"Tận thấy" bước đột phá về sức mạnh quân sự Nga ở Syria

Chiến dịch không kích quân khủng bố của Nga tại Syria, can dự lần đầu tiên của Moskva bên ngoài không gian hậu Xô Viết kể từ sau cuộc chiến ở Afghanistan, đã cho thấy sức mạnh mới của quân đội Nga.


Đáng lưu ý, nó thể hiện những khác biệt lớn cả về tiềm lực và tư duy so với thời kì Liên Xô. Quân đội Nga giờ có khả năng nhanh chóng thi triển các đòn đánh vượt ngoài biên giới lãnh thổ, sử dụng cả máy bay không người lái, vũ khí chính xác cùng với đó là giành sự quan tâm nhiều hơn tới sự tới đời sống của binh sĩ, nhân viên, chuyên gia kỹ thuật tham chiến trên chiến trường.

Nhân viên kĩ thuật làm nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng máy bay chiến đấu tại căn cứ Hemeimeem. Ảnh: AP

Tuần qua, một nhóm các nhà báo quốc tế đã được phép thị sát tại căn cứ không quân Hemeimeem ở tỉnh Latakia, Syria. Tại đây, họ được tận mắt chứng kiến màn cất cánh của hàng loạt cường kích Su-24 thực hiện nhiệm vụ ném bom các mục tiêu ban đêm. Màn "trình diễn" này dường như là điều không thể vài năm trước đây, vì không quân Nga có rất ít máy bay có khả năng ném bom đêm. Nhờ chương trình hiện đại hóa quân đội do Tổng thống Vladimir Putin khởi xướng, không quân Nga đã tiếp nhận hàng trăm máy bay mới, hiện đại, tất cả đều được trang bị các hệ thống điện tử tối tân, ngang bằng với các chủng loại chiến đấu cơ khác của Mỹ và NATO.

“Tất cả các máy bay ở căn cứ này đều được trang bị các hệ thống định vị mục tiêu cho phép không kích với độ chính xác cao”, Thiếu tướng Igor Konashenkov bày tỏ với cánh nhà báo, đồng thời bác bỏ những cáo buộc của phe đối lập Syria nói rằng nhiều dân thường bị thiệt mạng trong chiến dịch quân sự của Nga. Khả năng đánh đòn chính xác như vậy là điều không xuất hiện trong chiến dịch diệt trừ quân khủng bố ở Chechnya, “chiến trường” Nga sử dụng các loại vũ khí lạc hậu, thiếu độ chuẩn xác, khiến thủ phủ Grozny gần như bị xới tung.

Từ xa, các binh sĩ, chuyên viên kĩ thuật ai trông cũng có vẻ tự hào trong bộ quân phục mẫu mới với sắc màu lạ, cùng với đôi giày cao cổ màu cát – một sự tương phản với mẫu quần áo, trang phục trước đây. Và điều này dường như cũng nói lên một điểm khác biệt nữa: Những người hoạch định chiến lược ở Hemeimeem quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống, hay nói cách là mức độ “thoải mái, hài lòng” của binh sĩ.

Tại căn cứ này, có hàng dãy nhà được thiết kế gọn gàng, mỗi căn phòng đủ sức chứa từ 2-8 người, tùy theo cấp bậc quân hàm. Phòng được trang bị điều hòa, điều cần có tại nơi nóng cháy da cháy thịt; cùng với đó là nhiều phòng tắm được thiết kế theo kiểu khoang. Nhà bếp và canteen dã chiến trông rất sạch sẽ, tinh tươm, có thể sẽ làm ai đó cảm thấy bị sốc nếu trước kia từng được chứng kiến điều kiện chiến đấu của binh lính Nga. Tại khu vực xử lý nước, Đại tá Alexander Yevdokimov say sưa nói về hệ thống lọc nước nhiều lớp, có thể biến nguồn nước đục ở Syria thành thứ đồ uống đạt tiêu chuẩn cao nhất, không bị nhiễm hóa chất hay bất kì loại vi khuẩn nào.

Nhà bếp cũng tự làm được bánh mỳ và những món ăn đặc trưng của Nga. Khu cửa hàng có bày bán cả đồ lưu niệm, mỹ phẩm, quần áo; người phục vụ gần đó tươi cười phục vụ cafe, bán bánh kẹo, kem, được chuyển đến từ Nga. Tướng Konashenkov, người từng tham chiến ở Chechnya và Gruzia cũng rất say sưa nói về những bước tiến của quân đội Nga. “Các anh còn nhớ Chechnya chứ, nơi mà mọi thứ đều lem luốc?”, ông vừa nói vừa chỉ tay vào khoảng sân mới được xây, với những bộ quân phục, đồ thường dùng tinh tươm.

Tên lửa hành trình Kalibr-NK được Nga phóng đi từ vùng biển Caspi. Ảnh: Sputnik

Chương trình đầu tư, hiện đại hóa quân đội đã tạo cho Nga có sức mạnh ngang ngửa Mỹ. Ngoài việc được phiên chế nhiều hệ thống vũ khí mới, các lực lượng vũ trang Nga còn mở hàng loạt cuộc tập trận quy mô lớn, có khi lên đến cả trăm nghìn quân, hàng trăm máy bay, trải dọc từ Baltic tới Thái Bình Dương, từ biển Caspi tới Bắc Cực. Các cuộc diễn tập đã mang lại nhiều thành quả xứng đáng trong sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga (3/2014): Chỉ trong ít giờ, Nga đã thiết lập và vận hành hoàn hảo cầu không vận, đưa đặc nhiệm phong tỏa, khống chế toàn bộ các căn cứ của Ukraine tại đây mà không tốn một viên đạn. Chiến dịch mau lẹ này làm cả phương Tây ngỡ ngàng.

Những rối loạn sau thời kì Liên Xô tan rã có thể buộc Moskva phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân để không bị coi thường. Nhưng giờ đây, quân đội Nga cho thấy họ hoàn toàn tự tin phô diễn sức mạnh chiến tranh quy ước. Triển khai lực lượng viễn chinh quy mô bằng đường biển, đường không; mở chiến dịch không kích của hàng chục máy bay kéo dài hàng tuần, liên tục cùng với việc phóng tên lửa hành trình Kalibr-NK từ biển Caspi tìm diệt mục tiêu ở tận Syria cho thấy một thông điệp rõ ràng: Quân đội Nga có thể sánh ngang hàng Mỹ về khả năng tác chiến.
Hoài Thanh (Theo AP)
Kế hoạch mới của Mỹ tại Syria làm gia tăng lo ngại
Kế hoạch mới của Mỹ tại Syria làm gia tăng lo ngại

Kế hoạch của Tổng thống Barack Obama nhằm vũ trang trực tiếp cho phe nổi dậy chiến đấu trong lãnh thổ Syria đang làm dấy lên nhiều quan ngại trong Quốc hội và giới chức tình báo về việc liệu nó có bao gồm đủ các biện pháp bảo đảm cần thiết để ngăn chặn vũ khí rơi vào tay các phần tử khủng bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN