Indonesia lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Dải Gaza

Ngày 1/11, Bộ Ngoại giao Indonesia thông báo sẽ sơ tán công dân nước này khỏi Dải Gaza mặc dù kế hoạch có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình thực địa.

Chú thích ảnh
Người mang hộ chiếu nước ngoài chuẩn bị rời khỏi Dải Gaza qua cửa khẩu Rafah ngày 1/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, bộ trên cho biết thêm hiện có 10 công dân nước này đang cư trú tại Dải Gaza, song chỉ 7 người thuộc hai gia đình có vợ hoặc chồng là người địa phương, sẵn sàng sơ tán. Ba người quyết định ở lại là tình nguyện viên của tổ chức nhân đạo Ủy ban cứu hộ khẩn cấp y tế (MER-C).

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Ngoại trưởng Retno Marsudi cho biết cách khả thi duy nhất để đưa các công dân Indonesia rời khỏi Dải Gaza là đi qua cửa khẩu Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập.

Theo bà Retno, để chuẩn bị cho đợt sơ tán công dân này, Bộ Ngoại giao Indonesia đã điều một nhóm cán bộ từ Đại sứ quán tại Cairo đến cửa khẩu Rafah.

Các quan chức Thái Lan cũng đã tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với phong trào Hamas tại Iran hồi tuần trước về số phận của 22 công dân nước này bị các tay súng Hamas bắt giữ làm con tin.

Phát biểu với báo giới tại Bangkok ngày 1/11, Trưởng đoàn đàm phán của Thái Lan Areepen Uttarasin cho biết các nhà đàm phán nước này đã gặp các quan chức của phong trào Hamas hôm 26/10 tại Tehran và phía Hamas cam kết các công dân Thái Lan sẽ được thả vào thời điểm thích hợp. 

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết chính phủ nước này đang nỗ lực để đưa công dân Thái Lan bị bắt làm con tin về nước và Ngoại trưởng Parnpree Bahiddha-Nukara đã tiến hành các cuộc hội đàm tại Qatar và Ai Cập trong tuần này. Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani cho biết quốc gia vùng Vịnh này đang thúc đẩy nỗ lực giải thoát các con tin bất chấp tình hình tại Dải Gaza.

Theo Thủ tướng Thái Lan, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu cuối ngày 1/11, ông Netanyahu khẳng định ông sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ các công dân Thái Lan bị bắt cóc cũng như giải thoát tất cả những người bị bắt cóc khác.

Hiện có khoảng 30.000 người Thái Lan đang làm việc tại Israel, trong đó chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột mới nhất đến nay, Thái Lan đã sơ tán trên 7.000 công dân về nước. 

Trong khi đó, ngày 2/11, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa cho biết bà sẽ gặp người đồng cấp Palestine trong chuyến thăm 2 ngày tới Israel và Jordan từ ngày 3/11 tới, đồng thời sẽ thông báo việc Tokyo sẵn sàng cung cấp viện trợ cho người Palestine. Ngoại trưởng Kamikawa dự kiến cũng sẽ gặp người đồng cấp Israel Eli Cohen trong khuôn khổ chuyến thăm này. 

Kể từ khi cuộc xung đột bùng phát giữa Hamas và Israel ngày 7/10 vừa qua, trên 10.000 người đã bị thiệt mạng. Liên hợp quốc (LHQ) và các tổ chức cứu trợ nhân đạo đã cảnh báo về tình hình nhân đạo thảm khốc tại Dải Gaza khi 2,4 triệu cư dân ở đây đang bị thiếu thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men.

Theo tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), bất chấp những nỗ lực sơ tán công dân nước ngoài và những người Palestine bị thương nặng đến Ai Cập mới đây, hiện vẫn còn trên 20.000 người bị thương đang mắc kẹt ở Dải Gaza. MSF kêu gọi lệnh ngừng bắn cũng như tiếp tục hoạt động sơ tán và cứu trợ nhân đạo.

Hữu Chiến - Trần Quyên (TTXVN)
Xung đột ở Gaza bộc lộ hạn chế của mối quan hệ kinh tế Israel - Trung Quốc
Xung đột ở Gaza bộc lộ hạn chế của mối quan hệ kinh tế Israel - Trung Quốc

Trong nhiều năm qua, Israel đã thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc, với trọng tâm là đổi mới, đồng thời thu hút đầu tư của Bắc Kinh, đặc biệt là vào cơ sở hạ tầng công cộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN