Mỹ chật vật tìm cách hạn chế phụ thuộc vào nam châm đất hiếm Trung Quốc để chế tạo vũ khí

Sau ba thập kỷ phi công nghiệp hóa hậu Chiến tranh Lạnh, việc xây dựng lại ngành này – chống lại ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc – là một cuộc chiến khó khăn, ngay cả khi có sự trợ giúp của Chính phủ Mỹ.

Chú thích ảnh
Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ tại căn cứ ở bang Texas. Loại máy bay hiện đại này cũng cần nam châm đất hiếm để hoạt động. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngành sản xuất vũ khí của Mỹ phụ thuộc vào những miếng kim loại rất nhỏ, một số chỉ bằng đồng xu, đó là nam châm đất hiếm. Nam châm đất hiếm cần thiết cho máy bay chiến đấu F-35, hệ thống dẫn đường cho tên lửa, phương tiện bay không người lái và cả tàu ngầm hạt nhân, theo tờ Wall Street Journal ngày 5/5.

Vấn đề đang đặt ra với Mỹ là: Trung Quốc sản xuất hầu hết nam châm đất hiếm trên thế giới, với 92% thị phần toàn cầu.

Giờ đây, Washington đang chi hàng trăm triệu USD và hỗ trợ thuế để vực dậy ngành sản xuất nam châm đất hiếm ở Mỹ. Một đạo luật của Mỹ năm 2018 đã hạn chế việc sử dụng nam châm sản xuất tại Trung Quốc trong thiết bị quân sự của Mỹ, thu hẹp danh sách các nhà cung cấp tiềm năng xuống còn một số ít ở Nhật Bản và phương Tây. Đến năm 2027, các hạn chế sẽ mở rộng tới nam châm được sản xuất ở bất kỳ đâu có chứa nguyên liệu được khai thác hoặc chế biến tại Trung Quốc, chiếm gần như toàn bộ nguồn cung toàn cầu hiện nay.

Trên thực tế, sau ba thập kỷ phi công nghiệp hóa hậu Chiến tranh Lạnh, việc xây dựng lại ngành này – chống lại ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc – là một cuộc chiến khó khăn, ngay cả khi có sự trợ giúp của Chính phủ Mỹ. Chỉ có một công ty ở Mỹ sản xuất loại nam châm đất hiếm. 

Anthony Di Stasio, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, cho biết: “Chúng tôi sẽ không thể chỉ cần phát động là đạt được điều mình muốn". Văn phòng do ông Stasio đứng đầu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đang đi sâu vào chuỗi cung ứng để đầu tư vào các bộ phận giúp quân đội nước này hoạt động hiệu quả, phần lớn những gì họ đầu tư vào là chế biến khoáng sản và sản xuất nam châm đất hiếm.

Bộ Quốc phòng Mỹ trong vài năm qua đã cam kết đầu tưhơn 450 triệu USD cho đất hiếm và nam châm đất hiếm. Trong khi đó, Bộ Năng lượng Mỹ cũng đang đưa ra các biện pháp khuyến khích riêng vì nam châm trên cũng rất quan trọng đối với xe điện.

Khoản tài trợ trên đang giúp một nhà sản xuất nam châm của Đức thành lập nhà máy đầu tiên ở Bắc Mỹ, được khởi công vào tháng 3 năm nay, hai thập kỷ sau khi nhà máy cuối cùng ở Mỹ đóng cửa. Cơ sở ở Sumter, Nam Carolina này sẽ mua đất hiếm tại địa phương. Những nguồn cung đó có thể đến từ các dự án khác đang nhận được tài trợ của Chính phủ Mỹ, chẳng hạn như các nhà máy chế biến sắp xây dựng ở California và Texas, lần lượt thuộc sở hữu của các công ty khai thác Mỹ và Australia.

Nhưng rào cản lớn nhất của họ là giá mặt hàng này từ Trung Quốc thấp. Một cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ vào năm 2022 cho thấy vị thế thống trị của Trung Quốc đã cho phép nước này định giá đủ thấp để khiến hoạt động sản xuất "không bền vững" đối với các đối thủ cạnh tranh.

Ở phương Tây, các mỏ và cơ sở chế biến đất hiếm phải đối mặt với nhiều quy định hơn. Ngoài ra, Mỹ cũng còn lại một số ít chuyên gia trong lĩnh vực này, đòi hỏi những giải pháp tốn kém như tuyển dụng nhân sự nước ngoài, đưa người Mỹ ra nước ngoài đào tạo và đầu tư vào tự động hóa.

Moshe Schwartz, thành viên cấp cao về chính sách mua sắm tại Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Quốc gia Mỹ, cho biết việc thúc đẩy các nhà thầu quốc phòng mua nam châm đắt tiền hơn được sản xuất tại Mỹ sẽ làm tăng chi phí và có tác động dây chuyền, có khả năng ảnh hưởng đến số lượng hệ thống phòng thủ như tàu ngầm và máy bay chiến đấu mà Bộ Quốc phòng Mỹ có thể mua. 

Chú thích ảnh
Tàu ngầm USS Annapolis lớp Los Angeles của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Các khoản đầu tư mới

Các nhà khoa học Mỹ đi đầu trong nghiên cứu nam châm đất hiếm vào những năm 1960. Vào cuối những năm 1980, Mỹ là một trong những nước sản xuất đất hiếm hàng đầu, chỉ đứng sau Nhật Bản. Các khoáng chất này được khai thác và chế biến ở California và được sản xuất thành nam châm ở vùng Trung Tây nước Mỹ và bán cho ngành công nghiệp ô tô, điện tử và quốc phòng.

Kể từ đó, Trung Quốc đã bước vào cuộc cạnh tranh. Sự bùng nổ khai thác đất hiếm của Trung Quốc cùng với chi phí lao động châu Á thấp hơn đã làm xói mòn lợi thế của Mỹ. Gần đây hơn, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng giai đoạn đại dịch COVID-19 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với Mỹ. Nguồn tài trợ trong thời kỳ đại dịch đã cho phép chính phủ Mỹ hỗ trợ Noveon Magnets có trụ sở tại Texas, một công ty khởi nghiệp đã bắt đầu sản xuất nam châm đất hiếm quy mô nhỏ vào năm 2018. Công ty đã nhận được khoảng 29 triệu USD để thúc đẩy sản xuất tại cơ sở ở San Marcos, Texas.

Nam châm đất hiếm chế tạo ở đó được sử dụng trong tên lửa hành trình, hệ thống phòng thủ tên lửa và máy bay trực thăng.

Khi căng thẳng thương mại với Trung Quốc gia tăng, Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 2020 đến năm 2022 đã công bố tài trợ 45 triệu USD cho MP Materials - công ty khai thác đất hiếm của Mỹ - để thiết lập các cơ sở chế biến loại khoáng sản này ở Mỹ. Cơ sở đầu tiên như vậy đã đi vào hoạt động vào năm ngoái. Công ty có kế hoạch bắt đầu sản xuất nam châm đất hiếm ở Texas vào năm tới.

Khoảng 250 triệu USD cũng được chuyển tới Lynas Rare Earths của Australia để xây dựng khu phức hợp xử lý đất hiếm ở Seadrift, Texas. Năm ngoái, Chính phủ Mỹ đã công bố gần 100 triệu USD cho công ty VAC của Đức để xây dựng cơ sở sản xuất nam châm đất hiếm ở Nam Carolina.

VAC đã tồn tại trong nhiều thập kỷ với tư cách là một trong số ít nhà sản xuất nam châm đất hiếm ở phương Tây và hiện có kế hoạch sản xuất hàng loạt nam châm tại cơ sở ở Mỹ. Họ đã cử công nhân Mỹ sang Đức đào tạo và sẽ tự động hóa để tiết kiệm chi phí. Nhưng các nam châm của hãng sẽ đắt hơn khoảng 50% so với nam châm của Trung Quốc tùy thuộc vào thông số kỹ thuật, các giám đốc điều hành cho biết.

Mặc dù vậy, các công ty đã gặp phải những thách thức bất ngờ. Ví dụ, sau khi một nhà sản xuất người Australia, công bố nhà máy ở Texas, một loạt bài đăng trực tuyến từ các tài khoản tự nhận là người dân địa phương lập luận rằng dự án sẽ tàn phá môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Gần đây hơn, giá đất hiếm giảm, một phần do việc mở rộng sản xuất của Trung Quốc, đã làm dấy lên mối lo ngại về các dự án mới. 

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo WSJ)
Mỹ điều chuyển tài sản quân sự ở Trung Đông do sự phản đối của một đồng minh ở vùng Vịnh
Mỹ điều chuyển tài sản quân sự ở Trung Đông do sự phản đối của một đồng minh ở vùng Vịnh

Lầu Năm Góc chuyển một số máy bay chiến đấu tới Qatar để xoa dịu lo ngại của một cường quốc vùng Vịnh về việc chọc giận Iran và các lực lượng thân Tehran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN