Sau nhiều năm tranh cãi, Thái Lan quyết định triển khai dự án tàu cao tốc

Sau nhiều năm trì hoãn và tranh cãi, cuối cùng Chính phủ Thái Lan đã quyết định thi công tuyến đường sắt tàu cao tốc tương tự như Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Thái Lan dự kiến vận hành tàu cao tốc từ năm 2023. Ảnh: Nikkei Assia Review

Kênh CNN (Mỹ) cho biết tại Thái Lan vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn liệu tuyến đường sắt tàu cao tốc (HSR) có thực sự cần thiết cho quốc gia này.

Cố vấn của Ủy ban giao thông Thượng viện Thái Lan, ông Thanet Sorat, nhận định: “Đây sẽ là thay đổi lớn đối với Thái Lan”. Ông Sorat hy vọng trong 5 năm tới, tàu cao tốc 250km/h sẽ đi vào vận hành tại Thái Lan.

Ga tàu tại quận Bang Sue ở thủ đô Bangkok, dự kiến mở cửa năm 2021, được kỳ vọng sẽ thay thế cho ga Hualamphong nổi tiếng nay đã 103 tuổi. Ga tàu mới sẽ vận hành cả HSR và tuyến đường sắt hiện nay của Thái Lan.

Ngày 24/10, tập đoàn Charoen Pokphand (CP) của Thái Lan đã ký hợp đồng với công ty đường sắt quốc gia xây dựng HSR nối giữa Bangkok và hai sân bay Suvarnabh umi cùng Don Mueang tới sân bay U-Tapao.

Chính phủ Thái Lan dự định chuyển 10% chuyến bay từ 2 sân bay Suvarnabhumi và Don Mueang tại Bangkok đến U-Tapao để giảm bớt lưu lượng. Ông Jittichai Rudjanakanoknad tại Đại học Chulalongkorn cho biết: “Để thực hiện điều này, họ cần có đường kết nối giao thông giữa các sân bay và đó là cơ hội tốt cho HSR”.

HSR này sẽ vận hành bổ trợ cho tuyến đường sắt nối sân bay Suvarnabhumi với hệ thống tàu hỏa Bangkok hiện hành. Hiện tại việc di chuyển giữa Suvarnabhumi và Don Mueang bằng xe buýt có thể kéo dài hơn một tiếng đồng hồ do tắc đường tại Bangkok.

Mục đích của việc thi công dự án còn là giúp tiếp cận dễ hơn với Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) vốn chiếm 80% đầu tư nước ngoài tại Thái Lan.

Tuyến đường theo kế hoạch sẽ khởi hành từ Don Mueang sau đó qua Bang Sue và dừng lại tại Makkasan ở trung tâm Bangkok rồi hướng đến Chachoengsao, Chonburi, Sriracha và Pattaya. HSR này sẽ đi vào hoạt động từ 2024, tuyến đường dài 220 km có điểm cuối tại sân bay U-Tapao tỉnh Rayong. Tập đoàn Charoen Pokphand sẽ đầu tư 224 tỷ baht và nhận giấy phép 50 năm vận hành hệ thống này.

Nhóm ủng hộ cho rằng HSR sẽ giúp giảm thời gian di chuyển giữa hai sân bay của Bangkok chỉ còn 20 phút và từ thủ đô đến địa điểm du lịch nổi tiếng Pattaya trong chưa đầy một tiếng đồng hồ. Họ còn dự đoán rằng tuyến đường ray góp phần giảm lưu lượng trên đường cao tốc và tai nạn đường bộ.

Ngoài HSR nối 3 sân bay thì tuyến HSR chính của Thái Lan dự kiến hoạt động từ năm 2023 và đang trong quá trình thi công tại tỉnh Đông Bắc Nakhon Ratchasima (còn có tên là Khorat). Khởi hành từ Bang Sue, tuyến HSR 252 km này sẽ qua sân bay Don Mueang, cố đô Ayutthaya và dừng lại tại Khorat. Tuyến HSR Khorat gây nhiều tranh cãi hơn tuyến 3 sân bay bởi chi phí đầu tư lên tới 179 tỷ baht từ ngân sách.

Phe không ủng hộ cho rằng phía Đông Bắc Thái Lan không phát triển mạnh về du lịch. Tờ The Diplomat từng dẫn lời bà Pechnipa Dominique Lam tại Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan ước tính tuyến HSR Khorat cần phải đón 50.000-85.000 hành khách mỗi ngày trong vòng 20 năm để hồi lại số vốn bỏ ra. Trong khi đó, Bộ Giao thông Thái Lan ước tính sẽ chỉ có 5.000-25.000 khách sử dụng tuyến HSR Khorat.

Tuy nhiên, tình hình giao thông công cộng tại Thái Lan hiện không có nhiều khởi sắc. Cả tuyến đường sắt và xe buýt vận hành từ lâu nhưng đang lỗ do hành khách thuyên giảm theo năm. Trong khi đó, hãng hàng không nhà nước THAI Airways cũng điêu đứng khi phải cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ như Air Asia và Nok Air.

Ngoài ra, các nhà chỉ trích cũng quan ngại liệu người Thái Lan có thể chi trả nổi chi phí khi sử dụng HSR khi mức lương tối thiểu tại đây chỉ là 300 baht (khoảng 230.000 đồng)/ngày.

Mặc dù nhiều người dân thuộc tầng lớp trung lưu Thái Lan có thể chi trả cho mức 330 baht/vé tàu cao tốc từ Bangkok tới U-Tapao và 500 baht/vé tới Khorat nhưng nhiều khả năng họ vẫn lựa chọn xe ô tô riêng để di chuyển hoặc xe khách chỉ có giá bằng 1/4.

Ông Jittichai Rudjanakanoknad tại Đại học Chulalongkorn ủng hộ HSR và cho rằng phương tiện này sẽ có tiềm năng phát triển nếu hệ thống đường sắt cao tốc của Thái Lan có thể kết nối với Trung Quốc, Singapore hoặc thậm chí Trung Á và châu Âu.

Chính vì vậy, Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc HSR bổ sung từ Bangkok tới Nakhon Sawan, Phitsanulok và Chiang Mai; bên cạnh đó là HSR qua Hua Hin, Surat Thani và Hat Yai cùng HSR từ Rayong tới Chanthaburi và Trat gần biên giới Campuchia.

Hà Linh/Báo Tin tức
Một thư ký tòa án Thái Lan bị buộc tội giết người trong vụ nổ súng tại phiên tòa
Một thư ký tòa án Thái Lan bị buộc tội giết người trong vụ nổ súng tại phiên tòa

Cảnh sát Thái Lan ngày 14/11 đã buộc tội giết người đối với một thư ký tòa án sau khi xảy ra vụ nổ súng gây chết người tại môt phiên tòa ở tỉnh Chanthaburi cách đây hai ngày. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN