Thế giới lần đầu tiên nếm trải khủng hoảng khí đốt và tình hình sẽ còn tệ hơn

Các nước tiêu thụ đã phát triển các bộ công cụ để xử lý khủng hoảng dầu mỏ từ những năm 1970. Nhưng không hề có một hệ thống tương tự như thế đối với khí đốt.

Chú thích ảnh
Châu Âu vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga. Ảnh: Reuters

Thế giới trải qua một số cuộc khủng hoảng dầu mỏ, đó là vào giai đoạn 1973-1174, 1978-1980 và năm 1990, đều là khởi phát từ những biến cố tại Trung Đông. Thế nhưng thế giới lại chưa từng phải đối diện với một cuộc khủng hoảng khí đốt nào trong trong quãng thời gian đó. Giờ đây, chúng ta đang ở trong một đợt khủng hoảng như vậy, không phải là điểm đầu của giai đoạn kết thúc, mà là điểm kết thúc của giai đoạn đầu. Và tình hình sẽ ngày một tệ hơn.

Đương nhiên, từng có những cú sốc trước đó về khí đốt, nhưng chỉ hạn chế ở cấp độ vùng, khu vực, mà nguyên nhân có thể là do thời tiết, thảm họa tự nhiên, hoặc là do yếu tố chính trị mà khí đốt là một là bài, như từng xuất hiện trong căng thẳng Nga-Ukraine về khí đốt trong năm 2006 rồi đến năm 2009.

Chưa xuất hiện một cuộc khủng hoảng khí đốt nào trên thế giới, bởi thị trường này mới được toàn cầu hóa khoảng một thập kỉ trước. Trong một thời gian dài, giá khí đốt tại những khu vực tiêu thụ lớn trên thế giới – gồm Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Á, thường rất rẻ. Các khoản đầu tư mới vào ngành này cạn dần, nhất là sau khi giá năng lượng có giai đoạn giảm sâu do tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2020.

Riêng năng lực sản xuất, xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) trên thế giới vẫn tăng mạnh tại thời điểm năm 2020, với Australia, Nga và Mỹ là ba nước đi đầu. Nhưng đây là kết quả có được từ các dự án đã được phê duyệt trước đó. Đa phần các dự báo đều nhìn nhận thị trường sẽ gặp căng thẳng về nguồn cung vào giữa năm 2020.

Có ba nguyên nhân đẩy khí đốt từ mức giá rẻ lên thành khủng hoảng và giá cao. Đó là quyết định của Trung Quốc năm 2017 về thay thế than đá bằng khí đốt đối với sản xuất công nghiệp và sưởi ấm hộ gia đình, nhằm xử lý vấn đề môi trường. Điều này tái hiện “cú sốc Trung Quốc” trên thị trường dầu mỏ, kim loại màu trong đầu những năm 2000. Kế đến là việc chính phủ các nước tìm cách thúc đẩy phục hồi kinh tế thoát khỏi đại dịch. Cuối cùng, đó là xung đột tại Ukraine, nhân tố khiến thị trường khí đốt châu Âu vốn đã căng thẳng lại càng thêm sức ép mới.

Các nhà nhập khẩu dầu thô, than đá có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các nguồn cung ứng, nhưng với khí đốt thì khác. Mặt hàng này chủ yếu được vận chuyển qua các tuyến đường ống cố định. Đơn cử, 83% lượng khí đốt xuất khẩu của Nga là qua các mạng đường ống, trong đó 85% có điểm đến là châu Âu.

Kế hoạch cấp khí đốt sang Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn, tốn kém hơn và cũng ít lợi nhuận hơn. Các dự án khai thác LNG mới của Nga cũng là một phần quan trọng giúp bảo đảm nguồn cung khí đốt toàn cầu trong tương lai. Nhưng giờ những dự án này sẽ bị chậm lại, do các đối tác tham gia bị chặn khả năng tiếp cận với vốn và công nghệ, còn khách hàng tỏ ra chần chừ trong mua khí của Nga.

Sau khi nổ ra xung đột ở Ukaine, lượng khí đốt Nga xuất sang châu Âu trên thực tế lại tăng so với thời điểm trước đó. Trung bình mỗi ngày châu Âu hiện trả cho phía Nga 700 triệu USD tiền mua dầu thô, 400 triệu USD nhập khẩu khí đốt và 22 triệu USD mua than. Nếu Liên minh châu Âu (EU) áp trừng phạt khí đốt Nga, sử dụng các công cụ về thuế, tài khoản ủy thác để chặn dòng ngoại tệ đổ về Nga, điện Kremlin sẽ tìm cách trả đũa.

Các nước tiêu thụ dầu đã phát triển nhiều bộ công cụ để xử lý khủng hoảng dầu thô sau năm 1970. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) là đầu mối điều phối hoạt động xuất kho dầu dự trữ của các nước. Còn các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng sử dụng tới sản lượng tiềm năng dư thừa để điều tiết, nguồn cung có thể dịch chuyển qua lại giữa các khu vực địa lý. Mới nhất là công nghệ dầu đá phiến tại Mỹ.

Thế nhưng những nhân tố như vậy tuyệt nhiên vắng bóng trên thị trường khí đốt. Loại bỏ khí đốt của Nga khỏi thị trường  - với sản lượng tương đương 25% toàn thế giới, chẳng khác nào loại bỏ toàn bộ các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cộng Iraq khỏi thị trường dầu mỏ.

Các nước thường tích trữ một lượng khá lớn khí đốt, nhưng là để đáp ứng nhu cầu mùa vụ (thường là vào mùa đông), chứ không phải là giải pháp để giảm cú sốc trên thị trường. Châu Âu trong năm nay sẽ phải tăng lượng khí đốt nhập khẩu để bổ sung cho các kho chứa đã cạn dần. Về LNG, các nhà xuất khẩu thường xuyên ở tình trạng hoạt động hết công suất, vì thế thiếu hụt nguồn cung ở một khu vực này không dễ dàng bù đắp từ khu vực khác.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo The National)
Ngoài khí đốt, gián đoạn nguồn cung nhiều mặt hàng khác từ Nga cũng khiến Đức khó khăn
Ngoài khí đốt, gián đoạn nguồn cung nhiều mặt hàng khác từ Nga cũng khiến Đức khó khăn

Dầu mỏ và khí đốt được coi là mặt hàng xuất khẩu đáng kể nhất của Nga đến Đức. Tuy nhiên, còn có nhiều mặt hàng xuất khẩu khác của Nga khiến Đức phải để tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN