Nga đang bí mật dàn xếp với phe đối lập Syria?

Một cuộc gặp gần đây giữa Đặc phái viên Tổng thống Nga về Trung Đông – Bắc Phi với thủ lĩnh đối lập tại Cairo khiến dư luận phải đồn đoán: Nga đang làm gì ở Syria bên cạnh chiến dịch không kích quân khủng bố?


Hôm 17/10, Đặc phái viên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov đã gặp Ahmad Al-Jarba, thủ lĩnh Liên minh dân tộc Syria (SNC)- lực lượng đối lập chủ chốt ở Syria. Kết quả phiên tiếp xúc không được công bố, nhưng giới quan sát nhận định, Nga dường như đang đóng vai trò là nhà trung gian cho các cuộc gặp giữa chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad với lực lượng đối lập ôn hòa, nhằm tạo lập một mặt trận thống nhất chống kẻ thù chung.

Ông Ahmad Al-Jarba, thủ lĩnh Liên minh dân tộc Syria (SNC). Ảnh: Reuters

Theo Vyacheslav Igrunov, Giám đốc Viện Nghiên cứu nhân đạo, chính trị (IHPS) tại Nga, Damascus hiện không thể bỏ qua lực lượng đối lập, cũng như không có ý định đánh bại lực lượng này. “Sẽ rất yếu thế khi phải mở cuộc chiến trên nhiều mặt trận tại cùng một thời điểm, trong khi đó giao tranh với quân đối lập sẽ gây khó khăn cho việc tạo dựng mặt trận thống nhất chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng”, ông Igrunov nói. Chuyên gia người Nga cũng nhìn nhận quân đối lập còn nhận được sự hậu thuẫn từ Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và vì thế mức giá xung đột mà Damascus phải trả sẽ còn cao hơn nếu theo đuổi ý định đánh bại lực lượng này. Trong tình huống như vậy, tốt nhất là phải hợp sức lại. Nhưng để làm được điều đó, trước hết cần có được sự thỏa thuận về địa vị của lực lượng đối lập – đó là điều mà Moskva sẵn sàng làm dưới góc độ là người trung gian.

Trên thực tế, giới chức ngoại giao Nga đã tiến hành nhiều phiên tiếp xúc với đại diện lực lượng đối lập tại Syria theo nhiều thể thức khác nhau. Leonid Syukiyainen, giáo sư tại Đại học Kinh tế Moskva, chuyên gia về luật Hồi giáo bình luận: Điều duy nhất biến chuyển là cục diện trên chiến trường Syria. Thế nhưng mục đích cuối cùng thì vẫn vậy – thiết lập kênh đối thoại. Điểm bế tắc hiện nay là nhận thức chung về lực lượng đối lập. Nga và phương Tây có thể dễ dàng đồng thuận về IS, thế nhưng lại chưa thể đi tới điểm đồng về các nhóm đối lập chống chính quyền ở Syria. Cuộc gặp tại Cairo vì thế nhiều khả năng đề cập đến nội dung này.

"Nỗ lực của Nga can dự với các thủ lĩnh đối lập Syria trong tiến trình hòa bình đã được thúc đẩy từ trước. “Từ đầu năm 2015, Moskva đã thực hiện hai phiên tham vấn với phe đối lập. Một phiên diễn ra hồi tháng 4, với nội dung là cương lĩnh 8 điểm do Nga đề xuất nhằm đưa Syria thoái khỏi khủng hoảng. Trong số này có yêu cầu các bên liên quan chấm dứt mọi hành động dung dưỡng, bảo trợ quân khủng bố, giải phóng các vùng lãnh thổ bị quân khủng bố chiếm đóng. Tuyên bố này đã được phe đối lập Syria đồng thuận”, Andrei Fedorchenko, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moskva cho biết.

“Mọi diễn biến vừa qua đều nhằm hướng đến việc tạo lập một liên minh chống khủng bố rộng rãi, có sự tham dự của nhiều 'người chơi' bên ngoài cùng các lực lượng bên trong Syria. Tuy nhiên ý tưởng này có thành hiện thực hay không thì vẫn còn là câu hỏi để ngỏ… Thực tế, phe đối lập Syria không thể chống lại người tài trợ chính của mình – Saudi Arabia. Cho đến nay Riyadh vẫn chưa sẵn lòng thỏa hiệp với chính quyền ông Assad. Không có Saudi Arabia, Nga không thể thành công. Vì thế, sẽ còn nhiều phiên đàm phán gai góc phía trước”, ông Igrunov chia sẻ.
Hoài Thanh (Theo RBTH)
Ông Assad thăm Nga: Lộ diện giải pháp chính trị tại Syria
Ông Assad thăm Nga: Lộ diện giải pháp chính trị tại Syria

Việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad bất ngờ thăm Nga hôm 20/10 dường như là một dấu hiệu cho thấy Moskva đang nỗ lực thúc đẩy một thời kì chuyển tiếp chính trị ở Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN