Đề án 500 trí thức trẻ: Nhiều địa phương nêu khó bố trí biên chế cho đội viên

Ngày 26/11, Bộ Nội vụ tổ chức cuộc họp với các địa phương chuẩn bị hội nghị tổng kết Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500 trí thức trẻ). Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.

Chú thích ảnh
Các tri thức trẻ tại Lễ ra quân cho Đội viên Đề án 500 tri thức trẻ tình nguyện về các xã góp sức phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2015 tại Lạng Sơn. Ảnh tư liệu: Thái Thuần/TTXVN

Đề án 500 trí thức trẻ được Thủ tướng phê duyệt ngày 30/9/2013 nhằm tuyển chọn 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi để bố trí thực hiện công việc của các chức danh theo nhu cầu sử dụng nhân lực của từng xã.

Qua đó, giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; thông qua các hoạt động thực tiễn ở cơ sở, tạo cơ hội, điều kiện để trí thức trẻ phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành, đồng thời tạo nguồn cán bộ, công chức cho các địa phương. Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và 34 tỉnh triển khai thực hiện Đề án.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Đề án đã có đóng góp về phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng tại các địa phương. Trong 500 đội viên tham gia Đề án này, 64,3% là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, Đề án này cũng là chính sách phát triển nguồn nhân lực đồng bào thiểu số. Hiện còn 414/500 trường hợp chưa được bố trí công việc. Trong đó, 91 trường hợp đã có phương án, 323 trường hợp chưa có phương án bố trí nên Bộ Nội vụ phải bàn với các địa phương.

Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, theo Quyết định số 1758/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh thuộc phạm vi thực hiện Đề án có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan bố trí, sử dụng, đánh giá và thực hiện chế độ, chính sách đối với đội viên trong thời gian công tác tại xã và sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, một số địa phương có tư tưởng, quan niệm đây là Đề án của Trung ương, của Bộ Nội vụ, dẫn đến việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội viên là trách nhiệm của Trung ương, Bộ Nội vụ chứ không thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Do đó, một số địa phương chưa chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí sử dụng đội viên sau khi kết thúc Đề án; chưa gắn công tác bố trí, sử dụng đội viên với công tác tuyển dụng công chức, viên chức của tỉnh dẫn đến việc khi Đề án kết thúc, nhiều tỉnh không còn vị trí, biên chế để tuyển dụng đội viên Đề án.

Theo Quyết định số 1758/QĐ-TTg, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại xã trong thời gian 5 năm (đủ 60 tháng), căn cứ vào năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá nếu đủ điều kiện, đội viên được xét chuyển thành cán bộ, công chức cấp xã hoặc công chức từ cấp huyện trở lên theo quy định của pháp luật. 

Tại thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 500 trí thức trẻ, theo quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, sau khi hoàn thành nhiệm vụ 5 năm (đủ 60 tháng) tại xã, đội viên được xem xét tuyển dụng thành công chức cấp xã hoặc công chức cấp huyện trở lên theo hình thức tuyển dụng không qua thi tuyển.

Song, theo một số quy định hiện hành, đội viên Đề án 500 trí thức trẻ không thuộc trường hợp đặc biệt được tuyển dụng không qua thi tuyển. Điều này khiến các tỉnh gặp khó khăn khi tuyển dụng đối với đối tượng đội viên Đề án thành công chức cấp xã, cấp huyện trở lên sau khi kết thúc Đề án. Mặt khác, thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố) và Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hầu hết các tỉnh đang dôi dư số lượng lớn cán bộ, công chức và phải ưu tiên xây dựng phương án giải quyết. Vì vậy, nhiều tỉnh không có nguồn biên chế để bố trí đội viên thuộc Đề án 500 trí thức trẻ. Đến nay, nhiều tỉnh chưa bố trí, sắp xếp công tác cho Đội viên Đề án sau khi hoàn thành 5 năm công tác tại xã.

Đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, địa phương có 22 đội viên và đã bố trí được 7 người, còn 15 người chưa bố trí. Vấn đề Hà Giang đang gặp vướng mắc là do chưa có hướng dẫn tuyển dụng đối với các đội viên này lên huyện như thế nào. Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ có văn bản cho cơ chế tuyển thẳng các đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, không phải qua thi tuyển nữa.

Giám đốc Sở Nội vụ Phú Yên Trương Ngọc Tuấn cho biết, tỉnh có 30 đội viên, đến nay 25 đội viên còn công tác, 5 trường hợp đã nghỉ. Trong 25  trường hợp này, mới sắp xếp 7 người về làm công chức huyện, xã, còn 18 người chưa có phương án bố trí. 

"Tôi đồng tình các em đã được tuyển chọn kỹ đầu vào, đa số học đại học chính quy, được rèn luyện qua thực tiễn và có nhiều đóng góp cho địa phương thì không phải xét tuyển mà tuyển thẳng vào công chức cấp xã, huyện, tỉnh nếu đủ điều kiện và hoàn thành nhiệm vụ", Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên nói.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Lân bày tỏ lo lắng khi chỉ có 91 đội viên trong đề án được các địa phương có phương án bố trí, còn 323 đội viên chưa có giải pháp bố trí sau. Mặc dù Tỉnh ủy có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương nhưng đến tháng 6 vẫn giữ nguyên 10 trường hợp công tác tại 10 xã của 4 huyện chưa bố trí được. Từ tháng 7 đến nay mới sắp xếp được 3 trường hợp, còn 7 trường hợp vẫn chưa có phương án. 

Giám đốc Sở Nội vụ Kon Tum nêu khó khăn khi thực hiện đề án này đúng thời điểm đang thực hiện các Nghị quyết của Đảng về sắp xếp, tinh giản biên chế. Từ đó, các địa phương khó xử lý, chứ không phải địa phương không hoàn thành trách nhiệm. 

"Trước đây từ 21 cán bộ xã, nay giảm chỉ còn 12 - 14 người, rất khó cho địa phương. Huyện chỉ đạo nhưng xã không cách nào làm được", ông Lân nói.

Tỉnh Kon Tum cho rằng, cần kéo dài Đề án khoảng 1 - 2 năm và thống nhất cho tuyển thẳng các đội viên vào công chức xã, huyện, tỉnh. "Những tỉnh quá khó khăn về biên chế, không thể bổ trí được, đề nghị Bộ Nội vụ giao thêm biên chế cho các địa phương", Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum đề xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Long Hải cho rằng, quá trình đưa về địa phương, các đội viên trong đề án đã phát huy vai trò rất tốt. Đây là nguồn nhân lực rất tốt. Như ở Lạng Sơn, từ 278 em chọn 24 em, đến nay còn 17 em đang có nhu cầu tuyển dụng".

Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đồng tình với kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết bố trí sử dụng đội viên này theo nguyên tắc những đội viên hoàn thành nhiệm vụ bố trí công việc phù hợp. Các công việc này phải hoàn thành trước 31/12/2021, không kéo dây sang một nhiệm kỳ nữa.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, đây là đề án thí điểm, khi tổng kết thống nhất là kết thúc nhưng phải giải quyết những vấn đề tồn tại. Thống nhất thời gian để các địa phương thực hiện sắp xếp, bố trí các đội viên trong thời hạn 2 năm. Trong thời gian này, địa phương cân đối lại biên chế, dành tỷ lệ biên chế nhất định và có lộ trình để bố trí các đội viên. Trong thời gian này, các đội viên vẫn làm việc tại đơn vị đang làm để giữ vững niềm tin của thế hệ trẻ vào chính sách của Đảng, Nhà nước.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng
Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng

Ngày 5/11, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết 10 năm thực hiện Dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2010 - 2020” (Dự án 174).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN