Phát động Cuộc thi 'Chung tay vì an toàn giao thông' năm 2023

Lễ phát động Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” đã diễn ra tối 9/10, tại thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang).

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Cuộc thi do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới (Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam) tổ chức.

Đây là hoạt động tiếp nối thành công của Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” các năm 2020, 2021, 2022. Cuộc thi nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho mọi người dân; góp phần xây dựng văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông; là một trong những hoạt động thiết thực thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Cuộc thi năm nay tập trung vào các nội dung: Chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; kiến thức, kỹ năng xử lý các tình huống để tham gia giao thông an toàn; các hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông; các quy định pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm hàng tuần trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, mạng xã hội VCNet và các báo/tạp chí điện tử, trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương dẫn đường link liên kết với Cuộc thi (atgt.dangcongsan.vn), Cuộc thi dự kiến diễn ra trong 8 tuần (9/10 - 4/12). Công dân Việt Nam và người nước ngoài hiện đang cư trú tại lãnh thổ Việt Nam, độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên tính đến thời điểm làm bài thi đều có quyền dự thi.

Mỗi tuần thi có 6 giải thưởng, gồm: 1 giải Nhất (trị giá 2 triệu đồng); 2 giải Nhì (mỗi giải trị giá 1,5 triệu đồng); 3 giải Ba (mỗi giải trị giá 1 triệu đồng). Cùng với tiền thưởng, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ trao Giấy chứng nhận giải thưởng cho các cá nhân đoạt giải Nhất, Nhì, Ba các tuần thi.

Ban Tổ chức Cuộc thi cũng dự kiến sẽ khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, triển khai Cuộc thi và những địa phương, đơn vị có số người dự thi cao nhất, có nhiều người đoạt giải.

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho biết, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực hơn. Tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Thủy, trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét. Việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có lúc, có nơi bị buông lỏng. Một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để. Tai nạn giao thông giảm chưa bền vững. Việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn…

Để đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới. Chỉ thị đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm; trong đó, nhiệm vụ thứ 3 là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, vận động với giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.

Đánh giá cao Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” trong 4 năm liên tiếp, ông Phan Xuân Thủy cho rằng, đây là việc làm ý nghĩa, đóng góp một phần không nhỏ vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Cuộc thi đã tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội, thu hút được hàng triệu người tham gia. Đặc biệt, nội dung các câu hỏi đã lồng ghép phổ biến pháp luật với giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn giao thông để tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của quần chúng nhân dân nói chung và người tham gia giao thông nói riêng. Đây là một trong những yếu tố có tính chất quyết định đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông.

Ông Phan Xuân Thủy đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc thi. Cùng với đó, có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng tại các cấp. Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông”.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam chủ động tham mưu phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tổ chức tốt Cuộc thi; chuẩn bị bộ câu hỏi thi bảo đảm chất lượng, bao quát đầy đủ các vấn đề xung quanh việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Bộ câu hỏi và đáp án cần bám sát mục đích, yêu cầu của Cuộc thi, đảm bảo tính chính xác, tính hệ thống, tuyệt đối không để xảy ra sai sót.

Ông Phan Xuân Thủy cũng đề nghị Ban Tổ chức Cuộc thi cung cấp các tài liệu tham khảo sát với nội dung các câu hỏi, giúp người dự thi vừa tìm được đáp án, vừa được bổ sung kiến thức pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; phân công các thành viên thường xuyên tương tác, giải đáp kịp thời những câu hỏi và ý kiến thắc mắc của người dự thi về nội dung và kỹ thuật khi làm bài thi, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dự thi.

Nhìn lại 3 năm tổ chức Cuộc thi, Phó Tổng biên tập phụ trách Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi Nguyễn Công Dũng cho biết, năm 2020, lần đầu tiên tổ chức, Cuộc thi diễn ra trong 16 tuần (từ ngày 7/9 đến ngày 28/12), thu hút 2,5 triệu lượt thi cùng với 1,2 triệu người tham gia. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng dự thi giảm. Cuộc thi diễn ra trong 24 tuần (từ ngày 6/4 đến ngày 20/9), thu hút gần 508 nghìn lượt người tham gia với gần 2,2 triệu lượt thi. Cuộc thi năm 2022 được tổ chức trong 8 tuần (từ ngày 17/10 đến ngày 12/12), với 2,26 triệu lượt người tham gia, 6,2 triệu lượt thi.

Phát động Cuộc thi, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng tin tưởng cuộc thi năm nay có kết quả tốt hơn, hiệu quả hơn. "Tham gia cuộc thi không đơn thuần là để nhận giải, mà thi để tìm hiểu, nhận thức pháp luật tốt hơn, để chuyển đổi hành vi tham gia giao thông an toàn hơn, lan tỏa tinh thần văn hóa giao thông đến những người trong gia đình và những người xung quanh", ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
50 ý kiến đóng góp trực tiếp vào các dự án luật về an ninh, trật tự, an toàn giao thông 
50 ý kiến đóng góp trực tiếp vào các dự án luật về an ninh, trật tự, an toàn giao thông 

Ngày 3/10, tại tỉnh Thái Nguyên, Công an tỉnh phối hợp cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, lấy ý kiến đối với các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN