Tin nổi bật tuần 11-17/3: Hội nghị điều hành chính sách tiền tệ; Hội Báo toàn quốc năm 2024

Trong tuần từ ngày 11-17/3, các vấn đề thời sự nổi bật thu hút sự quan tâm của dư luận là: Hội nghị điều hành chính sách tiền tệ năm 2024; khai mạc Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2024; lập đường dây nóng tiếp nhận vướng mắc gói 120.000 tỷ đồng; ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có tính mở; tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát…

Hội nghị điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Tuần qua, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong 2 tháng đầu năm 2024, kinh tế xã hội tiếp tục đà phục hồi tích cực, tăng trưởng khá. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đối với ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023, trong khi lượng tiền gửi còn lớn, người dân vẫn tiếp tục gửi vào ngân hàng 14 triệu tỷ đồng, song, doanh nghiệp vẫn thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh; lãi suất cho vay vẫn còn cao; nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm; một số chương trình tín dụng chưa hiệu quả.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thảo luận, đưa ra giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn; phân tích nguyên nhân vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng; khắc phục việc cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, từng ngành, lĩnh vực để việc cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất, kinh doanh; đồng thời, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo khí thế, củng cố niềm tin, giữ đà tích cực khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng thúc đẩy khôi phục kinh tế xã hội nhanh và bền vững, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Khai mạc Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cũng trong tuần qua, Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến, xem xét quyết định các nội dung quan trọng như: Cho ý kiến về giải trình, tiếp thu đối với 7 dự án luật trước khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sau đó trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, gồm: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự thảo Luật Đường bộ; dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét quyết định việc thành lập, sắp xếp một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bình Dương, tỉnh Tiền Giang. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm để thực hiện nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện; đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về phát triển đô thị trong thời kỳ mới.

Nhóm vấn đề thứ ba là Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hai lĩnh vực tài chính, ngoại giao. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong tháng 3, sẽ còn phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật và phiên họp thường kỳ của tháng 5 sẽ cơ bản hoàn tất các nội dung có liên quan đến chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7.

Khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2024

Tuần qua, Hội Báo toàn quốc năm 2024 đã khai mạc tại TP Hồ Chí Minh, mở ra ngày hội sôi nổi của những người làm báo với chuỗi hoạt động đa dạng, phong phú. Đây là dịp biểu dương, động viên những cống hiến lớn lao của các đơn vị, cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp có nhiều đóng tích cực vào sự nghiệp Báo chí cách mạng Việt Nam.

Chú thích ảnh
Đại biểu tham quan các gian trưng bày tại Hội Báo toàn quốc 2024. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Nhà báo Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Đây là ngày hội lớn của báo giới và công chúng cả nước, là hoạt động chào mừng thành tựu đổi mới và phát triển của đất nước, với 120 gian trưng bày các ấn phẩm báo chí đặc sắc, tiêu biểu của hàng trăm cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các cấp hội nhà báo tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng khẳng định, Hội Báo là sự kiện quan trọng đối với các cấp hội nhà báo, người làm báo cả nước, chuẩn bị hướng tới Kỷ niệm 100 năm báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025). Vì vậy, giới báo chí cần chủ động, đoàn kết tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ bản quyền, đấu tranh chống tin giả, đẩy lùi thông tin xấu độc, thông tin sai lệch, xuyên tạc, để thông tin báo chí chính thống trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng nhất trong không gian số, góp phần xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh, phục vụ cho từng độc giả, khán thính giả, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lập đường dây nóng tiếp nhận vướng mắc gói 120.000 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tỉnh/thành phố lập đường dây nóng tiếp nhận những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp thuộc đối tượng thụ hưởng gói 120.000 tỷ vay mua nhà ở xã hội.

Theo Ngân hàng Nhà nước, chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội đặt mục tiêu cho vay, giải ngân đúng đối tượng, có thể kéo dài một vài năm, không phải giải ngân gấp, nhưng những dự án đủ điều kiện phải được giải ngân ngay. Vấn đề mấu chốt để thúc đẩy giải ngân là cần tạo điều kiện cho "nguồn cầu tiếp cận được nguồn cung", đẩy mạnh nguồn cung, hạn chế các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản. Theo đại diện các ngân hàng thương mại, khó khăn trong giải ngân gói tín dụng này là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án… Liên quan tới phát triển nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án; đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…

Để thúc giải ngân gói tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở; theo dõi tình hình triển khai Chương trình để đề xuất sửa đổi cho phù hơp với thực tế triển khai. Bộ Xây dựng cũng đang đề nghị các địa phương báo cáo về việc thực hiện gói vay để tìm ra các khó khăn cùng tháo gỡ.

Ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có tính mở

Từ năm 2025, thư viện câu hỏi thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ lựa chọn từ đề khảo sát của các Sở Giáo dục và Đào tạo, trường THPT. Đây là điểm mới nổi bật của đề thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Đây được xem là tính mở khi xây dựng thư viện đề thi. Hiện, ngân hàng câu hỏi do nhóm chuyên gia soạn với 9 bước, bảo mật từ đầu đến cuối.

Trong đó, đề thi môn Ngữ văn tiếp tục theo dạng tự luận, các môn còn lại gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn) theo hình thức trắc nghiệm. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, cùng với hai môn tự chọn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang làm đề thi theo tính đóng, từ khâu soạn thảo các phiên bản đầu tiên đều mời các chuyên gia đến khu vực riêng, sử dụng hệ thống an ninh bảo mật 24/7 trong suốt quá trình làm đề. Tuy vậy, vẫn khó thực hiện kín hoàn toàn. Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp. Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp THPT 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp.

Tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát

Tuần qua, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan với phần xét hỏi các bị cáo Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí.

Chủ tọa Phạm Lương Toản tiếp tục yêu cầu bị cáo Trương Mỹ Lan giải thích về việc các bị cáo là Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB… đều xác định thực hiện các hành vi đều theo chỉ đạo của Lan. Bị cáo Lan cho rằng các bị cáo khác khai không đúng bởi khi hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo Lan chỉ kêu gọi cổ đông tham gia đầu tư, giúp giải quyết tài sản chứ bản thân bị cáo không có nghiệp vụ ngân hàng nên không thể điều hành. HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng không có ai tham gia vào SCB.

Tại phiên tòa, nhiều bị cáo thuộc nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB khai nhận trong quá trình công tác tại ngân hàng đã nhận ra việc phê duyệt các khoản vay của Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có dấu hiệu sai quy định nên đã chủ động nghỉ việc từ trước khi vụ án khởi tố.

100% hội nhóm nhận lấy lại tiền lừa đảo đều có dấu hiệu lừa đảo

Công an TP Hà Nội liên tiếp nhận đơn trình báo người dân về việc bị lừa số tiền từ vài tỷ đồng cho đến hàng chục tỷ đồng, vì tham gia đầu tư tài chính trên mạng. Sự phát triển của internet, mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT… bên cạnh những lợi ích, kết nối, cũng đang là những kênh bị kẻ gian “mượn đường” thực hiện nhiều vụ lừa đảo người dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê, với đối tượng người cao tuổi có khoảng 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên, thanh niên có 13 hình thức; công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo; phụ huynh học sinh có 10 hình thức lừa đảo... Bộ Công an cũng đã liệt kê 24 hình thức lừa đảo trực tuyến, từ những hình thức tinh vi nhất như lừa đảo bằng các video đến những hình thức lừa đảo đơn giản như bán hàng giả, hàng kém chất lượng thông qua các kênh bán hàng trực tuyến.. Thế nhưng, khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo của các nhóm đối tượng này còn khá thấp và các trường hợp bị lừa đảo trực tuyến khó lấy lại tiền.

Để đấu tranh với loại tội phạm này, giải pháp căn cơ và lâu dài nhất để “phòng bệnh” là cần nâng cao sức đề kháng của người dân với các thông tin xấu độc, lừa đảo trên mạng. Bộ Công an khuyến cáo người dân cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản xã hội. Không chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng, mã OTP, không chuyển tiền cho người chưa xác thực.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Nóng tuần qua: Đề nghị truy tố 29 bị can trong vụ gây rối trật tự tại xã Đồng Tâm; Nhập khẩu lợn Thái Lan để hạ giá trong nước
Nóng tuần qua: Đề nghị truy tố 29 bị can trong vụ gây rối trật tự tại xã Đồng Tâm; Nhập khẩu lợn Thái Lan để hạ giá trong nước

Tuần qua, dư luận quan tâm đến việc Công an thành phố Hà Nội đề nghị truy tố 29 bị can vụ gây rối trật tự tại xã Đồng Tâm; triển khai nhập khẩu thịt lợn Thái Lan để hạ giá trong nước và vụ sư cô bạo hành đệ tử ở chùa Long Nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN