Từ Ấn Độ cho tới Nigeria, liệu ‘siêu thực phẩm' kê có thể là cứu cánh trước biến đổi khí hậu?

Kê hiện nay lđược mệnh danh là loại cây trồng “cứu cánh” trước tác động của biến đổi khí hậu.

Chú thích ảnh
Người nông dân trồng kê tại châu Phi. Ảnh: AFP

Ba năm trước, khi bắt đầu trồng kê và tạo ra lợi nhuận, cô gái Sanjulata Mahanta đã khiến dân làng vô cùng bất ngờ. Kể từ đó đến nay, cô vẫn lái chiếc xe điện màu đỏ trên những con đường quê ở miền Đông Ấn Độ để quảng bá cho loại hạt ngũ cốc này.

“Họ từng chê cười tôi và cho rằng tôi chỉ đang trồng cỏ”, Mahanta (35 tuổi) chia sẻ khi đang hướng dẫn cho người dân tại làng Kaurikala (bang Odisha, Ấn Độ) biết thêm về lịch sử phát triển, cách thức chế biến và cách mà kê thích ứng với biến đổi khí hậu ra sao.

Mahanta đã giúp khoảng chục phụ nữ làm nông trong làng gieo hạt kê, một loại cây lương thực vốn có ở châu Á và châu Phi vào 6 thập kỷ trước khi lúa gạo, lúa mì, ngô bắt đầu xuất hiện rộng rãi.

Loại cây trồng tưởng chừng đã bị lãng quên này đang quay trở lại thị trường toàn cầu nhờ vào giá trị dinh dưỡng cao và khả năng phát triển trên vùng đất khô cằn - một yếu tố đáng chú ý trước thực trạng biến đổi khí hậu gây ra hạn hán thường xuyên và khắc nghiệt hơn.

Ngồi dưới tán cây râm mát, các tình nguyện viên thái nhỏ lá cà ri và ớt xanh để làm nguyên liệu cho món bánh kê rán sau khi ban tổ chức khoá hướng dẫn tuyên truyền về lợi ích của món ăn này.

Khi Bhanumati Mahanta lần đầu tiên gieo kê trong trang trại của mình vào năm ngoái, mục đích của bà không phải là giải quyết các vấn đề do thiếu mưa trong khu vực gây ra mà để đảm bảo người chồng quá cố của bà ăn thực phẩm lành mạnh giúp ông chữa bệnh tiểu đường.

“Chồng tôi là người động viên tôi trồng kê nhưng ông ấy đã không còn sống để chứng kiến thành quả của vụ mùa. Trong nhiều thập kỷ, chúng tôi trồng lúa bằng phân bón và thuốc trừ sâu sau đó tiêu thụ chính loại gạo đó. Giờ tôi mới hiểu ra rằng chúng rất độc hại”, người phụ nữ 62 tuổi chia sẻ với hãng tin Reuters.

Cách mạng nông nghiệp vào thập niên 60 của thế kỷ trước đã chứng kiến những chính sách thúc đẩy trồng lúa gạo và lúa mì với mức giá bán ra được đảm bảo. Điều này đã làm giảm tỷ trọng kê của Ấn Độ xuống còn khoảng 6% hiện nay so với 20% trong những năm 1950.

Tuy nhiên, kê hiện nay lại được mệnh danh là loại cây trồng “cứu cánh” trước tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm nhiệt độ cao, hạn hán và lũ lụt. Những thảm họa thiên nhiên này đã trở thành một mối đe dọa lớn cho nền an ninh lương thực toàn cầu vì chúng có thể làm giảm vụ mùa, tạo ra nhiều sâu bệnh và làm gia tăng sự lãng phí lương thực.

Những nỗ lực làm mới ngành thương mại lương thực, viện trợ và đầu cơ cần được cân bằng với việc bảo vệ thiên nhiên, canh tác và thay đổi chế độ ăn uống phù hợp với khí hậu trong tình cảnh càng nhiều người trên thế giới phải đối mặt với nạn đói cho dù có đủ sản lượng lương thực toàn cầu.

Năm của hạt kê

Chú thích ảnh
Kê là loại cây trồng khoẻ mạnh, bền vững và giàu dinh dưỡng. Ảnh: BCCL

Với những mối quan tâm đó, Liên hợp quốc (LHQ) đã đặt năm 2023 là Năm Quốc tế của kê. Loại ngũ cốc này cũng đã được góp mặt trong thực đơn của bữa tối chay tại Nhà Trắng dành cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm Mỹ của ông hồi tháng 6 năm nay.

Kê cũng đang quay trở lại các nhà hàng tại bang Odisha. Quán cà phê Bocca nổi tiếng ở thủ phủ Bhubaneswar của bang đã thay thế gạo bằng kê nguyên cám trong một món ăn lấy cảm hứng từ Mexico. Bánh quy kê cũng được phục vụ với trà trong các cuộc họp của chính phủ.

Trở lại làng Kaurikala, Bhanumati Mahanta đang sử dụng kê ngón tay để nấu món cháo ngọt, thay thế loại gạo từ trước đến nay bà vẫn thường dùng.

Odisha không phải là bang trồng kê hàng đầu Ấn Độ hay một thị trường tiêu thụ lớn như các bang phía Tây và phía Nam, nhưng chiến dịch kê bang Odisha vào năm 2017 đã được Tổ Chức Lương Thực Và Nông Nghiệp Liên hợp quốc (FAO) gọi là một “ví dụ truyền cảm hứng” cần được nhân rộng ở nhiều vùng khác trên khắp đất nước.

Nằm trên bờ biển của Vịnh Bengal đầy biến động, lốc xoáy, lũ lụt và hạn hán, cuộc sống và thu nhập của người dân bang Odisha thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề, làm gia tăng tình trạng di cư và nạn đói tại nơi đây.

Bang này “đặt cược” vào cây kê để bảo vệ mức thu nhập của nông dân, giải quyết được nạn suy dinh dưỡng và quảng bá các lựa chọn thực phẩm lành mạnh.

Arabinda Kumar Padhee, người đứng đầu Sở Nông nghiệp bang Odisha phụ trách chiến dịch kê, cho biết: “Chúng tôi phải gửi thông điệp đến thế hệ tiếp theo rằng điều này tốt cho cả môi trường và nông dân. Chúng tôi muốn hồi sinh kê trở lại  không chỉ ở các trang trại mà còn trên bàn ăn của người tiêu dùng. Chúng tôi muốn kê xuất hiện trong thực đơn của mọi người”.

Những nỗ lực tương tự cũng đang xuất hiện từ quốc gia sản xuất kê lớn nhất châu Phi, Nigeria, nơi chính phủ đưa món biskin gero, một món ăn giống cơm couscous, được dùng kèm với nước mắm cay, vào thực đơn học đường cho trẻ em ở khu vực phía Bắc.

Ấn Độ và Nigeria đã cùng nhau tổ chức một lễ hội nấu ăn vào đầu năm nay tại thủ đô Abuja (Nigeria) nhằm giới thiệu về việc sử dụng hạt kê trong các công thức nấu ăn phổ biến của cả hai quốc gia.

Tại Nigeria, chính phủ đang tuyên truyền đặc tính của kê là một loại cây trồng “khỏe mạnh, bền vững và kiên cường” để chống lại nạn đói và suy dinh dưỡng ở một quốc gia có ít nhất 25 triệu người đang đối mặt với khủng hoảng lương thực theo LHQ.

“Chúng tôi biết rằng loại cây trồng này giàu dinh dưỡng, thông minh và có giá cả phải chăng”, Giáo sư nông nghiệp Olusegun Adekunle tại Đại học Ilorin miền Tây Nigeria cho rằng mọi người nên hiểu được giá trị của loại ngũ cốc này. Trong khi một phần ăn làm từ gạo có giá khoảng 500 naira (gần 16.000 VND), thì một phần ăn làm từ bột kê chỉ bằng 1/5.

Khó khăn “chồng chất"

Dù có được chính quyền phát động hay không nhưng những sáng kiến ​​đổi mới có thành công hay không đều phụ thuộc vào sự sẵn lòng của người tiêu dùng trong việc chuyển đổi từ lúa gạo, lúa mì mềm dẻo sang hạt kê cứng, thứ vẫn không được ưa chuộng ở phần lớn Ấn Độ, thậm chí đôi khi còn bị coi là chỉ phù hợp để làm thức ăn gia súc.

Tại một trường nội trú ở bang Odisha, các em học sinh không mấy mặn mà với những viên kẹo laddu làm từ kê ngón tay trong chiến dịch.

Nhà khoa học chính của Viện Nghiên cứu Cây trồng bán khô hạn nhiệt đới Quốc tế (ICRISAT), Sreenath Dixit, bày tỏ: “Đây có lẽ là lần đầu tiên chúng tôi cố gắng quay trở lại thói quen ăn uống cũ. Nhiệm vụ thay thế kê với các loại ngũ cốc, lúa gạo và lúa mì đang ngày càng trở nên khó khăn”.

Ở Nigeria, hạt kê giữ một vị trí hoài cổ trong lịch sử ẩm thực, nhưng việc sáng tạo lại các món ăn truyền thống để phù hợp với cuộc sống và khẩu vị hiện đại gặp nhiều khó khăn.

Tại một sự kiện quảng bá hạt kê ở Lagos, thành phố lớn nhất của Nigeria, cô giáo Sekinat Lawal thích thú nhớ lại món cháo kê mà mẹ cô nấu với sữa tươi và xi-rô chà là, dùng cùng Kunu, một loại thức uống có vị béo ngậy được ủ từ kê nguyên cám.

Nhưng Lawal cũng có hai người con, cô cho rằng việc thực hiện những món ăn tốn công sức như vậy sẽ là một thách thức, do có ít các sản phẩm ăn liền từ kê. “Có những đoạn quảng cáo mì ăn liền trên TV với hình ảnh trẻ em ngồi ăn tại bàn. Tôi không thấy sản phẩm kê tương tự”, cô nói.

Khi các chính phủ thúc đẩy quảng bá kê trở thành “siêu thực phẩm”, nguồn cung ở bang Odisha cũng đang phải vật lộn để theo kịp nhu cầu thị trường. Sản lượng kê của bang đã tăng gấp đôi lên 208.000 tấn kể từ khi chiến dịch được khởi động. Chiến dịch này cũng đã cung cấp cho nông dân vốn trồng trọt bằng tiền mặt trị giá 26.000 rupee trong thời gian 5 năm.

Tuy nhiên, theo những người làm việc cho WASSAN - một tổ chức phi lợi nhuận thực hiện chiến dịch kê cho bang Odisha, đối với nhiều nông dân chưa quen thuộc với hạt kê, gạo vẫn có vẻ là một lựa chọn an toàn hơn.

Các quan chức cho biết tiến độ sản xuất sẽ sớm bắt kịp với nhu cầu ngày càng tăng khi nhiều nông dân nhận thấy tiềm năng đang được thúc đẩy của thị trường kê. Đây cũng là hy vọng của những người làm việc trong các cơ sở chế biến kê được thành lập trong chiến dịch.

Linh San/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động tới an ninh lương thực toàn cầu
Lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động tới an ninh lương thực toàn cầu

Chỉ trong thời gian ngắn, từ ngày 20/7 tới ngày 29/7, lần lượt Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) rồi Nga cấm xuất khẩu gạo với lý do đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Tuy nhiên, động thái này của các nước, đặc biệt là cường quốc xuất khẩu gạo Ấn Độ, đang tác động mạnh tới tâm lý của người tiêu dùng và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh lương thực toàn cầu về lâu dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN