Hà Nội và vùng thủ đô Pháp tăng cường hợp tác giai đoạn 2022-2025

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, ngày 16/2, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác giữa Hà Nội và Ile-de-France (Pháp) đã họp phiên trực tuyến, dưới sự chủ trì của ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và bà Anne-Louise Mesadieu, đại diện đặc trách của vùng.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu khai mạc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Vùng Ile-de-France là đơn vị hành chính bao gồm thủ đô Paris và 7 tỉnh phụ cận, là khu vực đông dân và trung tâm kinh tế lớn nhất của Pháp. Từ nhiều năm nay, hai bên đã thực hiện một số chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ xúc tiến du lịch, bảo tồn di tích lịch sử cho đến bảo vệ môi trường.

Hai bên đã đánh giá kết quả thực hiện một số chương trình hợp tác án nổi bật, như dự án phát huy giá trị di sản kiến trúc và cảnh quan trung tâm Hà Nội, dự án đánh giá, quy hoạch và khai thác Văn Miếu-Quốc Tử Giám, dự án phát huy di tích Hoàng thành Thăng Long, dự án đánh giá chất lượng không khí Hà Nội… Theo lãnh đạo các địa phương, các dự án nhìn chung đã được triển khai, nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định, trong đó có tác động từ đại dịch Covid-19.

Bà Anne-Louise Mesadieu cho biết, vùng Ile-de-France sẽ đề xuất hỗ trợ đánh giá, cải tạo biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo, dự án quy hoạch và quản lý quần thể di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chia sẻ kinh nghiệm với các địa điểm du lịch lớn trên thế giới.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trong giai đoạn 2022-2025, Hà Nội và vùng Ile-de-France nhất trí sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác trong những lĩnh vực, vấn đề mà hai bên cùng ưu tiên cao, như môi trường và phát triển bền vững, quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế, quản lý, khai thác di sản và xúc tiến du lịch, tăng cường sáng tạo và nghiên cứu.

Trong lĩnh vực môi trường, vùng Ile-de-France sẽ hỗ trợ Hà Nội tiếp tục tiến hành các dự án đánh giá và cải thiện chất lượng không khí, giảm thiểu rác thải. Theo đó, các cơ quan của Pháp sẽ giúp đối tác của Hà Nội xây dựng và thực hiện mô hình quản lý rác thải bền vững, trước mắt giảm thiểu rác thải nhựa, tiến tới nền kinh tế tuần hoàn. Thông qua Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan, phía Pháp sẽ tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ các dự án của các nhà tài trợ quốc tế, nhất là từ Cơ quan phát triển Pháp (AFD), tạo điều kiện để Hà Nội từng bước khuyến khích các phương tiện giao thông phi cơ giới.

Chú thích ảnh
Các điểm cầu dự họp trực tuyến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Vùng Ile-de-France sẽ chia sẻ kinh nghiệm để giúp Hà Nội trong công tác quy hoạch, bao gồm giúp đỡ dự án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chương trình phát triển hai bờ sông Hồng đoạn chảy qua thành phố, qua đó giải quyết các thách thức về xã hội, cảnh quan và du lịch, tư vấn cải tạo các khu chung cư cũ.

Cũng trong cuộc họp, lãnh đạo Hà Nội và vùng Ile-de-France đã trao đổi trực tuyến văn bản về Chương trình hành động chung giữa hai địa phương do lãnh đạo hai địa phương ký kết, với sự chứng kiến của Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery và Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng.

Tiến Nhất (TTXVN)
Nhóm 'Bộ tứ' cam kết tăng cường hợp tác đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông
Nhóm 'Bộ tứ' cam kết tăng cường hợp tác đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, nhóm Đối thoại An ninh “Bộ tứ” gồm Australia, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã cam kết hợp tác sâu rộng hơn nữa nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bảo tồn các nguồn tài nguyên ngoài khơi của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN