Mỹ khẳng định không viện trợ hàng sát thương cho Ukraine

Liên quan tới những diễn biến căng thẳng tại các tỉnh miền Đông Ukraine, Mỹ khẳng định không xem xét các khoản viện trợ hàng sát thương cho quốc gia Đông Âu này.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ và Ukraine ký thỏa thuận Washington cho Kiev vay 1 tỉ USD để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Ảnh: AFP - TTXVN


Phát biểu với báo giới ngày 14/4, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết Mỹ đang xem xét một loạt các cách thức để hỗ trợ cho Ukraine thông qua con đường ngoại giao và kinh tế. Theo ông Carney, Washington không tính tới việc viện trợ hàng sát thương cho Ukraine, song cũng đang cân nhắc các hình thức hỗ trợ khác.

Trước đó cùng ngày, nhằm hỗ trợ chính phủ tạm quyền tại Ukraine nhanh chóng phục hồi kinh tế, ngày 14/4, các quan chức tài chính Mỹ đã ký cam kết cho Ukraine vay 1 tỷ USD.

Phát biểu tại lễ ký kết ở Washington cùng người đồng cấp Oleksandr Shlapak trong chính phủ tạm quyền của Ukraine, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew tuyên bố khoản vay này sẽ được giải ngân ngay lập tức để giúp chính quyền Kiev đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu trong khi thực hiện các gói cải cách theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình cải cách đối với các hộ gia đình nghèo.

Trước đó, IMF cho biết đã đạt thỏa thuận ban đầu về chương trình bình ổn trị giá từ 14 đến 18 tỷ USD trong hai năm cho Ukraine để đổi lấy việc Kiev phải thực hiện gói các biện pháp ổn định kinh tế, trong đó có áp dụng tỷ giá mềm dẻo của đồng nội tệ, tăng dần giá khí đốt sinh hoạt, cải cách lương hưu và giảm chi phí công. Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước Ukraine đã áp dụng tỷ giá mềm dẻo, được xác định là tỷ giá trung bình vào thời điểm 14:00 hàng ngày giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, giá khí đốt sinh hoạt đã được tăng bước đầu lên khoảng 50% và mới đây, chính phủ đã thông qua dự luật về mua sắm công.

Theo Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde, Hội đồng điều hành IMF có kế hoạch phê chuẩn chương trình cứu trợ trên cho Ukraine vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau và bà không loại trừ khả năng một phần trong khoản giải ngân này sẽ được dùng để thanh toán nợ khí đốt cho Nga.

Nền kinh tế Ukraine hiện đang phải chống đỡ với nguy cơ phá sản khi ngân khố rỗng không, bất ổn liên miên đã làm đồng nội tệ bị mất giá gần 70% chỉ từ đầu năm 2014 đến nay, trong khi Nga bãi bỏ các ưu đãi trong cung cấp khí đốt và thúc ép thanh toán khoản nợ 2,2 tỷ USD. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Ukraine năm này sẽ giảm 3% và lạm phát ở mức 15%.


TTXVN/ Tin tức
Nga kêu gọi Mỹ ngăn chặn sử dụng vũ lực ở Ukraine
Nga kêu gọi Mỹ ngăn chặn sử dụng vũ lực ở Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi Tổng thống Mỹ Barak Obama sử dụng tối đa những khả năng mà Mỹ có để ngăn chặn việc sử dụng vũ lực và đổ máu ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN