‘Nóng’ ngày 5/10: Khai mạc hội nghị 13 BCH Trung ương Đảng; Giải thích về điểm chuẩn Đại học tăng vọt

Ngày 5/10, dư luận đặc biệt quan tâm tới sự kiện khai mạc Hội nghị 13 Ban chấp hành Trung ương Đảng, trong đó Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có bài phát biểu khai mạc quan trọng. Cùng ngày, các sự kiện như quyết định không giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 và lý do điểm trúng tuyển Đại học cao vọt; cùng việc Ngân hàng số Vietcombank gặp sự cố hàng loạt … là những vấn đề "nóng" trong ngày.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thảo luận, lựa chọn và ghi phiếu biểu quyết về nhân sự

Sáng 5/10, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng khai mạc Hội nghị.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Trong bài phát biểu mang tính chất  gợi mở, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề xuất Trung ương dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế-xã hội nước ta từ đầu năm đến nay và dự báo cả năm 2020; chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng trao đổi về việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Đặc biệt, về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII phải bám sát Phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương trên các địa bàn, lĩnh vực công tác có cơ cấu Ủy viên Trung ương khoá XIII; đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương, nhất là ở những lĩnh vực trọng yếu, địa bàn phức tạp, trọng điểm; đồng thời, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng trước mắt cũng như lâu dài. Khi xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng; phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ là chính nhưng cũng cần quan tâm, chú ý đến cơ cấu hợp lý, cân đối giữa các địa bàn, lĩnh vực công tác và các khối; giữa Trung ương và địa phương; cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và yếu tố vùng miền hợp lý... Tuy nhiên, không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Bảo đảm dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan, minh bạch; kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện công tác nhân sự, gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi: Đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát Phương hướng và Quy trình công tác nhân sự, nghiên cứu kỹ danh sách giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII để thảo luận, cân nhắc, lựa chọn kỹ trước khi ghi phiếu biểu quyết.

Bộ GD&ĐT yêu cầu không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh lớp 1

Chú thích ảnh
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình trong giờ học Tiếng Việt. Ảnh minh họa: Hải Yến/TTXVN

Ngày 5/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học.

Theo văn bản này, để tiếp tục hỗ trợ các nhà trường, giáo viên triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh. Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.

“Nhiều nguyên nhân khiến điểm chuẩn Đại học rất cao”

Chú thích ảnh
Điểm chuẩn đại học năm 2020 tăng là điều đã được dự đoán. Ảnh minh họa: Đan Phương/Báo Tin tứ

Với những ngành học thí sinh phải đạt 29-30 điểm mới đỗ, đây là mùa tuyển sinh có mức điểm chuẩn vào trường Đại học cao kỷ lục từ trước tới nay.

Chia sẻ việc một số ngành học có điểm chuẩn rất cao, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm trúng tuyển vào một ngành có thể cao hoặc rất cao như chỉ tiêu xét tuyển ngành học ít hoặc rất ít, trong khi thí sinh có nguyện vọng đăng ký lại nhiều. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu đã dành một phần cho tuyển sinh bằng các phương thức khác không dùng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay chủ yếu phục vụ công tác xét tốt nghiệp, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên đề thi có yêu cầu thấp hơn năm 2019. Do vậy, điểm mặt bằng chung của thí sinh cao hơn, từ đó điểm trúng tuyển cũng cao hơn.

Ngân hàng số Vietcombank gặp sự cố hàng loạt

Chiều 5/10, hàng loạt khách hàng của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) than phiền vì không thể đăng nhập vào tài khoản ngân hàng số VCB Digibank, giao dịch trực tuyến trên cả ứng dụng di động lẫn trên website đều rất khó khăn.

Trên fanpage của Vietcombank, nhiều người bình luận cho biết ngay cả việc đăng nhập ứng dụng di động bằng vân tay cũng bị lỗi, dẫn đến tình trạng bị khóa tài khoản do đăng nhập sai nhiều lần.

Đại diện Vietcombank cho biết, ngân hàng đã ghi nhận sự cố lỗi trên kênh ngân hàng điện tử, nguyên nhân có thể do quá tải đường truyền dẫn đến nghẽn mạng. Vietcombank đang khắc phục sự cố này. Các kênh giao dịch tại ATM và tại quầy vẫn diễn ra bình thường.

 Việt Nam có thêm 1 ca mắc mới COVID-19, là chuyên gia nhập cảnh

Tính đến chiều 5/10, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19, là ca nhập cảnh đã được cách ly ngay; nâng tổng số mắc lên 1.097 ca. Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Người dân cách ly tập trung phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 16.363 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 263 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác11.551 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 4.549 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 5/10, có thêm 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là: BN1076, BN1075.

Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 2 ca, lần 2 là 2 ca, lần 3 là 6 ca.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca; số ca điều trị khỏi là1.022 ca.

PV/Báo Tin tức
9 điểm mỗi môn vẫn trượt, nhiều thí sinh ‘choáng’ với điểm chuẩn đại học
9 điểm mỗi môn vẫn trượt, nhiều thí sinh ‘choáng’ với điểm chuẩn đại học

Điểm chuẩn đại học năm 2020 tăng không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia tuyển sinh. Tuy nhiên, với những ngành học thí sinh phải đạt 29-30 điểm mới đỗ, đây là mùa tuyển sinh có mức điểm chuẩn cao kỷ lục từ trước tới nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN