Bắn hạ ‘thần sấm - con ma’ B52 của Mỹ qua lời kể của Trung tướng Phạm Tuân

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một dấu son chói lọi trong lịch sự chống ngoại xâm của dân tộc ta; đã để lại cho quân và dân ta nhiều bài học kinh nghiệm quý trong kháng chiến trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Chú thích ảnh
Trung tướng Phạm Tuân - phi công đầu tiên bắn hạ được máy bay B-52 ném bom chiến lược của Mỹ và hạ cánh xuống sân bay an toàn.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” có công rất lớn của lực lượng không quân, trong đó phải kể đến chiến dịch phòng không (CDPK) bảo vệ Hà Nội - Hải Phòng năm 1972. Chiến dịch này chứa đựng những nét rất độc đáo, nhất là lực lượng không quân đã có những cách đánh đặc sắc, tiêu diệt B52, phá vỡ đội hình địch từ xa, tạo điều kiện cho các lực lượng phòng không đánh địch hiệu quả, góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng phi công Phạm Tuân nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới. Ông là phi công đầu tiên bắn hạ “pháo đài bay bất khả xâm phạm” B-52 của Mỹ.

Năm 1965, Trung tướng Phạm Tuân nhập ngũ, được biên chế về Quân chủng Phòng không-Không quân và được cử sang Liên Xô học chuyên ngành thợ máy ra-đa. Cuối năm 1967, Trung tướng Phạm Tuân tốt nghiệp và chính thức trở thành phi công tiêm kích Mig 17 với kỹ năng bay đêm điêu luyện. Sau này, ông Phạm Tuân tiếp tục được chọn chuyển loại sang máy bay tiêm kích Mig-21. Kiến thức chuyển loại khi đó của người phi công trẻ chỉ là những cuốn sổ người lái máy bay của các phi công đi trước. Có lẽ những “cuốn giáo trình đặc biệt này” đã tôi luyện phẩm chất và kỹ thuật bay điêu luyện cho Trung tướng Phạm Tuân.

Giữa năm 1968, phi công Phạm Tuân được biên chế về Trung đoàn 923. Các trận đụng độ máy bay Mỹ đã dần tôi luyện và hoàn thiện kỹ năng chiến đấu của người phi công trẻ, đặc biệt là không chiến trong đêm tối. Mỗi trận đánh đều là một bài học kinh nghiệm trả giá bằng xương máu cho công tác dẫn đường, chỉ huy và phi công. Trung tướng Phạm Tuân đánh giá, kết quả của các cuộc đối đầu giữa ta và địch phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp nhịp nhàng giữa người chỉ huy, công tác dẫn đường mặt đất và kỹ năng của phi công trên không trung, trong đó người phi công chính là mắt xích quan trọng nhất.

Nhớ lại những bài học nhận diện và phương thức công kích máy bay B-52 trong 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ, một trong những phát hiện của phi công ta để nhận diện B-52 là khi nó bay vào không phận ta đều bật đèn để quan sát nhau. Đây có thể là tín hiệu B-52 sử dụng để báo hiệu vị trí cho các máy bay hộ tống. Trong quá trình chiến đấu, phi công ta đã phát hiện được điểm đặc biệt này, từ đó vạch mặt “pháo đài bay” trên bầu trời đêm Hà Nội.

“Trong lần xuất kích đêm 18/12/1972, tôi quan sát thấy B-52 nhờ dải đèn tín hiệu trên máy bay. Tín hiệu này sau đó được nhiều phi công khác của ta nhận thấy và phát hiện đây chính là điểm đặc biệt của “pháo đài bay”, Trung tướng Phạm Tuân nói. Trong các lần đánh tập B-52, phi công ta thường lợi dụng dẫn đường mặt đất để bay thấp, rồi bất ngờ leo cao tấn công máy bay giả định. Tuy nhiên, trong thực tế đánh B-52 khác hoàn toàn vì hệ thống ra-đa dẫn đường bị gây nhiễu. Với hệ thống gây nhiễu đa dạng, công suất cực mạnh, kênh dẫn đường mặt đất không dẫn được phi công ta tiếp cận được B-52.

Sau nhiều lần rút kinh nghiệm, toàn bộ lực lượng máy bay tiêm kích, sở chỉ huy không quân và ra-đa dẫn đường của ta được chuyển ra các sân bay nằm ở vòng ngoài, xa Hà Nội, cũng như sử dụng các đài dẫn đường từ xa để chỉ huy máy bay tiêm kích vào công kích B-52 để hạn chế nhiễu. Trung tướng Phạm Tuân đánh giá, đây sự thay đổi chiến thuật quan trọng giúp Không quân ta có cơ hội tiếp cận và tiêu diệt B-52.

Theo Trung tướng Phạm Tuân, ngoài các yếu tố trên, một yếu tố quan trong khác rút kinh nghiệm thực tế các trận đội đầu “pháo đài bay”, phi công ta thay đổi chiến thuật từ việc bay thấp đột kích chuyển sang tăng tốc độ và bay ở độ cao lớn xen lẫn vào trong đội hình hộ tống của địch. Với đội hình máy bay hộ tống lớn và quy mô như của B-52, nhất là trong đêm tối, máy bay tiêm kích của ta bay có thể bay lẫn vào trong đội hình hộ tống của, mà địch không thể phát hiện. Nhờ tốc độ cao và độ cao lớn, máy bay tiêm kích ta có thể chủ động chọn thời điểm công kích B-52, mà các đơn vị F-4 hộ tống không thể ngăn chặn. Đó chính là sáng tạo trong cách đánh B-52 của Không quân ta.

Trung tướng Phạm Tuân kể lại, tối 18/12/1972, sau khi nhận lệnh xuất kích, chiếc Mig-21 do ông điều khiển cất cánh từ sân bay Nội Bài lao vào bầu trời đêm. Tiếp cận đội hộ tống của máy bay Mỹ, ông phát hiện dải đèn nhận diện lạ ở độ cao hơn 8km, nhưng không biết đó là của B-52. Xin lệnh công kích và được đồng ý, phi công Phạm Tuân tiếp cận mục tiêu và bật ra-đa. Cả màn hình ra-đa sáng rực vì nhiễu. “Lúc đó, chiếc B-52 bất ngờ tắt đèn tín hiệu nhận diện. Không nhìn thấy mục tiêu trong đêm, tôi bật tăng lực để tăng tốc máy bay tìm mục tiêu. Luồng lửa động cơ do chiếc Mig-21 tạo ra thu hút sự chú ý của đám F-4 hộ tống. Sau vài vòng tìm kiếm không thấy mục tiêu, tôi đã điều khiển máy bay thoát ly”, Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.

Lần xuất kích thứ hai vào đêm 27/12/2017, máy bay của phi công Phạm Tuân cất cánh từ sân bay Yên Bái, bay thấp theo đài dẫn mặt đất bí mật tiếp cận phi đội hộ tống của địch. Trong đêm tối, các phi đội F-4 hộ tống của Mỹ không phát hiện ra máy bay của ta. Phi công Phạm Tuân khéo léo điều khiển máy bay né tránh và tiến sâu trong đội hình địch. Khi phát hiện ra mục tiêu B-52 khoảng thuận lợi, phi công Phạm Tuân xin lệnh công kích phóng 2 quả tên lửa điểm nổ trúng mục tiêu.

Thấy máy bay B-52 bị máy bay ta bắn rơi, các phi đội F-4 hộ tống của địch quyết tâm truy đuổi, nhưng sau khi thoát ly, phi công Phạm Tuân đã nhanh chóng điều khiển chiếc Mig-21 cắt đuôi máy bay truy kích của địch, trở về sân bay Yên Bái và hạ cánh an toàn.

Trong 12 ngày đêm chiến đấu, các đơn vị của Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) làm lực lượng nòng cốt cùng với quân dân miền Bắc, quân dân Thủ đô Hà Nội chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó, có 34 chiếc B-52, riêng Quân chủng PK-KQ bắn rơi 32 máy bay B52, góp phần đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Chiến dịch tập kích đường không có quy mô lớn nhất của Mỹ ra miền Bắc đã thất bại hoàn toàn. Chính quyền Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 17 trở ra, quay trở lại bàn đàm phán và ngày 27/1/1973 buộc Mỹ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.  Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến công oanh liệt nhất, là bản hùng ca vĩ đại trong thế kỷ XX, trở thành biểu tượng của ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.  

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của thế trận phòng không nhân dân; là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc Việt Nam; là ý chí, quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, đã tạo ra bước chuyển chiến lược căn bản về cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; làm tăng thêm sức mạnh, củng cố niềm tin cho các lực lượng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.  

Ngày 27/12/1972, phi công Phạm Tuân bắn rơi máy bay B52 và trở thành phi công đầu tiên bắn hạ được loại máy bay ném bom chiến lược này và hạ cánh về an toàn. Năm 1973, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Năm 1988, ông là Phó tư lệnh Chính trị Quân chủng Không quân. Năm 1999, ông giữ chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, quân hàm Trung tướng. Năm 2008, Trung tướng Phạm Tuân nghỉ hưu. 
Bài, ảnh: V.T/Báo Tin tức
50 năm Chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không': Tiếp tục tạo nên những kỳ tích mới
50 năm Chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không': Tiếp tục tạo nên những kỳ tích mới

Trong cuộc tập kích 12 ngày đêm của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương lân cận, quân và dân Hải Phòng đã anh dũng chiến đấu, góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước giành thắng lợi trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Phát huy truyền thống vẻ vang trong trận thắng này nói riêng và lịch sử hào hùng của thành phố Cảng nói chung, Hải Phòng đang tiếp tục tạo nên những kỳ tích mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN