang của Australia nhiều nhất thế giới - áp đặt thuế nhập khẩu trừng phạt vào năm 2020.

Giờ đây, mối quan hệ với Bắc Kinh đang được hàn gắn và một loạt lệnh trừng phạt đối với các mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác của Australia đã được Trung Quốc dỡ bỏ.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã nêu vấn đề thuế áp rượu vang với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại cuộc họp ASEAN ở Jakarta trong tháng này. Ông nói: “Xuất khẩu rượu vang là lợi ích của các nhà sản xuất rượu vang Australia, nhưng việc nhập khẩu rượu vang cũng có lợi cho Trung Quốc”.

Nhưng các nhà sản xuất rượu vang Australia tin rằng, ngay cả khi họ có thể bán rượu sang Trung Quốc một lần nữa, thương mại đã thay đổi vĩnh viễn. Họ lo ngại nhiều doanh nghiệp sẽ “chết yểu" cùng những cây nho.

“Thị trường đã sụp đổ. Điều đó có nghĩa là rất nhiều rượu vang đỏ không có nơi cập bến”, ông Alister Purbrick, Giám đốc điều hành công ty sản xuất rượu Tahbilk ở Nagambie, miền Bắc Victoria, cho biết.

Ngành rượu vang của Australia từ lâu đã là một trong những ngành xuất khẩu có thu nhập lớn nhất nước này, bên cạnh khai thác mỏ và hàng hóa. Ngành này đã tăng gấp ba lần quy mô kể từ những năm 1990. Sản lượng đạt khoảng 1,3 tỷ lít hàng năm vào năm 2022.

Cơ quan thương mại Wine Australia cho biết, có hơn 2.000 nhà máy rượu vang khắp Australia, tuyển dụng 164.000 người và tạo ra 25 tỷ USD hàng năm cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Wine Australia, giá trị xuất khẩu rượu vang đã giảm 10% tính đến tháng 6/2023, mức thấp nhất kể từ năm 2014.

Trước khi áp dụng thuế quan, xét về khía cạnh kinh tế, Trung Quốc cho đến nay là thị trường lớn nhất của rượu vang Australia.

Theo cơ quan thương mại Rượu và Nho Australia, Trung Quốc mang lại 1,2 tỷ USD cho ngành này, lớn gấp đôi giá trị từ Anh hay Mỹ - những thị trường xuất khẩu rượu vang lớn nhất tiếp theo của Australia.

Chú thích ảnh
Bà Nikki Palun cho biết việc ngừng hoạt động thương mại đột ngột là một “cú sốc” đối với ngành. Ảnh: Reuters

Bà Nikki Palun, một nhà sản xuất rượu vang có trụ sở tại Melbourne cho biết, việc loại bỏ hoàn toàn thuế quan sẽ là một “đặc ân" cho ngành đang gặp khó khăn này.

Từng xuất khẩu 200 container rượu vang mỗi năm sang Trung Quốc, bà Palun nhận định rằng, việc ngừng hoạt động thương mại đột ngột là “cú sốc” đối với một ngành đã trở nên phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia.

Một số nhà sản xuất rượu đã có thể chuyển nguồn cung sang các thị trường khác. Nhiều người đã tái tập trung vào thị trường nội địa nhưng lại bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa do COVID-19. Một số loại rượu đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc, chẳng hạn như Shiraz và Cabernet, lại khó bán ở nơi khác. Kết quả là một lượng rượu dư thừa đã bị tích trữ và tồn kho.

Ít ai kỳ vọng xuất khẩu rượu vang sang Trung Quốc sẽ trở lại mức trước năm 2020, ngay cả khi tranh chấp thương mại được giải quyết. Tiêu dùng của người Trung Quốc đã thay đổi theo xu hướng toàn cầu, khi người dân mua ít rượu hơn. Tiêu thụ rượu vang của nước này vào năm 2022 là 880 triệu lít, giảm 16% so với năm trước.

Chú thích ảnh
Một cửa hàng rượu ở Thượng Hải. Ảnh: EPA-EFE

Các nhà sản xuất rượu vang Australia phải đối mặt với con đường phục hồi chậm chạp, sau khi mất gần như toàn bộ thị phần tại Trung Quốc vào tay các đối thủ từ Chile, Argentina, Nam Phi và châu Âu. 

Bà Palun thậm chí còn hy vọng rằng việc quay trở lại 1/3 mức xuất khẩu trước khi Trung Quốc áp thuế trừng phạt trong vòng 5 năm cũng là một kết quả tốt rồi.

Nhiều nhà sản xuất rượu vang Australia cho biết họ đang xem Ấn Độ như một lựa chọn thay thế tiềm năng sinh lợi thay cho thị trường Trung Quốc trong tương lai. Tuy nhiên, điều đó lại phụ thuộc vào việc giảm thuế, thông qua cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do với Australia.

Theo các chuyên gia, Australia cần rút ra bài học khi quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu. 

Chắc chắn những người trồng nho và sản xuất rượu vang ở Australia sẽ có sự thay đổi lớn trong những năm tới.

Ông Tim Ford, Giám đốc điều hành của công ty rượu vang lớn nhất Australia là Treasure Wine Estates, cho biết: "Sẽ phải mất hai năm để giải quyết vấn đề này. Chúng ta cần phải bình tĩnh".

Ngọc Hưng/Báo Tin tức (Theo Financial Times)
Australia khiếu nại lên WTO việc Trung Quốc áp thuế cao rượu vang nhập khẩu
Australia khiếu nại lên WTO việc Trung Quốc áp thuế cao rượu vang nhập khẩu

Ngày 27/9, Australia đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) việc Trung Quốc áp thuế 218% đối với các nhà sản xuất rượu của nước này, cho rằng Bắc Kinh bỏ qua các quy tắc thương mại toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN