Kiện toàn Ban Chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém của một số dự án ngành công thương

Ngày 31/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1274/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cụ thể, Quyết định số 1274/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 1 Quyết định số 2551/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 và khoản 2 Điều 1 Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 30/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ để kiện toàn Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương (Ban Chỉ đạo).

Theo đó, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo là các Bộ trưởng Công Thương và Tài chính.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan là Ủy viên Ban Chỉ đạo tại Điều 1 Quyết định số 2551/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 và Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 30/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ban hành Quyết định này, khẩn trương rà soát, cập nhật thông tin cán bộ được cử tham gia Ban Chỉ đạo gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (nếu có thay đổi) để tổng hợp, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo.

* Trước đó, tại Quyết định số 2551/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là chỉ đạo Bộ Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị liên quan thực hiện các yêu cầu cụ thể và các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại các văn bản liên quan để xử lý các vướng mắc, khó khăn; đánh giá năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, cũng như tình hình nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm có liên quan đến từng dự án để đề xuất những giải pháp cụ thể cho từng dự án, nghiên cứu vận dụng các qui định linh hoạt trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia để bảo vệ tốt nhất thị trường trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế; rà soát và đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, kiểm soát chi phí sản xuất giảm giá thành sản phẩm; đàm phán với các đối tác về phương án hợp tác đầu tư và chuyển nhượng dự án.

Các nhiệm vụ khác là: Tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty đánh giá kỹ hơn, rõ hơn toàn bộ dự án từ chủ trương đến việc thực hiện đầu tư, vận hành dự án, đặc biệt về công nghệ xem xét tính đồng bộ của công nghệ, thiết bị sử dụng, đội ngũ cán bộ quản lý dự án, chất lượng nhà thầu; có biện pháp xử lý dứt điểm đối với các dự án nhà thầu chậm tiến độ, không đúng cam kết; kiểm tra lại sự phù hợp của tăng vốn đầu tư của từng công đoạn từng dự án, xác định rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục và đề xuất xử lý các vi phạm.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo có trách nhiệm đề xuất Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ thực trạng hoạt động, thực trạng tài chính của các doanh nghiệp, dự án làm căn cứ xây dựng các phương án tái cơ cấu, xử lý cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp và làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo qui định của pháp luật…

TTXVN/Báo Tin tức
Kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 25/10/2023 kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được thành lập theo Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 22/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ thành Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN