Đà Nẵng, Quảng Nam đảm bảo an toàn cho người dân, du khách

Tối 27/9, Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4 đã họp trực tuyến để kiểm tra, triển khai công tác trước khi bão chính thức đổ bộ lên đất liền.

Chú thích ảnh
Cuộc họp Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4 tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng.
 
Báo cáo với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, các lực lượng đã chuẩn bị sẵn sàng các tình huống hỗ trợ nhân dân, ứng phó với bão số 4. Người dân tại các ngôi nhà không kiên cố, khu vực có nguy cơ cao đã được khẩn trương di dời đến nơi tránh trú bão an toàn.
 
Đến chiều 27/9, tại Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), vẫn còn khoảng 90 thuyền viên kiên quyết ở lại các thuyền đánh cá, dù lực lượng chức năng đã thuyết phục, vận động nhiều lần. Lý do các thuyền viên này đưa ra là mỗi thuyền phải có ít nhất một người túc trực để bơm nước ra ngoài, tránh chìm tàu trong bão. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng giám sát để các thuyền viên hoàn thành việc bơm nước rồi kiên quyết cưỡng chế toàn bộ những người này lên bờ tránh trú bão. Lực lượng chức năng lập biên bản các trường hợp này để xử lý nếu để xảy ra thiệt hại về người trong mưa bão.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (bên phải) và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

 
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo tiền phương nhận định: Qua công tác kiểm tra cho thấy, các địa phương ven biển tại Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó với bão số 4, đảm bảo an toàn cho nhân dân. Tuy nhiên, bão khi đổ bộ đất liền vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đây là cơn bão lớn, đổ bộ vào thời điểm thủy triều lên và vào ban đêm nên công tác ứng phó khi có sự cố sẽ gặp nhiều khó khăn. Các địa phương cần tiếp tục triển khai ứng trực quyết liệt 24/24 giờ; đảm bảo an toàn cho nhân dân, nếu cần thiết phải chuyển từ vận động sang cưỡng chế di dời khỏi các nơi nguy hiểm.

Các tỉnh, thành lưu ý đảm bảo thông tin liên lạc, kịp thời báo cáo để phối hợp ứng phó với các sự cố có thể diễn ra, tập trung phòng, chống tại các vị trí xung yếu, đê kè, khu vực có nguy cơ cao. Lực lượng chức năng, cứu hộ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân và cho chính bản thân, không được chủ quan, lơ là trong công việc. Sau khi bão vào bờ, các địa phương cần tập trung ứng phó chống sạt lở khu vực miền núi, đảm bảo an toàn các hồ đập…

Chú thích ảnh
Gió giật mạnh liên hồi kèm theo mưa lớn khu vực ven biển Mỹ Khê. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Đến chiều tối 27/9, tại thành phố Đà Nẵng,  mưa to, gió giật mạnh, nhiều cây xanh đã gãy đổ. Người dân được khuyến cáo ở trong nhà từ 20 giờ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới. Các lực lượng vũ trang thành phố Đà Nẵng đã triển khai 100% lực lượng để túc trực phòng, chống bão.
 
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, đến 16 giờ ngày 27/9, toàn thành phố đã tổ chức di dời 11.813 hộ dân/41.602 khẩu và 3.303 sinh viên, công nhân đến nơi tránh trú bão an toàn. Tổng số tàu cá neo đậu tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang là 840 phương tiện (297 phương tiện thuộc Đà Nẵng và 543 phương tiện ngoại tỉnh).
 
Tổng số khách đang lưu trú tại thành phố Đà Nẵng là 17.093 người; trong đó, khách quốc tế khoảng 11.347 người, khách nội địa khoảng 5.746 người. Một số khách sạn ven biển đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà) đã có kế hoạch di dời khách qua các khách sạn trung tâm thành phố hoặc bố trí khách lưu trú còn ở lại xuống các tầng thấp và hướng dẫn đảm bảo an toàn.
 
* Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam tại cuộc họp cho thấy, tính đến 17 giờ ngày 27/9, toàn tỉnh đã di dời hơn 40.000 hộ với hơn 124.000 người. Các tàu cá của tỉnh đều nằm trong vùng an toàn, đã neo trú tránh bão. Các lồng bè neo đậu tại khu vực biên giới biển đã được gia cố, người trên lồng bè được đưa đến nơi an toàn. 
 
Đối với các hồ chứa đang thi công, chủ đầu tư đang triển khai các phương án phòng, chống bão và mưa lớn. Các hồ chứa khác ở địa phương đều xả nước để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão, các hồ chứa do Công ty Thủy lợi Quảng Nam quản lý cơ bản đảm bảo an toàn. 

Chú thích ảnh
Những người già yếu cuối cùng ở những vùng xung yếu của thành phố Hội An được Đồn biên phòng Cửa Đại đưa đến nơi ở an toàn. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN

UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành chỉ đạo yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 17 giờ ngày 27/9. Kể từ 18 giờ cùng ngày, cấm tất cả phương tiện tham gia giao thông (trừ các phương tiện tham gia công tác phòng, chống thiên tai) trên các tuyến đường đến khi có thông báo mới.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị 6 xe tăng thiết giáp và lực lượng sẵn sàng hỗ trợ khi có sự cố sau bão xảy ra.  

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết đến 18 giờ ngày 27/9, các lực lượng phòng, chống bão trên toàn tỉnh đã tập trung rà soát lại toàn bộ các phương án phòng, chống đã triển khai, nhất là các vùng xung yếu, ven biển và vùng miền núi hay bị sạt lở đất nhằm đảm bảo an toàn tài sản tính mạng của nhân dân và nhà nước, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4 gây ra.

Quốc Dũng - Trần Tĩnh (TTXVN)
UNICEF sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam ứng phó với bão số 4
UNICEF sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam ứng phó với bão số 4

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam vừa phát đi thông báo nêu rõ, tổ chức này quan ngại về tác động của bão số 4 (bão Noru) đối với trẻ em, gia đình ở Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với cơn bão được cho là lớn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN