Thị trường châu Á phiên 18/4: Các chỉ số chứng khoán phục hồi sau chuỗi ngày mất điểm

Giá vàng tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch 18/4, do rủi ro xung đột ngày càng leo thang ở Trung Đông làm tăng sức hấp dẫn của vàng như một “nơi trú ẩn an toàn”, đồng thời làm lu mờ áp lực từ triển vọng Mỹ sẽ theo đuổi chính sách lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Chú thích ảnh
Vàng miếng được trưng bày tại một sàn giao dịch ở Seoul ngày 7/6/2019. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Xung đột leo thang tại Trung Đông đẩy giá vàng đi lên

Giá vàng giao ngay tăng 0,8%, lên mức 2.379,21 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.431,29 USD/ounce vào ngày 12/4 vừa qua. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,2% lên 2.394,10 USD/ounce.

Ông Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại OANDA, cho biết: “Thực tế là đang có rất nhiều điều không chắc chắn về mặt địa chính trị, điều này đang hỗ trợ cho xu hướng tăng giá vốn phổ biến của vàng”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel sẽ tự đưa ra quyết định về cách tự vệ trong bối cảnh các nước phương Tây kêu gọi kiềm chế để đáp trả một loạt cuộc tấn công từ Iran.

Ông Wong cho biết: “Lãi suất của Mỹ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn có thể tạo thêm một số áp lực đối với đà tăng giá vàng hiện tại. Bởi vậy, trong ngắn hạn, có thể xuất hiện đà thoái lui nhẹ của vàng”. Lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ vàng, vốn là tài sản không sinh lời.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện đang cẩn thận hơn trong việc thảo luận về thời điểm cắt giảm lãi suất, khi Chủ tịch Jerome Powell ngày 16/4 đã báo hiệu rằng lãi suất của Fed có thể duy trì ở mức cao lâu hơn.

Các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ cho biết: “Việc ngừng đầu tư vào các quỹ hoán đổi danh mục được hỗ trợ bằng vàng vẫn đang tiếp tục. Mức độ đầu tư ít vào vàng nên được coi là động lực tiềm năng vì nó hạn chế phạm vi thanh lý mạnh và cho thấy có nhiều tiềm năng để mua mới”.

Giá dầu “nhích” nhẹ sau đà giảm mạnh phiên trước

Giá dầu châu Á phiên 18/4 gần như đi ngang sau khi giảm 3% trong phiên trước do thị trường vẫn lo ngại về triển vọng nhu cầu trong năm nay và những dấu hiệu cho thấy khu vực Trung Đông có thể tránh được xung đột lan rộng.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng nhẹ 13 xu Mỹ, tương đương 0,15%, lên mức 87,42 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ cũng tăng 6 xu Mỹ (0,07%) lên 82,75 USD/thùng.

Giá hai loại dầu chủ chốt này giảm 3% trong phiên trước do các dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong năm nay thấp hơn dự kiến giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc yếu đi và lượng dầu tồn kho dầu ở Mỹ - nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới- đầy hơn.

Các nhà phân tích tại JP Morgan nhấn mạnh, mức tiêu thụ dầu trên toàn thế giới tính đến tháng 4/2024 đã thấp hơn 200.000 thùng/ngày so với dự báo của họ, xuống mức trung bình 101 triệu thùng/ngày. Kể từ đầu năm nay, nhu cầu đã tăng 1,7 triệu thùng/ngày, giảm so với dự báo hồi tháng 11/2024 là 2 triệu thùng/ngày.

Đồng thời, các nhà đầu tư đang đánh giá thấp khả năng Israel sẽ trả đũa mạnh mẽ cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào ngày 13/4 vừa qua. Theo dữ liệu của Reuters, Iran là nhà sản xuất lớn thứ ba trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và việc giảm bớt xung đột với Israel sẽ làm giảm khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông.

Vandana Hari, người sáng lập công ty cung cấp các phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights, cho biết: “Giá dầu Brent hiện đã trở lại mức trước cuộc tấn công vào lãnh sự quán Iran tại Syria vừa qua, cho thấy đợt tăng giá dầu mới nhất do căng thẳng Israel-Iran đang dịu xuống”.

Tồn kho dầu thô của Mỹ tăng cũng kiềm chế đà tăng giá dầu. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, tồn kho dầu của nước này tăng 2,7 triệu thùng, lên 460 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 12/4, gần gấp đôi kỳ vọng của các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters.

Chứng khoán châu Á khởi sắc

Thị trường chứng khoán châu Á phiên 18/4 hầu hết đi lên khi các nhà giao dịch đang cân nhắc triển vọng lãi suất của Mỹ, giữa bối cảnh các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đặt câu hỏi về sự cần thiết phải cắt giảm lãi suất sớm.

Các nhà đầu tư đã “phớt lờ” đợt bán tháo trong phiên trước ở Phố Wall, nơi các cổ phiếu công nghệ chìm trong sắc đỏ do lo ngại rằng Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn dự kiến. Bình luận gần đây từ các quan chức Fed củng cố quan điểm rằng lạm phát vẫn chưa giảm như mong đợi và nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh, khiến Fed không thể sớm nới lỏng chính sách tiền tệ.

Sự phục hồi trên khắp các thị trường toàn cầu, vốn liên tục chứng kiến các mức cao kỷ lục trong tháng này, đã làm dấy lên lo ngại rằng việc định giá có thể bị thổi phồng quá mức và các nhà phân tích cho rằng mùa báo cáo lợi nhuận quý I/2024 chính là chìa khóa để duy trì đà tăng trưởng này.

Chủ tịch Fed bang Cleveland, Loretta Mester, cho rằng chi phí đi vay hiện đang ở mức phù hợp và chưa cần phải vội giảm chúng. Mặc dù nhận thấy lạm phát vẫn đang trên đà giảm, bà nói: "Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta cần theo dõi và thu thập thêm thông tin trước khi hành động".

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản phục hồi sau 3 phiên mất điểm liên tiếp, khi báo cáo kinh doanh tích cực từ Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) TSMC đã giúp xóa đi mức giảm trước đó liên quan đến lĩnh vực chip bán dẫn. Chỉ số Nikkei 225 khép phiên tăng 117,90 điểm, tương đương 0,31%, lên mức 38.079,70 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng gần 2% phiên này, khi các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào với giá hời sau bốn phiên giảm liên tiếp trước đó, giữa bối cảnh rủi ro địa chính trị đang diễn ra ở Trung Đông và suy đoán về sự chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất của Mỹ. Chỉ số Kospi đóng cửa tăng 50,52 điểm, tương đương 1,95%, lên mức 2.634,7 điểm.

Theo chân đà tăng chung của thị trường châu Á, chứng khoán Trung Quốc cũng chốt phiên với sắc xanh, khi các nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng lãi suất của Mỹ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà tăng này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cảnh giác về nguy cơ căng thẳng địa chính trị, khi Tổng thống Joe Biden hôm 17/4 kêu gọi tăng mạnh thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu của Trung Quốc.

Kết thúc phiên này, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,09% lên 3.074,22 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 134,03 điểm, tương ứng 0,82%, lên 16.385,87 điểm.

Thị trường Việt Nam đóng cửa nghỉ lễ.

Minh Trang  (TTXVN)
Các thị trường châu Á biến động trái chiều trước những thông tin kinh tế mới
Các thị trường châu Á biến động trái chiều trước những thông tin kinh tế mới

Phiên 16/4 tại thị trường châu Á, giá dầu đã tăng nhẹ trước dữ liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN