Nhảy sào: Nỗi sợ hãi bay

Xem một vòng chung kết nhảy sào cũng có cảm giác như đang xem giải đua NASCAR - giải đua xe hàng đầu nước Mỹ: Chắc chắn, mỗi cuộc đua sẽ có chuyện xảy ra, một chuyện xấu, vận động viên (VĐV) nào đó sẽ có thể chịu tai nạn trước áp lực tăng tốc khủng khiếp.


Khi người ta nói đến sợ hãi, tất nhiên, họ sẽ nói về Steve Hooker (ảnh), VĐV người Ôxtrâylia nổi tiếng với nỗi sợ hãi nhảy sào cũng như sự thành công mà anh đạt được với môn thể thao này. Hooker giành HCV tại Olympic Bắc Kinh năm 2008. Thành tích 5,96 m giúp anh lập kỷ lục Olympic mới. Tuy nhiên thành tích này của anh vẫn còn thua huyền thoại Sergey Bubka, VĐV nam duy nhất đến thời điểm này vượt qua mốc 6 m trong nhảy sào.


Thế nhưng, người ta còn nói nhiều hơn đến nỗi sợ hãi của Hooker. Nỗi sợ hãi ấy khiến anh có thành tích không tốt tại Luân Đôn: Thất bại ở những độ cao đơn giản, sợ không dám nhảy và hầu như không qua được những vòng nhảy thử. Tháng 2/2012, trong một lần phát ngôn trên báo chí Ôxtrâylia, bài viết “Steve Hooker nói tại sao anh lo sợ”, anh đã thú nhận “Tôi luôn tưởng tượng mỗi ngày mình đứng ở cuối đường chạy và sau đó đổ ập xuống từ trên không, sào văng đằng sào.” (Khi mới bắt đầu sự nghiệp thể thao, Hooker từng có ý định từ bỏ bộ môn này bởi anh không dám nhảy, vứt sào và nổi xung trong các buổi luyện tập). Để vượt qua, anh đã phải gặp bác sĩ tâm lý thể thao, tìm cách tập trung vào các yếu tố kỹ thuật để không bị phân tâm.


Công bằng mà nói, nỗi lo sợ nào cũng có lý do. Nhảy sào là môn thể thao khá đặc thù. Các VĐV phải chạy nước rút trước khi kết thúc bằng cú nhảy lên rất cao, uốn cong người để không chạm xà và rơi xuống cũng từ rất cao, hạ cánh xuống tấm đệm ở dưới. Đó là nếu mọi thứ đều tốt đẹp. Trên thực tế, những do dự khi tiếp cận xà, tốc độ gió ngang có thể khiến điểm tiếp đất của các VĐV không theo mong muốn của họ.


Các vụ tai nạn trong nhảy sào thường được xem là hy hữu. Trong thời điểm diễn ra môn thi nhảy sào ngày 8/8/2012 tại SVĐ Olympic Luân Đôn, VĐV nhảy sào 26 tuổi người Cuba Lazaro Borges đã may mắn thoát chết bởi khi anh đang thực hiện cú nhảy qua mức xà tại độ cao 5,35 m thì chiếc sào bị gãy làm ba. Rất may, anh không bị thương vì rơi xuống chiếc nệm bảo hiểm phía dưới và sau đó bình tĩnh đứng dậy nhặt các khúc sào gãy như không có chuyện gì xảy ra.


Tại Giải vô địch điền kinh thế giới 2011 diễn ra tại Daegu, VĐV Dmitry Starodubtsev đã không may gặp sự cố khi anh thực hiện cú nhảy vượt qua mức 5,75 m thì chiếc sào bị gãy đôi. Vụ tai nạn đã khiến Starodubtsev phải bỏ cuộc do đau tay. Sự xui xẻo lặp lại với VĐV Jan Kudlicka (CH Séc) khi anh cũng bị gãy sào, đành rời cuộc thi.


Năm 2001, một nghiên cứu của Tạp chí Y học thể thao Mỹ đã tính toán có 32 VĐV nhảy sào gặp lỗi kỹ thuật và gặp tai nạn từ năm 1982 tới 1998, có 16 người trong số đó tử nạn. Trung tâm nghiên cứu chấn thương thể thao quốc gia của Mỹ cũng xếp nhảy sào vào danh sách các môn thể thao nguy hiểm nhất cho các VĐV.


Mark Steward, cựu HLV của Hooker khẳng định: “Sợ hãi là đúng, những người chưa từng hiểu nhảy sào thì cũng chẳng thể hiểu được nỗi sợ hãi trong đầu các VĐV.” Năm 1999, Emma George, nữ VĐV sau này giữ kỷ lục Ôxtrâylia về nhảy sào nữ cũng từng tiếp đất lệch đệm. Cô phải rất khó khăn mới có thể phục hồi được về mặt tinh thần. Emma George chia sẻ: “Mỗi ngày bạn đều như có một trận chiến về mặt tâm lý. Một mặt tôi an ủi mình là sẽ ổn, ta có thể làm được trước mỗi lần nhảy, mặt khác tôi lại nghe tiếng nói nếu gió mạnh thì sao, nếu ta không thể chạm đệm thì sao.”


Tại sao luôn có nỗi sợ hãi thường trực trong nhảy sào? Có lẽ không giống như nhẩy xa hay nhẩy cao thông thường, mọi thứ xảy ra rất nhanh, người ta không có thời gian từ 2-3 giây để mà thức tỉnh sự sợ hãi. Để đạt được đến thành công, các VĐV đều phải nỗ lực để vượt qua nỗi sợ hãi trong trí óc của mỗi người.


Minh Đăng

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN