59 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức sống mới Điện Biên

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc xây dựng cuộc sống mới trên nền chiến trường xưa dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đoàn kết một lòng phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Điện Biên hôm nay


59 năm chiến tranh đã lùi xa, tỉnh Điện Biên và đặc biệt là thành phố Điện Biên Phủ đang tiếp tục chuyển mình, khẳng định là “trái tim” của vùng Tây Bắc.


Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên cho biết: Năm 2012, GDP của tỉnh tăng 9,12%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng xác định, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế tuy gặp khó khăn nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng so với năm trước. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 231.000 tấn, tăng gần 2,3%. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường.


Một số chương trình mục tiêu, dự án trọng điểm của tỉnh được triển khai tích cực. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, xóa đói giảm nghèo, tiếp tục được quan tâm và đã đạt kết quả tích cực. Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh - trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng, tăng cường. Tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm năm hữu nghị Việt - Lào, quan hệ hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tổ chức quốc tế có hiệu quả rõ rệt...


Giờ học thực hành môn Hóa học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Mường Nhé (Điện Biên). Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Tiềm năng, lợi thế và nguồn lực đầu tư phát triển tiếp tục khai thác, phát huy có hiệu quả. Lòng chảo Điện Biên đầy đạn bom năm xưa, cánh đồng Mường Pồn, nơi Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng và hy sinh anh dũng, nay đã trở thành cánh đồng lúa mênh mông, những ruộng mía xanh ngát... Sản lượng lương thực ngày một tăng, đã khắc phục được nạn đói lưu niên, đảm bảo được nhu cầu lương thực trong tỉnh và có sản phẩm lương thực hàng hóa. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường.


Thời gian trôi qua, những con đường năm xưa từng là trọng điểm đánh phá của thực dân Pháp nhằm chặn đứng sự chi viện cho bộ đội ta ở chiến trường Điện Biên Phủ nay đã mang một diện mạo mới. Cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư. Hệ thống giao thông, bưu điện được quan tâm xây dựng, phát triển, trong đó nhiều công trình có giá trị kinh tế cao. Từng bước đầu tư công nghiệp hóa trong nông nghiệp; xây dựng được nhiều công trình công cộng phúc lợi phục vụ đắc lực cho sản xuất, đời sống, hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc.


Các tuyến tỉnh lộ được nâng cấp rải nhựa. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm. Điện lưới quốc gia, cáp quang đến được các huyện, thị xã, thành phố. 100% số xã có dịch vụ bưu chính và điện thoại, 85% số dân đô thị sử dụng nước sạch, 80% số dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt... Bộ mặt đô thị, nhiều vùng dân cư nông thôn thay đổi căn bản.


Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển nhanh về quy mô, nâng cao chất lượng. Duy trì, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Đã xóa nhà tạm cho gần 20.000 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,34%/năm. An sinh xã hội bảo đảm, đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được cải thiện rõ nét... Đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo.


Công tác xây dựng Đảng tiếp tục có bước chuyển biến tích cực. Các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động nâng lên. Số lượng, chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên tăng hàng năm. Đội ngũ cán bộ, đảng viên có bước trưởng thành về mọi mặt. Hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, các ngành có nhiều đổi mới theo hướng tích cực. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội được phát huy, hoạt động có hiệu quả thiết thực.


Chính trị ổn định, khối đoàn kết các dân tộc được giữ vững và phát huy; quốc phòng - an ninh, biên giới quốc gia bảo đảm... tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho sự phát triển của tỉnh.


Lấy công nghiệp làm khâu đột phá


Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển CN, TTCN, hoạt động công nghiệp có tốc độ phát triển khá; một số ngành công nghiệp được chú trọng ưu tiên đầu tư bước đầu đạt được những kết quả khả quan như ngành công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản.


Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: Lê Phú


Các ngành tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển, sản xuất sản phẩm phục vụ khách du lịch góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Qua triển khai, thực hiện Nghị quyết bước đầu đã thu hút được đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, từng bước hình thành một số vùng kinh tế trọng điểm gắn với các cơ sở chế biến nông, lâm nghiệp như vùng chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng; vùng sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, tấm lợp Proximăng ở huyện Điện Biên. Một số cơ sở công nghiệp xây dựng mới đi vào hoạt động như nhà máy gạch với tổng công suất 80 triệu viên/năm, nhà máy xi măng với công suất 36 vạn tấn/năm, nhà máy bê tông sản xuất cột điện công suất 3.000 sản phẩm/năm, nhà máy thủy điện công suất 2,4MW, ba nhà máy nước ở 3 huyện, nâng cấp đầu tư nhà máy nước tại thành phố Điện Biên Phủ, nâng tổng công suất cung cấp nước sạch lên 3.500m3/ngày đêm…

Để xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, địch đã cho tập trung ở đây 16.200 quân, gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu, với 8 cụm, 49 cứ điểm...

Với tinh thần quả cảm, quyết chiến quyết thắng, quân và dân ta đã tìm mọi cách vượt qua khó khăn, thử thách, làm chủ trận địa. Từ ngày 13 - 17/3/1954, quân ta mở đợt tấn công thứ nhất tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Từ ngày 30/3 đến 30/4, quân ta mở tiếp đợt tấn công thứ hai, đồng loạt tấn công các cứ điểm, cao điểm phía đông phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tấn công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày, quyết liệt, cam go nhất. Tại đây, ta và địch đã giành nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Kết quả, quân ta đã dành phần thắng, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm kiểm soát của quân đội ta, địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần, ý chí chiến đấu.

Từ ngày 1 - 7/5, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại, mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đêm 6/5 tại đồi A1, quân ta ồ ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng bộc phá ngàn cân phá tan thế cầm cự của quân địch. 17 giờ 30 phút ngày 7/5, ta chiếm Sở chỉ huy của địch, Tướng Đờ-cát cùng toàn bộ Bộ tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải đầu hàng. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Đêm 7/5, quân ta tiếp tục tiến công phân khu phía nam, đánh địch tháo chạy về thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt sống. Chấm dứt chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta toàn thắng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là trận chiến thể hiện bước trưởng thành vượt bậc về tác chiến của quân đội ta, là một trong những chiến công chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân; cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tiến bộ xã hội của các nước thuộc địa trên thế giới...


Theo ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên thì sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Giá trị công nghiệp tăng trưởng hằng năm chưa ổn định; sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đơn điệu, sức cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa có tác dụng lớn thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Việc triển khai một số cụm công nghiệp theo quy hoạch còn chậm; các cơ sở sản xuất công nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ; kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ. Việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường sinh thái chưa được chú trọng…


Để khai thác tiềm năng và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Điện Biên xác định mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2012-2015 bình quân 17,2%/năm, nâng tỷ trọng giá trị công nghiệp xây dựng trong GDP từ 28,81% năm 2010 lên 33,1% năm 2015, trong đó công nghiệp chiếm tỷ trọng 10,33%; phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.350 tỷ đồng (theo giá cố định), tăng 19,8%/năm; tương ứng năm 2020 đạt 3.034 tỷ đồng, tăng 17,6%/năm.


Thực hiện mục tiêu trên, Điện Biên đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng các nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ tiên tiến, gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Tiếp tục rà soát, thúc đẩy tiến độ đầu tư các công trình thủy điện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; tập trung hoàn thành đầu tư xây dựng và sửa chữa lưới điện quốc gia đến các xã trên địa bàn tỉnh, nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện, xây dựng hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng tại các khu đô thị. Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của tỉnh và cung cấp cho các thị trường lân cận và xuất khẩu sang các tỉnh Bắc Lào.


Khai thác khoáng sản theo quy hoạch, trên cơ sở khảo sát, thăm dò, đánh giá trữ lượng, nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, gắn khai thác với chế biến và bảo vệ môi trường. Đầu tư xây dựng các xưởng cơ khí để sản xuất nông cụ phục vụ nhu cầu của người dân, sửa chữa, đại tu, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ, phục vụ nhu cầu của các cơ sở công nghiệp hiện có. Từng bước khôi phục, phát triển đồ thủ công mỹ nghệ, làm hàng lưu niệm, quà tặng phục vụ du lịch; phát triển nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc như dệt thổ cẩm, sản xuất các sản phẩm từ thổ cẩm, trang phục truyền thống các dân tộc ít người, các loại nhạc cụ đặc sắc dân tộc.


Có thể nói, lên Điện Biên hôm nay, đến bất kỳ huyện nào, xã nào, bản nào cũng có thể tận mắt chứng kiến cuộc sống mới đang đổi thay kỳ diệu và mạnh mẽ. Giấc mơ bình dị, khát vọng nhiều thế hệ trước của bà con các dân tộc Điện Biên có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc nay đã thành hiện thực.



V.T (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN