Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập nối lại tiếp xúc ngoại giao lần đầu tiên kể từ năm 2013

Ngày 12/3, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ thông báo nước này và Ai Cập nối lại tiếp xúc ngoại giao lần đầu tiên kể từ năm 2013.

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rediep Taiip Erdoğan. Ảnh: Reuters

Trong tuyên bố ngày 12/3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã bắt đầu triển khai các liên lạc cấp ngoại giao sau nhiều năm gián đoạn.

Phát biểu với báo giới sau chuyển công du Qatar trở về, ông Çavuşoğlu nói: “Chúng tôi đã có các cuộc tiếp xúc cấp bộ ngoại giao và tình báo với Ai Cập. Các liên lạc cấp ngoại giao đã bắt đầu”.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm không bên nào đặt ra các điều kiện tiên quyết, thừa nhận mối quan hệ vốn đã xấu đi trong nhiều năm không thể được xây dựng một cách dễ dàng và ngay lập tức.

Theo ông Çavuşoğlu trong những tình huống như thế này, việc thiếu niềm tin là điều bình thường và có thể xảy ra ở cả hai phía. “Vì lý do này, các cuộc thương lượng đang diễn ra và sẽ tiếp tục theo một lộ trình và chiến lược cụ thể”.

Theo dailysabah.com, quan hệ giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột xấu đi nghiêm trọng từ năm 2013, sau khi Ancara giáng cấp quan hệ với Cairo và không thừa nhận Ðại sứ Ai Cập tại nước này nhằm trả đũa quyết định tương tự đối với trước đó.

Hai nước khi đó liên tiếp triển khai hàng loạt hành động "ăn miếng trả miếng". Nguyên nhân sâu xa được cho là việc Ai Cập bất bình trước vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn lực lượng Anh em Hồi giáo ở Ai Cập.

Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang trong năm 2020 liên quan cuộc nội chiến tại Libya. Tình hình Libya vào đầu tháng 7/2020 vẫn vô cùng căng thẳng, trong đó khả năng Thổ Nhĩ Kỳ giao chiến trực tiếp với Quân đội Ai Cập được đánh giá là “nguy cơ hiện hữu”.

Giữa năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường can thiệp quân sự vào Libya, cử tàu chiến áp sát bờ biển Libya, điều máy bay chở vũ khí, chuyển thiết bị bay không người lái chi viện cho lực lượng thuộc Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA). Ý định của Ankara là hậu thuẫn cho GNA, làm suy yếu “Quân đội Quốc gia Libya” (LNA) do Tướng Halfar đứng đầu được Ai Cập hậu thuẫn, để hướng đến mục tiêu lớn hơn là quyền thăm dò, khai thác dầu khí ở Địa Trung Hải.

Cairo kịch liệt chỉ trích sự can dự của Ancara và để ngỏ khả năng đưa quân đội tham chiến. Tổng thống Ai Cập Fatah al-Sisi bắn tín hiệu cứng rắn. Ngày 20/6/2020, Tổng thống al-Sisi tuyên bố khu vực Sirte-Jufra là "ranh giới đỏ" đối với Ai Cập và GNA không được đi quá giới hạn này. Ông viện dẫn tầm quan trọng của bảo vệ biên giới làm cơ sở để "sự can thiệp trực tiếp" vào Libya. Theo ông, Ai Cập có quyền tự bảo vệ sau khi nhận thấy những mối đe dọa trực tiếp từ các lực lượng được nước ngoài hậu thuẫn.

Nhà lãnh đạo Ai Cập công khai đề cập đến khả năng điều chuyển lực lượng quân sự ra nước ngoài với mục đích chính là để Mỹ phải xem xét nghiêm túc yêu cầu của Ai Cập về thiết lập lệnh ngừng bắn tại Libya. Về phần mình, Ankara tuyên bố sẽ xây dựng các căn cứ quân sự mới tại Libya, như đã làm ở nhiều nước khác.

Tuy nhiên, tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng song phương bắt đầu xuất hiện hồi đầu tháng này, khi Ngoại trưởng Cavusoglu tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng ký thỏa thuận với Ai Cập về các khu vực quyền tài phán trên Địa Trung Hải nếu điều kiện cho phép. Ông cho biết Ancara có thể ký một thỏa thuận với Cairo bằng cách đàm phán về phân định biên giới trên biển theo tiến trình quan hệ giữa hai nước.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập nối lại tiếp xúc ngoại giao lần đầu tiên kể từ năm 2013
Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập nối lại tiếp xúc ngoại giao lần đầu tiên kể từ năm 2013

Ngày 12/3, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ thông báo nước này và Ai Cập nối lại tiếp xúc ngoại giao lần đầu tiên kể từ năm 2013.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN