Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia làm việc tại Quảng Ngãi

Ngày 29/11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về triển khai, giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2023.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, năm 2023 tổng nguồn vốn nhà nước do tỉnh quản lý bố trí thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia là hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công hơn 758 tỷ, vốn sự nghiệp hơn 676 tỷ. Đến hết tháng 10/2023, Quảng Ngãi đã giải ngân đạt hơn 478 tỷ, bằng 33,3% kế hoạch. Chương trình mục tiêu Quốc gia triển khai kịp thời đã góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, từng bước cải thiện hạ tầng, đời sống vật chất, tinh thần người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hộ nghèo ở Quảng Ngãi đến cuối năm 2023 giảm còn 6,22%, vượt 0,46% so với kế hoạch. Riêng các huyện miền núi, hộ nghèo giảm còn 24,58%, giảm 5,73%. Công tác tuyên truyền vận động đưa người đi lao động nước ngoài, đào tạo nghề, giải quyết việc làm của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Quảng Ngãi đã tổ chức sắp xếp, bố trí các dự án ổn định dân cư tập trung, hỗ trợ sửa chữa, xây nhà ở, nhựa hóa 60 km đường nông thôn, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường bán trú. Tỉnh hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán từ công trình cấp nước tập trung cho 1.145 hộ; đào tạo đưa đi lao động nước ngoài trên 200 người; tạo việc làm, tăng thu nhập cho 5.491 hộ đồng bào dân tộc thiểu số… Hiện có 3 địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100/148 xã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy vậy, việc triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp thuộc Chương trình đạt rất thấp; chưa hướng dẫn cụ thể nội dung hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn; một số nội dung của chương trình chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc chậm hướng dẫn.

Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, năm 2023, Quảng Ngãi đã bám sát chủ trương, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn trong việc cụ thể hóa, chỉ đạo, triển khai công tác giảm nghèo. Do vậy, tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, nhất là giảm nghèo, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nghèo vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

“Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, Ban Chỉ đạo Trung ương cần tham mưu có cơ chế chính sách cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục được hưởng một số cơ chế như tiếp tục được hỗ trợ bảo hiểm y tế, tiền điện từ 1 đến 3 năm, để người dân thực sự thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó cần nâng thêm mức nguồn vốn hỗ trợ nhà ở cho người nghèo”, bà Nguyễn Thị Ánh Lan nhấn mạnh.

Các thành viên trong đoàn công tác đã trả lời các đề xuất, kiến nghị của Quảng Ngãi về những vướng mắc trong giải ngân các chương trình mục tiêu. Theo đó, Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho phép kéo dài nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ cho các chương trình mục tiêu, bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022 và chưa giải ngân hết năm 2023 được chuyển tiếp, kéo dài thực hiện đến hết năm 2024. Đây là điều kiện rất tốt để các địa phương giải ngân hiệu quả nguồn vốn cho các chương trình mục tiêu. Do vậy, tỉnh cần đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn, để các chương trình phát huy hiệu quả. Đối với những vướng mắc về cơ chế, Ban Chỉ đạo đang tập hợp, rà soát những chính sách hiện hành không còn phù hợp sẽ tổng hợp trình các cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung thay thế, hướng dẫn cho các địa phương trong thời gian sớm nhất.

Chú thích ảnh
Các đại biểu kiểm tra cơ sở vật chất trường học được đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia tại xã Long Môn, huyện Minh Long. 

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia Lê Văn Thanh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Quảng Ngãi đạt được trong thực hiện các chương trình, đặc biệt là công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, Quảng Ngãi là địa phương được phân bổ nguồn vốn lớn để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tuy nhiên tỉnh mới đáp ứng được kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn sự nghiệp giải ngân đạt kết quả thấp. Tỉnh cần tiếp tục rà soát làm rõ kết quả các dự án, nội dung công việc đã hoàn thành và đang thực hiện; đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn, nhất là vốn sự nghiệp, bởi đây là cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các địa phương trong năm 2023.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh lưu ý, Trung ương hiện đã rà soát giải quyết hầu hết các vướng mắc đối với các chương trình mục tiêu, do vậy Quảng Ngãi phải tiếp cận và triển khai, giải ngân các dự án, công trình. Tỉnh ưu tiên cân đối bố trí nguồn vốn đối ứng triển khai hiệu quả dự án; rà soát lại hộ nghèo, tránh chạy theo thành tích; thực hiện đẩy đủ, toàn diện các chính sách cho hộ nghèo; tăng cường tuyên truyền, vận động đưa người dân đi lao động nước ngoài, học nghề.

Sáng cùng ngày, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã đi thực tế kiểm tra tiến độ thi công, giải ngân dự án đầu tư cơ sở vật chất tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Trung học cơ sở Long Môn, xã Long Môn, huyện Minh Long.

Tin, ảnh: Phạm Cường (TTXVN)
Huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia
Huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia

Huyện biên giới Tuy Đức là huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông. Nhiều năm qua, Tuy Đức luôn được ưu tiên các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng và thực hiện xóa đói giảm nghèo, ổn định dân di cư không theo quy hoạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN