Người dân Nhật Bản bận rộn chuẩn bị tiễn năm cũ, đón Năm mới 2024

Ngày cuối cùng của năm 2023, người dân Nhật Bản bận rộn chuẩn bị bữa cơm gia đình tiễn năm cũ và chào đón Năm mới. Đây cũng là thời điểm các siêu thị của Nhật Bản tăng cường nhiều mặt hàng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm dịp cuối năm.

Chú thích ảnh
Người dân Nhật Bản bận rộn mua sắm dịp cuối năm. 

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngay từ đầu giờ sáng, hầu hết các siêu thị tại thủ đô Tokyo đều có rất đông người mua sắm, đặc biệt là lương thực - thực phẩm. Tại quầy thực phẩm tươi sống, các khay Sushi lớn là mặt hàng bán chạy nhất vì tính tiện dụng và lịch sự của món ăn này. Sushi là món ăn truyền thống của người Nhật Bản, được làm từ cơm trộn giấm kết hợp với các loại cá, hải sản và rau củ quả tươi. Người dân Nhật Bản thường ăn món Sushi trong bữa cơm tất niên cùng cả gia đình hoặc làm quà khi tham dự các buổi tiệc tất nhiên. Theo một nhân viên siêu thị tại Nhật Bản, vào các ngày cuối năm, lượng Sushi tiêu thụ có thể gấp 4 đến 5 lần so với các ngày thường.

Cua tuyết, một đặc sản của các tỉnh ven biển phía Đông Nhật Bản, cũng rất được nhiều người dân nước này ưa chuộng, nhất là vào dịp Năm Mới. Cua tuyết ở biển Nhật Bản trong tiếng Nhật là SUWAE, có nghĩa là cành cây non và mảnh mai, gần giống với hình dáng bề ngoài của loài cua này. Cua tuyết thường sống ở các vùng biển sâu trải dài từ vùng Sanin đến vùng Hokuriku của biển Nhật Bản và các khu vực Alaska hay vùng biển phía Bắc của Nga. Năm nay là lần đầu tiên sau 3 năm Chính phủ Nhật Bản cho phép tăng hạn ngạch đánh bắt cua tuyết lên 3.400 tấn, tăng 21% so với giai đoạn trước. Kết quả tích cực này có được nhờ nỗ lực của chính quyền các địa phương trong quản lý nguồn tài nguyên biển sau khi số lượng loài cua này giảm mạnh do tác động của biến đổi môi trường sinh sống. Do đó, dịp Năm Mới 2024, người dân Nhật Bản có thể thưởng thức món ngon này với nguồn cung dồi dào và giá cả cũng phải chăng hơn.

Chú thích ảnh
Quầy bán Sushi tại các siêu thị luôn đầy ắp các lựa chọn.

Một món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp này của người Nhật Bản là bánh Mochi, một loại bánh nếp được giã nhuyễn, có vị gần giống bánh dày của Việt Nam. Người Nhật Bản có phong tục dâng bánh lên các đấng thần linh, còn gọi là KAGAMI MOCHI với hai chiếc bánh tròn xếp chống lên nhau giống như chiếc hồ lô, được đặt ở bàn thờ gia tiên của các gia đình. Tuy nhiên, việc ăn bánh Mochi vào dịp tết sao cho an toàn cũng là vấn đề được các cơ quan chức năng Nhật Bản khuyến cáo nhiều nhất. Vì vậy, trước và trong kỳ nghỉ lễ, các chương trình truyền hình của Nhật Bản đều phát những hướng dẫn cho người dân nên ăn bánh bằng cách cắt thành miếng nhỏ, nhai kỹ và chậm trước khi nuốt, đề phòng trường hợp gặp sự cố mắc nghẹn, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ.

Cùng với việc chuẩn bị bữa cơm tất niên, các gia đình tại Nhật Bản cũng tất bật tiến hành dọn dẹp và trang trí nhà cửa. Thời điểm này, rất dễ cảm nhận được không khí Năm Mới qua hình ảnh “Cổng thông” (tiếng Nhật là KADOMATSU) đặt trước cửa nhà hoặc trước trụ sở công ty. “Cổng thông” được làm từ nguyên liệu chính là cành thông và ống tre. Theo quan niệm của người Nhật, cây thông tượng trưng cho sức sống bất diệt dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu vẫn sinh trưởng tốt, còn cây tre tượng trưng cho ý chí vươn lên mạnh mẽ, tương tự “tinh thần Samurai” của người Nhật từ nhiều đời nay và cũng có ý nghĩa xua đuổi những điều không may mắn.

Một năm 2023 đầy khó khăn sắp trôi qua và người dân đất nước "Mặt Trời mọc" đang háo hức chào đón năm mới 2024 với nhiều kỳ vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn, may mắn và nhiều sức khỏe đến với bản thân và những người thân trong gia đình.

Phạm Tuân (TTXVN)
Quốc gia nào đón Năm mới 2024 sớm nhất?
Quốc gia nào đón Năm mới 2024 sớm nhất?

Thời khắc đếm ngược tạm biệt năm 2023 và chào đón Năm mới 2024 sắp sửa diễn ra! Vậy quốc gia nào có may mắn bước sang năm 2024 sớm nhất thế giới?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN