Công điện khẩn phòng chống lụt, bão

Trước tình hình siêu bão Hải Yến có khả năng đổ bộ vào Việt Nam, vào 12 giờ ngày 7/11/2013, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có công điện khẩn số 88 gửi Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Cà Mau, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Giao thông vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và truyền thông, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.        

Đường đi của cơn bão Hải Yến chụp từ vệ tinh.Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương.


Siêu bão Hải Yến hoạt động phía đông miền Trung Philippin với cường độ cấp 17, đang di chuyển nhanh về phía biển Đông. Dự kiến, đêm 8/11, bão sẽ đi vào biển Đông. Đây là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp.     

Để chủ động đối phó với siêu bão, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành:   

1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tìm mọi biện pháp kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm về bờ:   

- Ra khỏi vùng biển Bắc Vĩ tuyến 8 và Nam Vĩ tuyến 16 và phía Đông Kinh tuyến 112 trước 19 giờ ngày 8/11.       

- Các phương tiện đang hoạt động ở vùng biển Bắc vĩ tuyến 10 đến Nam Vĩ tuyến 20 về nơi trú tránh trước 19 giờ ngày 9/11.   

2. Kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ở ven biển, cửa sông, căn cứ tình hình thực tế, chủ động thực hiện cấm biển, cấm tàu thuyền hoạt động trên sông trong ngày 10/11    

3. Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản.   

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo phối hợp kêu gọi ,hướng dẫn sơ tán, neo đậu tàu cá đảm bảo an toàn cho ngư dân rà soát, kiểm tra và triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập thủy lợi.  

5.  Bộ Quốc phòng chỉ đạo phối hợp kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền hoạt động trên biển về nơi trú tránh giúp nhân dân sơ tán đảm bảo an toàn chuẩn bị lực lượng tổ chức cứu hộ, cứu nạn.       

6. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc thông tin kịp thời cho các phương tiện vận tải hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.       

7. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chỉ đạo bảo đảm an toàn công trình dầu khí nằm trong khu vực nguy hiểm.   

8.  Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi chặt diễn biến của bão, mưa, lũ, dự báo và cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo và đưa tin kịp thời diễn biến của bão, mưa, lũ để nhân dân biết, chủ động phòng tránh.    

9. Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát song, thường xuyên thông báo diễn biến của bão, mưa, lũ và chỉ đạo của cơ quan chức năng để các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.         

10. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.             

11. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.


TTXVN/Tin tức
Đối phó với siêu bão mạnh nhất hàng chục năm qua
Đối phó với siêu bão mạnh nhất hàng chục năm qua

"Cơn bão sắp vào Biển Đông được dự báo là cơn bão mạnh nhất trong hàng chục năm qua. Sức tàn phá của nó sẽ mạnh hơn cả bão số 10 và 11 đổ bộ vào miền Trung hồi tháng 10”, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN