Hội đồng Y tế thế giới thông qua nghị quyết về tình hình y tế ở Palestine

Với 83 phiếu ủng hộ, 14 phiếu chống và 39 phiếu trắng, ngày 26/5, Hội đồng Y tế thế giới (WHA) đã thông qua một dự thảo nghị quyết về tình hình y tế ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem, và ở Cao nguyên Golan do Syria chiếm đóng.

Chú thích ảnh
Nhà cửa bị tàn phá sau loạt không kích của Israel xuống thành phố Khan Younis, Dải Gaza, ngày 19/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Tân Hoa xã, nghị quyết này đã đề xuất việc đảm bảo nguồn cung vaccine, thuốc men và thiết bị y tế đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tới vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng theo các quy định của luật nhân đạo quốc tế và các tiêu chuẩn, quy chuẩn của WHO. Văn kiện này cũng yêu cầu đảm bảo người dân tại đây được tiếp cận vaccine công bằng với giá cả hợp lý. Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại về cuộc xung đột nghiêm trọng kéo dài 11 ngày (từ 10/5 vừa qua) giữa Palestine-Israel và nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo sau xung đột, trong đó có vấn đề y tế. WHA là cơ quan ra quyết định cao nhất của WHO. 

Liên quan đến các hoạt động của Israel, ngày 26/5, Bộ Ngoại giao Đức đã chỉ trích các hoạt động xây dựng nhà định cư mà Berlin gọi là "bất hợp pháp" của Tel Aviv tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu với báo giới, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Christofer Burger cho biết việc xây dựng các khu định cư là sai lầm và không phù hợp với luật pháp quốc tế. Chính sách xây nhà định cư của Israel là rào cản đối với giải pháp hai nhà nước.

Hơn 600.000 người Israel sinh sống trong hơn 230 khu định cư được xây dựng từ sau khi Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ Palestine ở khu Bờ Tây năm 1967, bao gồm cả Đông Jerusalem mà người Palestine muốn lấy làm thủ đô của nhà nước tương lai.

Cùng ngày, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Thủ tướng Đức Angiela Merkel đã hội đàm trực tuyến về các vấn đề Trung Đông, trong đó đặc biệt lưu ý đến tình hình xung đột Israel - Palestine.

Tổng thống Ai Cập nhấn mạnh sự cần thiết sớm nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa hai bên. Về phần mình, Thủ tướng Đức đánh giá cao những nỗ lực hiệu quả của Ai Cập trong vai trò trung gian của lệnh ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza. 

Trong khi đó, Ai Cập và Mỹ cũng tuyên bố sẽ hợp tác cùng nhau để tăng cường ngừng bắn trên. Phát biểu tại Cairo trong chuyến công du Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh hai nước đang nỗ lực để người Israel và người Palestine chung sống hòa bình. Theo ông, Ai Cập là một đối tác hiệu quả trong việc hóa giải tình hình bạo lực mới nhất giữa Israel và người Palestine.

Cũng liên quan đến cuộc xung đột trong khu vực, trong buổi tiếp Ngoại trưởng Blinken trước đó, Quốc vương Abdullah II của Jordan cho biết nước này sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ các thánh địa Hồi giáo và Cơ đốc giáo ở Jerusalem, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo tồn nguyên trạng lịch sử và pháp lý của thành phố linh thiêng này. Ông lưu ý rằng thiếu một giải pháp chính trị đảm bảo các quyền công bằng và hợp pháp của người Palestine cũng như việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập theo các đường biên giới năm 1967 sẽ đẩy khu vực vào căng thẳng và bất ổn hơn.

Về phần mình, Ngoại trưởng Blinken cũng bày tỏ đánh giá cao vai trò then chốt của Jordan trong việc duy trì an ninh và ổn định trong khu vực.

Phương Hoa - Mạnh Hùng (TTXVN)
Hệ thống phòng thủ 'Vòm Sắt' vô tình bắn hạ thiết bị bay quân sự Israel
Hệ thống phòng thủ 'Vòm Sắt' vô tình bắn hạ thiết bị bay quân sự Israel

Bộ Quốc phòng Israel (IDF) cho biết hệ thống phòng thủ Vòm Sắt đã vô tình bắn trúng một thiết bị bay không người lái quân sự của nước này trong đợt giao tranh mới đây với các nhóm vũ trang Palestine. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN